Tâm sự của chiếc huy chương

Tôi - huy chương vàng (HCV), là vật phẩm được Liên đoàn thể thao Đông Nam Á sinh ra từ năm 1959. Hồi đấy, bóng đá nam Xi-gêm lần 1 có 4 đội gồm Thái Lan, Burma (Myanmar bây giờ), Việt Nam và Malaysia. Dù ít nhưng vẫn  gay cấn, hấp dẫn vì đây là những đội mạnh của châu Á bấy giờ chứ chẳng phải “tép riu” như lúc này. 
Kết quả, Việt Nam giành HCV, Thái Lan xếp nhì, Malaysia được đặc cách hạng ba.

Về sau, trải qua các kỳ Xi-gêm tiếp theo số lượng các đội bóng nhiều hơn, cuộc chơi thêm phần xôm tụ. Khi đó giá trị của tôi được nâng lên rõ. Theo thống kê từ năm 1959 đến 1999, giai đoạn bóng đá nam dành cho đội tuyển quốc gia, Thái Lan có 9 lần, Myanmar 5 lần, Malaysia 4 lần, Việt Nam 1 lần giành được tôi. 

Hồi đó tôi rất hãnh diện vì có giá cao ngất ngưỡng. Chẳng như sau này chỉ dành cho U22 của lớp hậu sinh. Thật buồn là mình đang oai phong thì đến năm 2001 nhà tổ chức lại kéo tuổi xuống khiến tôi rầu hết biết.

Tính từ Xi-gêm 21 - 2001 đến nay, Thái Lan cũng làm trùm với 6 lần đeo tôi vào cổ nhưng tôi nhận ra ở họ sự cuồng nhiệt giảm đi nhiều. Bởi người Thái, dường như chỉ tập trung vào đội tuyển quốc gia còn U22 ít phần hào hứng. 

Tôi nghĩ quyết định đấy là đúng. Vì đánh giá độ mạnh yếu của nền bóng đá phải nhìn vào đội tuyển quốc gia chứ ai nhìn vào đội tuyển U22 bao giờ? Vậy mà các nước Indonesia, Việt Nam, Malaysia… lại hà rầm chạy theo kiếm tôi cho được. Để làm gì, khi tôi bây giờ đã xuống cấp, bèo nhèo?
Tâm sự của chiếc huy chương ảnh 1
 Lời thật tình này muốn gửi đến các bạn rằng, đi dự Xi-gêm cần cố gắng giành thành tích, vậy mới vui. Song, cũng không cần thiết phải dốc hết vốn đổ vào đó. Hãy làm tất cả cho đội tuyển quốc gia ở A-ép-ép Cúp rồi lấn sân ra châu Á hay hơn. Chỗ quen biết nhau, tôi khuyên các bạn thật lòng đó.

Tin cùng chuyên mục