Sống cùng đam mê

Luôn lặng lẽ phía sau các vận động viên (VĐV) khuyết tật, gánh vác rất nhiều công việc không tên, huấn luyện viên Nguyễn Văn Phương chỉ thở phào khi thấy các học trò vượt lên được chính mình, hoàn thành các đường đua. Cứ như thế trong nhiều năm qua, anh đã trở thành một phần không thể thiếu của điền kinh khuyết tật TPHCM, giúp những VĐV đặc biệt này vượt qua rào cản tâm lý để sống cùng đam mê.
HLV Nguyễn Văn Phương (trái) dẫn VĐV điền kinh khuyết tật Việt Nam thi đấu ở Asian Paragames 2018. Ảnh: P.NGUYỄN
HLV Nguyễn Văn Phương (trái) dẫn VĐV điền kinh khuyết tật Việt Nam thi đấu ở Asian Paragames 2018. Ảnh: P.NGUYỄN

“Máu điền kinh” chảy trong huyết quản…

Câu chuyện của những người khuyết tật vượt qua các rào cản tâm lý hay những nhọc nhằn mưu sinh để cống hiến cho thể thao luôn khiến bao người phải khâm phục. Bên cạnh đó, vẫn có không ít người luôn động viên, đào tạo người khuyết tật thành những VĐV thể thao thực thụ, nhưng lại ít được chú ý hơn.

Nguyễn Văn Phương từng rất nổi tiếng ở các cự ly 400m và 400m rào nam trước đây, với thành tích 10 năm liên tiếp vô địch quốc gia, đoạt 2 HCB tại các kỳ SEA Games 21 và 22 khi khoác áo đội tuyển quốc gia. Đối với vị huấn luyện viên (HLV) sinh năm 1976 này, điền kinh không còn là thứ đam mê đơn thuần, mà nó như trở thành máu thịt của anh. Để rồi cho đến tận bây giờ, anh dành trọn tâm trí và sức lực để tiếp tục cống hiến cho điền kinh, dù ở vị trí nào.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao (TDTT), Nguyễn Văn Phương làm HLV của đội tuyển trẻ TPHCM từ năm 2010. Anh tranh thủ học lên thạc sĩ và tham dự các khóa tập huấn đào tạo HLV. Hiện tại, ngoài công việc giảng viên Trường Đại học Sư phạm TDTT TPHCM, Nguyễn Văn Phương còn được biết đến với vai trò HLV cho VĐV điền kinh khuyết tật thành phố.

Cơ duyên giúp Phương gắn bó với thể thao người khuyết tật bắt đầu từ năm 1995, khi một người anh thân thiết nhờ Phương phụ tổ chức giải đua xe lăn đầu tiên. Từ đó, anh bắt đầu ấp ủ dự định xây dựng CLB thể thao cho người khuyết tật. Sau khoảng thời gian tập trung cho việc học và nâng cao nghiệp vụ, đến năm 2007, anh quyết định gắn bó chặt chẽ hơn với công tác huấn luyện điền kinh cho người khuyết tật - công việc được ví là “người dẫn đường” - điều mà không phải đồng nghiệp nào của anh cũng sẵn sàng tham gia.

Phương chia sẻ: “Hãy biết yêu thương và chia sẻ. Nếu được thì cứ giúp những người không có cơ thể lành lặn như mình, vì điều đó mang lại nhiều thứ. Sống với VĐV điền kinh khuyết tật để biết thế giới của họ cũng đầy khát vọng và yêu thương”.

Sống cùng đam mê ảnh 1 HLV Nguyễn Văn Phương chăm sóc cho học trò. Ảnh: NGUYỄN ANH
Giúp người cũng là giúp chính mình

Để nhiều người tham gia luyện tập, HLV Nguyễn Văn Phương thường tìm gặp những người khuyết tật đang mưu sinh trên đường phố, từ các cơ sở mái ấm tình thương, trường chuyên biệt, bắt chuyện và tìm hiểu xem họ có yêu thích thể thao không. Thấy ai mong được tham gia thể thao và có môi trường sinh hoạt lành mạnh, anh giới thiệu về nhóm mình đang quản lý.

Dưới sự dẫn dắt của vị HLV này, nhiều bạn có năng khiếu đã trở thành VĐV điền kinh khuyết tật cấp thành phố, thậm chí đóng góp cho đội tuyển quốc gia. “Đây là môi trường giúp người khuyết tật có thể thỏa niềm đam mê tập thể thao, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Cứ như thế, họ sẽ trút bỏ được mặc cảm để đóng góp cho đời”, HLV Văn Phương tâm sự.

Huấn luyện cho người lành lặn đã khó, đằng này là huấn luyện cho người khuyết tật, các dạng khiếm khuyết chi, ngồi xe lăn, tự kỷ, khiếm khuyết trí tuệ hay khiếm thị còn khó hơn bội phần. Thế nhưng, Phương không nao núng. Anh lúc nào cũng trăn trở tìm ra phương pháp hướng dẫn các học trò dễ hiểu và tập luyện hiệu quả. Các giáo án giảng dạy đa phần được anh đúc kết từ những kinh nghiệm nhiều năm làm VĐV điền kinh chuyên nghiệp, ngoài ra anh còn tìm tòi thông tin từ Internet, nghiên cứu các bài tập để hình thành phương pháp giảng dạy riêng cho mình.

HLV Văn Phương cho biết: “Hướng dẫn tập thể thao cho người khuyết tật đòi hỏi những giáo án phù hợp với từng hạng thương tật, tình trạng sức khỏe của mỗi VĐV. Điều cần nhất đối với họ là có thêm sức khỏe và sự tự tin trong cuộc sống. Không phải cứ bắt đầu là hướng dẫn VĐV những bài tập chuyên môn hóa, mà trước tiên phải để họ làm quen với việc vận động, cho cơ bắp được thích ứng dần, những bài tập thể lực cũng đặc biệt được chú trọng. Người HLV phải thực sự nhẫn nại, vừa truyền đạt kỹ thuật bằng lời nói, vừa dùng tay uốn nắn từng động tác cho học trò, hơn nữa cần luôn bên cạnh động viên, khích lệ các bạn”.

Khó khăn là thế nhưng chưa bao giờ Phương chán nản với công việc của mình. Trong quá trình giảng dạy, anh nhận lại được rất nhiều niềm vui từ các học trò. Phương hạnh phúc chia sẻ về một cô bé học trò, lúc trước em chẳng đi được, chỉ việc đứng thôi cũng rất khó khăn. Nhưng bằng tất cả ý chí và nghị lực, sau 10 năm tập luyện, em đã có thể đứng vững trên đôi chân của mình, đi được và thậm chí còn lái được xe máy.

“Hình ảnh ấy như một món quà vô giá, không thể mua được bằng tiền. 10 năm cả thầy lẫn trò đã nhẫn nại, đã chăm chỉ để giờ đây cô bé ấy đã có thể đứng dậy, bước đi và nở nụ cười với cuộc đời. Sướng lắm…”, Phương cười hạnh phúc.

"Với những VĐV khuyết tật, họ không có chế độ quanh năm như VĐV bình thường. Họ đến với thể thao bằng sự tự nguyện và khát khao thỏa mãn niềm đam mê, họ muốn được mọi người nhìn nhận từ những thành tích thể thao họ đạt được, hay những công việc họ đóng góp cho xã hội chứ không phải về những khiếm khuyết trên cơ thể. Tôi chỉ mong muốn góp một phần sức lực nhỏ nhoi của mình giúp các bạn hòa nhập vào xã hội, trút bỏ được các mặc cảm và tự tin hơn trong chặng đường phía trước"

HLV Nguyễn Văn Phương

Tin cùng chuyên mục