Nhiều khán giả TPHCM “ngồi đồng” suốt 5 tiếng đồng hồ để thưởng lãm cuộc chiến đỉnh cao giữa Nhật Bản và Thái Lan. Để rồi sau đó không cảm thấy hối tiếc vì phải bỏ ra khoảng 60.000-100.000 đồng để mua vé vào Nhà thi đấu Nguyễn Du (quận 1) dự khán các trận đấu trong khuôn khổ giải cầu lông đồng đội châu Á 2017.
Đúng là nếu chứng kiến những cuộc so tài hấp dẫn như thế này, giới mộ điệu cầu lông Việt Nam cảm thấy mãn nhãn. Lâu rồi, chúng ta mới lại đăng cai một giải đấu tầm cỡ châu lục và quy tụ hầu hết các cường quốc cầu lông của thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… với nhiều tay vợt nằm trong tốp 10 thế giới, như Sung Ji Hyun (Hàn Quốc), Akane Yamaguchi, Ayaka Takahashi hay Misaki Matsutomo (Nhật Bản)…

Giải cầu lông đồng đội châu Á 2017 diễn ra tại Nhà thi đấu Nguyễn Du - TPHCM đã thu hút rất đông khán giả. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Việc khán giả TPHCM không ngại móc hầu bao để mua vé vào xem các trận đấu (ngay cả khi đội tuyển Việt Nam không thi đấu) là thành công của ban tổ chức. Khán giả bây giờ rất tinh tế và rành rẽ chuyên môn, tự biết chọn lựa cho mình giải đấu cần thiết để xem. Trước hàng loạt cuộc đấu trí, đấu sức trên sân như thế, nếu đã là fan ruột của cầu lông thì không thể bỏ qua. Đấy là lý do, trận đấu căng thẳng giữa Nhật Bản và Thái Lan ở vòng bảng hôm 16-2 kéo dài đến quá nửa đêm, nhưng không một khán giả nào rời khỏi khán đài mà gần như “dán mắt” vào những đường cầu, những pha xử lý khéo léo của các tay vợt dưới sân.
Hôm ấy, ai cũng mãn nhãn, phần vì Thái Lan bất ngờ đánh bại ứng cử viên vô địch, phần vì được thưởng thức những trận đấu quá hay. Mà quả thực, trình độ của các tay vợt hàng đầu thế giới chính là điều lôi cuốn người xem ở lại cho đến tận phút cuối cùng. Thực ra, trước đây Việt Nam cũng đã đăng cai nhiều giải quốc tế thuộc hệ thống Satellite, Challenge, Open nhưng sức hút chưa được như giải vô địch đồng đội châu Á lần này. Thậm chí, giới chuyên môn còn cho rằng nếu giải vô địch cá nhân châu Á diễn ra ở Nhà thi đấu Nguyễn Du và xuất hiện những tay vợt nam hàng đầu thế giới như Lee Chong Wei, Lin Dan, nhiều khả năng sẽ “cháy vé”.
Điều này thôi thúc giới quản lý cầu lông Việt Nam mạnh dạn xin đăng cai thêm nhiều giải đấu cấp châu lục và thế giới khác trong tương lai, khi đã nhìn thấy tiềm năng và triển vọng bán vé cũng như kêu gọi vận động tài trợ. Hơn nữa, uy tín của cầu lông Việt Nam qua sự kiện châu lục này cũng đã được nâng lên đáng kể, vì ngoài kinh nghiệm tổ chức, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung luôn là điểm đến an toàn, đáng chờ đợi của các giải đấu thể thao.
Chỉ có một mối lo ngại duy nhất lúc này, tức là cầu lông Việt Nam nếu tổ chức giải đỉnh cao thì lấy đâu ra nhân sự để tranh tài một khi tay vợt Nguyễn Tiến Minh chia tay sự nghiệp VĐV khiến cả một khoảng trống đang lộ ra sau lưng anh…
LÊ QUANG
Các tin, bài viết khác
-
Giải golf chuyên nghiệp Vietnam Masters 2021 có tổng tiền thưởng 180 triệu đồng
-
Cử tạ hồi hộp chờ tháng 5
-
Lực sĩ Hoàng Thị Duyên đoạt HCĐ tại Giải vô địch châu Á
-
Đoàn thể thao VIệt Nam dự SEA Games và Para Games có đơn vị tư vấn tiếp thị tài trợ
-
Nguyễn Trần Duy Nhất vô địch nhưng muay TPHCM chỉ xếp hạng 3 toàn quốc
-
3 lần rơi tạ nội dung cử đẩy, Thạch Kim Tuấn thất bại tại giải châu Á
-
Judo người khiếm thị cần được quan tâm đúng mức
-
Lực sĩ Vương Thị Huyền không giành được huy chương châu Á
-
Hơn 300 võ sĩ góp mặt tại giải karate vô địch miền Bắc
-
Chưa cân nhắc hủy Olympic Tokyo 2020: Sẽ xét nghiệm VĐV hàng ngày, không cho khán giả vào sân