Tập trung đội tuyển bơi lội - Khoán trắng!

Tập trung đội tuyển bơi lội - Khoán trắng!

Trong năm 2011, nhiệm vụ chính của thể thao Việt Nam nói chung và đội tuyển bơi lội nói riêng là chuẩn bị cho SEA Games 26 và sau đó là Olympic London 2012. Tuy nhiên, quá trình tập trung đội tuyển bơi lội quốc gia đang bộc lộ khá nhiều bất cập, đặc biệt là sự thiếu nhất quán giữa đội tuyển và địa phương.

Tuyển quốc gia không bằng tuyển địa phương?

Nhằm chuẩn bị 2 mục tiêu lớn nhất trong năm 2011 là giành suất tham dự Olympic London 2012 và SEA Games 26 vào cuối năm cũng như giải VĐTG, ngay từ ngày 1-1, đội tuyển bơi lội quốc gia đã được tập trung tại 2 địa điểm. Tại Trung tâm HLTT QG TPHCM có 8 tuyển thủ QG và 9 tuyển thủ trẻ do HLV Đặng Anh Tuấn phụ trách, trong khi HLV Nguyễn Đăng Hà sẽ huấn luyện 6 tuyển thủ quốc gia và 14 VĐV của đội tuyển trẻ tại Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng.

Tuyển thủ quốc gia Hoàng Quý Phước.

Tuyển thủ quốc gia Hoàng Quý Phước.

Trong lúc thầy trò HLV Đặng Anh Tuấn vẫn duy trì tập luyện bình thường tại Trung tâm HLTTQG 2 TPHCM thì tại Trung tâm HLTTQG 3 Đà Nẵng, tình cảnh của đội tuyển bơi lại khá đìu hiu. Dù đã tập trung được hơn 2 tháng nhưng đến thời điểm này, các VĐV của Đà Nẵng như Hoàng Quý Phước, Châu Bá Anh Tư… vẫn chưa có mặt cùng các đồng đội.

Theo HLV Nguyễn Đăng Hà, sở dĩ các tuyển thủ của Đà Nẵng không tập trung cùng đội tuyển là trong năm 2011, ngành thể thao Đà Nẵng đã quyết định tiếp tục đầu tư chuyên biệt cho các kình ngư, đặc biệt là Hoàng Quý Phước. Vì vậy, lãnh đạo ngành thể thao Đà Nẵng đã làm việc với Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng để xin cho VĐV của mình được tập trung tại địa phương. Bên cạnh đó, ông Hà cũng cho biết, hiện nay HLV trưởng đội tuyển bơi Đà Nẵng Nguyễn Tấn Quảng cũng đã được bổ sung vào BHL đội tuyển quốc gia. Bởi vậy, dù không lên tập trung cùng đội tuyển quốc gia nhưng BHL đội tuyển cũng như bộ môn vẫn có thể nắm bắt kịp thời quá trình tập luyện của các kình ngư Đà Nẵng.

Trong những năm gần đây, việc VĐV được gọi tập trung đội tuyển quốc gia nhưng vẫn ở lại tập luyện cùng địa phương vốn chẳng phải chuyện lạ. Ai cũng biết, kinh phí của Tổng cục TDTT cũng như các bộ môn dành cho việc tập huấn, thi đấu của các tuyển thủ quốc gia đã không nhiều nhưng còn phải phân bổ dàn trải cho quá nhiều đội tuyển, nhiều tuyển thủ. Trong khi đó, những địa phương mạnh như Hà Nội, TPHCM, Quân đội, Hải Phòng, Đà Nẵng… vẫn thường xuyên cho VĐV các môn trọng điểm của mình đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Bởi vậy, trong nhiều trường hợp các tuyển thủ quốc gia thay vì lên tập trung cùng đội tuyển lại chọn phương án tập huấn cùng đội tuyển địa phương.

Đây được xem là cách làm khá hiệu quả, khi mức độ đầu tư cho đội tuyển quốc gia ở một số môn vẫn chưa thể bằng đội tuyển của các địa phương. Thế nên, việc Hoàng Quý Phước và các đồng đội không lên tập trung đội tuyển mà ở nhà đi tập huấn cùng đội tuyển bơi lặn Đà Nẵng cũng chẳng lạ.

Ai chịu trách nhiệm?

Chuyện VĐV được gọi tập trung đội tuyển nhưng vẫn tập luyện cùng địa phương sẽ vô cùng đơn giản nếu như chỉ số chuyên môn của VĐV ngày càng tiến triển và gặt hái được thành tích. Thế nhưng, chuyện gì sẽ xảy ra nếu như mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng ngược lại?

Theo chỉ tiêu đã đăng ký với bộ môn và Tổng cục TDTT, kình ngư Hoàng Quý Phước dự kiến sẽ giành được 1 HCB ở nội dung 50m hoặc 100m tự do sở trường tại SEA Games 26. Để hiện thực hóa chỉ tiêu ấy, ngành thể thao Đà Nẵng đã lên kế hoạch cho Phước cùng các đồng đội ở đội tuyển bơi lặn thành phố đi tập huấn tại Nam Ninh (Trung Quốc) ngay sau khi kết thúc giải bơi hồ ngắn 25m (từ ngày 20 đến 24-3 tại Huế) cho đến trước SEA Games 26.

Thế nhưng, cho đến gần đây, thông tin từ Bộ môn Bơi lặn Đà Nẵng cho biết, kế hoạch tập huấn nước ngoài của Phước và các đồng đội vẫn chưa được lãnh đạo phê duyệt. Ngay cả bản thân Phước cũng không hề biết mình có được đi tập huấn nước ngoài hay không? Tập trung đội tuyển quốc gia hay vẫn tập cùng đội tuyển Đà Nẵng?

Chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc hồi năm ngoái, Đà Nẵng đã bỏ kinh phí không nhỏ để VĐV của mình đi tập huấn nước ngoài dài hạn. Thế nên, ngân sách mà thành phố dành cho thể thao trong năm 2011 sẽ phải cân đối lại. Trường hợp xấu nhất thì có thể nhiều đội tuyển sẽ không được đi tập huấn nước ngoài hoặc phải rút ngắn thời gian tập huấn và rất có thể, đội tuyển bơi lặn cũng không phải là ngoại lệ.

Việc ngành thể thao Đà Nẵng điều chỉnh kế hoạch tập luyện, tập huấn của các đội tuyển là quyền của địa phương. Thế nhưng, điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các đội tuyển quốc gia có thành phần là VĐV của Đà Nẵng. Bởi vậy, Tổng cục TDTT và bộ môn bơi lặn không thể cứ khoán trắng cho địa phương “nuôi” tuyển thủ, mà cần phải có sự hỗ trợ cũng như theo dõi sát sao. Bằng không, khi có chuyện thì đôi bên lại đổ trách nhiệm cho nhau, còn VĐV và thể thao Việt Nam là những người chịu thiệt nhất.

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục