Từ việc TPHCM mất HCV đôi nam tại giải cầu lông cá nhân toàn quốc 2009:

Sự cảnh báo kịp thời

Kết thúc giải cầu lông cá nhân toàn quốc vào tối 18-9, TPHCM bảo vệ hạng nhất toàn đoàn với 3 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ. Đây cũng là thành công nhất định khi nhìn lại sự khập khiễng về lực lượng nữ, nhưng việc mất HCV đôi nam trước các tay vợt thế hệ 9X Hà Nội lại là chuyện chưa từng có, và lần nữa đặt lại nỗi lo về công tác đào tạo của cầu lông TP
Sự cảnh báo kịp thời

Kết thúc giải cầu lông cá nhân toàn quốc vào tối 18-9, TPHCM bảo vệ hạng nhất toàn đoàn với 3 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ. Đây cũng là thành công nhất định khi nhìn lại sự khập khiễng về lực lượng nữ, nhưng việc mất HCV đôi nam trước các tay vợt thế hệ 9X Hà Nội lại là chuyện chưa từng có, và lần nữa đặt lại nỗi lo về công tác đào tạo của cầu lông TP

Lực lượng thiếu ổn định 

Trong trí nhớ của nhiều HLV, TPHCM chưa khi nào mất ngôi vô địch đôi nam tại giải VĐQG suốt 20 năm qua. Người hâm mộ vẫn nhớ những đôi nam làm nên thương hiệu cho TPHCM như Nguyễn Bỉnh Khôi-Lê Minh Trung, Bỉnh Khôi-Nguyễn Thế Huy, Nguyễn Anh Hoàng-Thế Huy, Anh Hoàng-Đặng Anh Đăng, Anh Hoàng-Văn Lợi, Trần Thanh Hải-Anh Hoàng, Thanh Hải-Quang Minh, Thanh Hải-Nguyễn Tiến Minh…

Nhiều năm qua, cầu lông TPHCM luôn có lực lượng đồng đều ở các nội dung, trong đó chiếm ưu thế rõ rệt ở đôi nam. Nhưng từ năm ngoái, các tay vợt kỳ cựu Thanh Hải, Quang Minh, Thanh Thảo cùng lúc xin nghỉ, lỗ hổng về lực lượng kế thừa đã lộ ra. 

Thay cho đôi nam VĐQG Thanh Hải-Quang Minh ở giải cá nhân toàn quốc 2008 là 2 đôi mới Dương Bảo Đức/Phạm Cao Hiếu và Huỳnh Nguyễn Khang/Nguyễn Hoàng Nam. Trong đó, chỉ có Bảo Đức được tập huấn chuyên đôi ở Indonesia.

Sự cảnh báo kịp thời ảnh 1

Nguyễn Hoàng Nam chơi không tốt ở trận chung kết khiến TPHCM vuột HCV đôi nam.

Kết thúc giải này năm ngoái, Khang/Nam lần đầu vô địch khi thắng Đức Phong/Ngọc Tùng (Hà Nội) ở chung kết, còn Đức/Hiếu đoạt đồng HCĐ. Tuy vậy, ở giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc vào tháng 12-2008, Phong/Tùng lại đăng quang và chính thức trở thành nỗi lo của các tay vợt TPHCM ở nội dung này. 

Giải vô địch đồng đội toàn quốc hồi tháng 5 vừa qua, sau 3 năm (từ Đại hội TDTT toàn quốc 2006) người ta mới thấy Nguyễn Tiến Minh trở lại đánh đôi nam cùng Dương Bảo Đức, Phạm Cao Hiếu “ghép” với tay vợt Nguyễn Hoàng Nam. Chuẩn bị cho giải cá nhân toàn quốc 2009 này, BHL đội tuyển TPHCM đề xuất 2 đôi Đức/Hiếu, Nam/Khang, nhưng cuối cùng bộ môn lại quyết định Đức/Tiến Minh, Hiếu/Nam. 

Khoan bàn về lý do thay đổi lực lượng thi đấu đôi nam trong năm 2009, chỉ thấy, khi ra quân mà lực lượng thiếu ổn định, chưa kể Tiến Minh và Bảo Đức chỉ tập chung vài buổi, Hiếu và Nam mới gắn bó trở lại từ khi chuẩn bị giải Challenge ở Lào hồi tháng 7-2009, còn Nguyễn Khang/Thanh Long mới thành đôi từ tháng 8, thì các đôi TPHCM đã lép vế so với sự gắn kết 3-4 năm nay của đôi ĐKVĐ Bùi Bằng Đức/Đào Mạnh Thắng (Hà Nội). 

Sự ghép đôi trong thời gian ngắn của các tay vợt TPHCM bộc lộ điểm yếu trong thi đấu, như trận chung kết: hết Hoàng Nam sơ xảy ở ván đầu, đến Cao Hiếu đánh hỏng nhiều hơn ở ván 2, nên không thể tự tin trước lối đánh tốc độ cao, chịu “ép” cầu của Đức/Thắng. 

Cần nói thêm, giai đoạn 2000-2001, các tay vợt thế hệ 9X của Hà Nội đã tập huấn đều đặn ở Trung Quốc và mới xuất hiện ở giải trẻ toàn quốc đã gợi mối lo về lực lượng kế thừa của cầu lông TPHCM. Tiếc rằng, nguy cơ này chưa được cầu lông TPHCM quan tâm đúng mức và dẫn đến hệ quả trên. 

Gút mắc về hệ thống đào tạo 

Nhà quản lý và BHL cầu lông TPHCM đều xuất thân từ VĐV đỉnh cao. Vậy mà, TPHCM lại “vấp” về hệ thống đào tạo. Từ giữa tháng 5 đến nay, bộ môn cầu lông TPHCM hoạt động không có trưởng ban chuyên môn (chức danh mới mà Sở VH-TT-DL thay thế cho chức danh HLV trưởng). Cần nhắc, năm 2006, cầu lông TPHCM lần đầu tiên chia nhóm huấn luyện nội dung đơn và đôi riêng biệt, nhưng cũng chỉ thực hiện điều này hết năm đó rồi… thôi! 

Gút mắc về hệ thống đào tạo, trước tiên là giữa những người vận hành hệ thống đào tạo. Vài ví dụ về mối quan hệ giữa bộ môn và BHL như vừa nêu đã được bà Huỳnh Ngọc Liên - cựu Phó chủ tịch LĐ cầu lông TPHCM chỉ rõ: “Nội bộ cầu lông TPHCM bằng mặt mà không bằng lòng. Trưởng bộ môn Trần Nguyễn Trí Dũng và các HLV Nguyễn Anh Hoàng, Nguyễn Thế Huy, Hồ Văn Lợi, Phan Hưng Khương gần như là VĐV cùng thời, nên không ai nể ai”. 

Ngoài ra, hồi tháng 6, trả lời phỏng vấn của SGGP Thể Thao, ông Lê Đăng Xu - Chủ tịch LĐ cầu lông TPHCM đã nhắc đến nhu cầu gấp rút có chuyên gia để thiết lập và “cầm trịch” hệ thống đào tạo bài bản cho cầu lông TPHCM. Vấn đề về nguồn lực của cầu lông TPHCM đã được chính lãnh đạo liên đoàn (một tổ chức xã hội) nhìn nhận, nhưng phải chăng Sở VH-TT-DL TPHCM (bộ máy quản lý nhà nước) lại không nắm vững? 

THỤC OANH

Tin cùng chuyên mục