Tấm vé dự Olympic xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Ngày Aker Al Obaidi thông báo về gia đình được tham dự Olympic Tokyo 2020, mẹ của đô vật Iraq đã khóc. Với nam VĐV 21 tuổi, đó là món quà đầy ý nghĩa để xoa dịu nỗi đau không có người thân bên cạnh vì chiến tranh.
Nam đô vật người Iraq Aker Al Obaidi tại Olympic Tokyo 2020
Nam đô vật người Iraq Aker Al Obaidi tại Olympic Tokyo 2020

Đạn, bom chia rẻ gia đình

Vật từng giúp Obaidi trải qua tuổi thơ đầy nhung lụa. Được sự giúp sức từ người cha - vốn là đô vật có tiếng tại Mosul, anh bắt đầu tiếp cận môn thể thao này ở tuổi lên 9. Với năng khiếu bẩm sinh đi kèm niềm đam mê mãnh liệt, nam VĐV nhanh chóng “vô đối” khi tham dự các giải đấu cấp cơ sở. Liên tiếp tin thắng trận của Obaidi đã thu hút lớn sự quan tâm từ người dân địa phương, và họ kỳ vọng vào anh sẽ tỏa sáng trong tương lai. 

Nhưng sống trong đất nước vốn nổi tiếng với chiến tranh, đối mặt với những mối đe dọa về khủng bố, và bối cảnh thay đổi về mặt chính trị, đô vật trẻ này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chạy trốn thật xa tiếng đạn, bom. Tuổi 14, Obaidi tạm gác giấc mơ với vật, bị thất lạc gia đình trong sự hỗn độn của dòng người tị nạn để tìm đến Áo - đất nước dù chưa biết gì nhiều, nhưng đã cho anh sự an toàn. 

“Tôi không muốn rời khỏi quê hương, nhưng tôi phải làm. Khi chạy trốn, tôi không biết mình sẽ đi đâu và kết thúc ở đâu. Tôi đã tách khỏi gia đình của mình và đi theo một nhóm khác. Tôi từng lo sợ không biết gia đình mình có sống sót được không, và phải tự chăm sóc bản thân mình”, Obaidi hồi tưởng lại ký ức đâu buồn khi trả lời trên trang chủ Olympic.

Tấm vé dự Olympic xoa dịu nỗi đau chiến tranh ảnh 1 Obaidi đã ổn định cuộc sống tại Áo
Mất một thời gian dài để Obaidi ổn định cuộc sống tại Áo trước khi nghĩ đến chuyện nối lại đam mê với vật. Chính môn thể thao yêu thích từ nhỏ giúp anh vượt qua khoảng thời gian từng là tồi tệ nhất cuộc đời. Chàng trai đã bước sang tuổi 21 chia sẻ: “Điều quan trọng là phải thoát khỏi sự tiêu cực này thông qua thể thao, và vật đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ”.

Môn vật xoa dịu nỗi đau

Song hành việc theo học tại một trường cấp 2, đồng thời chăm chỉ rèn luyện tiếng Đức để cải thiện khả năng giao tiếp, Obaidi đã trở lại sàn đấu và dễ dàng thắng lớn tại cuộc thi địa phương bằng tài năng bẩm sinh. Tiếng vang giúp anh nhận được lời mời đến vùng núi Tyrol để theo đuổi môn thể thao này một cách nghiêm túc hơn.

Tại đây, Obaidi được gặp “ông chủ” của CLB RSC Inzing Klaus Draxl và HLV Benedikt Ernst. Cả hai sau này đã trở thành “ân nhân” của đô vật người Iraq. Với quyết tâm của mình và sự kèm cặp của “ân nhân”, chuyên môn của Obaidi đã phát triển rực rỡ bằng điểm nhấn là tấm huy chương đồng tại Giải trẻ vô địch châu Âu. 

Tài năng thiên bẩm, nghị lực vượt khó, xa gia đình vì chiến tranh, và đạt thành tích ấn tượng ở bộ môn mình theo đuổi, tổng hòa các yếu tố đã giúp Obaidi lọt vào “mắt xanh” của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) để nhận tấm vé thông hành đến Olympic Tokyo 2020 trong màu áo của đoàn thể thao tị nạn. Anh tham dự nội dung dưới 67kg trong lần đầu ra mắt Olympic.

Cũng trong thời gian gây được tiếng vang tại Áo, đô vật người Iraq đã bắt được sợi liên lạc với gia đình, và nhận tin vui khi mọi thành viên đều ổn. Vì thế, ngày Obaidi thông báo về gia đình về cơ hội được ra sân tại đấu trường Olympic đầy danh giá, mẹ của anh ấy không kìm được nước mắt.

Tấm vé dự Olympic xoa dịu nỗi đau chiến tranh ảnh 2 Obaidi tham dự Giải vật trẻ vô địch châu Âu 2019
“Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày mình được trở thành một thành viên thuộc đoàn thể thao tị nạn tham dự Olympic Tokyo 2020. Đó là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Mẹ của tôi đã khóc khi nghe tin này và bà ấy nói rằng ‘làm tốt lắm’. Và tôi đã nói, hy vọng bà ấy sẽ khóc thêm một lần khi tôi có màn trình diễn tốt ở Tokyo”, Obaidi cười rạng rỡ khi nhớ về thời khắc hạnh phúc này.

Được kết nối với gia đình để báo tin vui của bản thân là một khoảnh khắc đầy hạnh phúc của đô vật người Iraq. Đó là thành tích vĩ đại hơn tất cả những trở ngại mà Obaidi từng vượt qua để hòa nhập vào cuộc sống mới tại Áo mà không có gia đình cạnh bên. Phải đặt ván cược sinh mạng trong lần vượt biên để sang Áo, Obaidi không thể tưởng tượng sẽ có một ngày anh hiên ngang bước vào võ đài Olympic để trình diễn môn võ vốn ăn trong máu của bản thân. “Tôi tự hào vì đã đến được Olympic, nhưng tôi muốn nhiều hơn thế. Cuộc hành trình vẫn tiếp tục”, Obaidi khẳng định.

Nhưng chắc chắn một điều, tội ác của chiến tranh không bao giờ chia xa Obaidi với gia đình. Sẽ có một ngày, đô vật người Iraq trở về gia đình trong vòng tay chào đón của mọi người. 

Tin cùng chuyên mục