
VFF đang vô cùng thụ động. Một thứ cảm giác đáng sợ đang được tạo ra bởi sự thụ động ấy. Có cảm giác, tổ chức này đang thu mình lại để trốn tránh thực tại, và bấu víu vào một sự an toàn giả tạo tại ngôi trụ sở mới vốn lộng gió tại Mỹ Đình.
Im lặng cũng là một giải pháp để giải quyết một vấn đề rắc rối nào đó, nhưng trong trường hợp này, nó không bình thường. Tại sao vụ việc Lê Công Vinh lại được giải quyết nhanh đến mức chóng mặt (chỉ trong vòng 24 giờ), còn các vụ việc ở sân Lạch Tray, Thiên Trường lại được trì hoãn lâu đến mức có thể, mặc dù tất cả đều hiển hiện rõ ràng trên sân. Tại sao cũng tiếp nhận thông tin từ giám sát, nhưng một đằng (trường hợp Lê Công Vinh) Ban kỷ luật lại đánh giá sai tình tiết để tăng hình phạt cho cầu thủ, trong khi một sự việc phạm luật rõ ràng ở Thiên Trường, nhưng cái ban này lại nhất nhất tuân theo bản báo cáo của BTC sân, vốn là “bị đơn” để rồi không xử lý gì một sự việc còn tệ hại hơn cả bạo lực sân cỏ?
Đầu tiên, cần thấy là khi BTC chưa đưa ra bất kỳ chính kiến gì thì Ban kỷ luật của VFF lại thể hiện quan điểm của mình bằng văn bản. Tuy nhiên, theo đúng qui trình thì BTC giải mới là nơi ra án phạt đầu tiên, còn Ban kỷ luật của VFF chỉ xem xét tăng hoặc giảm nhẹ hình phạt ấy mà thôi. Nên nhớ, AFC đang khuyến cáo V-League phải được điều hành riêng, độc lập hoàn toàn với Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Sau một loạt sự cố tại V-League, nhưng VFF vẫn im lặng một cách đáng sợ.
Thế nhưng đằng này, người ta không thấy vai trò của BTC giải ở đâu. Ông trưởng giải Trần Quốc Tuấn từ đầu mùa đến giờ chớ hề đăng đàn phát biểu một câu nào, trong khi ông phó Dương Nghiệp Khôi năm nay do rút kinh nghiệm nên cũng “lặn” khá sâu. Nếu như vài năm trước, chuyện này còn có thể hiểu được, thì 2 năm trở lại đây, lẽ ra BTC giải cần thể hiện quyền tự quyết của mình để tiếp cận với những hướng dẫn của AFC.
Ví dụ: Một cầu thủ hay CLB nào vi phạm kỷ luật, BTC giải phải quyết định hình thức xử phạt trong nội vi của giải đấu. Trong khi đó, Ban kỷ luật của VFF có thể nâng án phạt lên trên phạm vi quốc gia (bao gồm cả đội tuyển), ngoài thời hạn thi đấu của V-League (cả năm hoặc nhiều năm). Như vậy mới đúng qui trình. Đằng này, BTC giải vẫn cứ “đẩy” mọi việc sang Ban kỷ luật. Với cách làm việc này thì khi chuyển sang hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập, chẳng hiểu vai trò của BTC là gì nữa?!
Chúng tôi xin lấy ví dụ cụ thể: Sự việc liên quan đến phóng viên Duy Bùi bị hành hung tại sân Thiên Trường là phần việc của BTC giải chứ không phải của VFF. BTC sân thi đấu ngày hôm đó chưa chắc liên quan đến chủ sân Thiên Trường. Theo lý thuyết, CLB Nam Định thuê sân Thiên Trường để thi đấu nên phải là nơi chịu trách nhiệm chính. Mà CLB Nam Định đang chịu sự điều hành trực tiếp của BTC và điều lệ giải V-League, chứ không phải của VFF. Nếu CLB là một doanh nghiệp độc lập hoạt động trong khuôn khổ một giải đấu độc lập thì xem như họ chẳng liên quan gì đến VFF cả. VFF chỉ can thiệp, sau khi đã có kết luận xử phạt của BTC giải. Hãy nhớ, ngoài việc chịu sự quản lý của VFF, một CLB bóng đá còn chịu sự quản lý của cơ quan quản lý doanh nghiệp và các luật nghề nghiệp xã hội khác.
Cuối cùng thì đã rõ, VFF đã có kết luận và bảng kết luận đó còn tồi tệ hơn sự im lặng, khi họ chỉ nghe một phía. Chúng ta có quyền suy luận rằng, sự im lặng của BTC V-League và cả VFF là sự đầu hàng vô điều kiện trước những gì mà họ đang quản lý. Sự im lặng đó trong trường hợp này là thiếu khôn ngoan, và sai những qui tắc quản lý cơ bản. Sự im lặng ấy thật đáng sợ và được xem là hèn nhát!
HỒ VIỆT