Sở hữu nhiều đội bóng nhất nhưng bóng chuyền Hà Nội vẫn nghèo

Đội bóng chuyền nam Hà Nội gần như chắc chắn sẽ không thuê ngoại binh đấu giải vô địch quốc gia 2022 mà tin vào các tay đập đang sở hữu trong đội hình.

Vũ Ngọc Hoàng (14) đang là cầu thủ sáng giá nhất của bóng chuyền nam Hà Nội. Ảnh: NHẬT ANH
Vũ Ngọc Hoàng (14) đang là cầu thủ sáng giá nhất của bóng chuyền nam Hà Nội. Ảnh: NHẬT ANH

Chữ “nghèo” ở đây đúng nghĩa đen với đội bóng chuyền nam Hà Nội bởi vào lúc này, nguồn tài trợ xã hội hóa không có nên cầu thủ đội bóng chỉ được hưởng chế độ lương, thưởng đúng theo quy định của Nhà nước và không có thêm khoản nào.

“Chúng tôi chắc sẽ không thuê cầu thủ ngoại do nguồn kinh phí thuê không có. Số tiền thuê ngoại binh là không nhỏ trong khi đội bóng vẫn khó khăn. Đội chỉ sử dụng những cầu thủ đang có trong đội hình của mình ở giải vô địch quốc gia 2022”, trưởng bộ môn bóng chuyền của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội – ông Bùi Đình Lợi chia sẻ. Ông Lợi cho biết, những cầu thủ như Nguyễn Tiến Công, Lê Đức Thuận, Vũ Ngọc Hoàng, Lý Văn Chường, Nguyễn Xuân Đức, Phạm Quang Thành... tiếp tục là đầu tầu của đội.

Câu chuyện đội nam Hà Nội nằm trong nhóm những đội bóng không có những nguồn tài trợ xã hội hóa đã được chia sẻ từ nhiều năm qua, đến nay mọi chuyện vẫn chưa thay đổi. Cầu thủ tập luyện, thi đấu được hưởng mức lương 180.000 đồng/người/ngày (theo Nghị định 152/2018/NĐ-CP ngày 7-11-2018) đang là thực tế và tính vỏn vẹn trong 1 tháng công lao động (tập luyện, thi đấu) thì mỗi người nhận chưa tới 5,5 triệu đồng.

Có một nghịch lý, đội bóng chuyền nam Hà Nội ở phận nghèo nhất nhì trong nước tuy nhiên thủ đô lại là nơi đang sở hữu nhiều đội bóng nhất gồm nam Đông Anh – Hà Nội, nữ Hà Nội (thi đấu giải hạng A), nam Hà Nội, nữ Hóa chất Đức Giang Hà Nội (thi đấu vô địch quốc gia). Ngoài đội Hóa chất Đức Giang Hà Nội thuộc hoàn toàn về doanh nghiệp của ông bầu Đào Hữu Huyền, 3 đội bóng còn lại do thể thao Hà Nội quản lý và chi trả lương, thưởng, chế độ đúng theo quy định chứ không thêm được khoản hỗ trợ nào. Đi tìm giải pháp để giúp bóng chuyền Hà Nội nói riêng có một sự cải thiện hơn về đời sống, ông Lợi từng cho biết cũng tìm các hướng có nguồn xã hội hóa nhưng chưa hiệu quả và cấp quản lý cùng bộ môn vẫn nỗ lực về công tác này.

SEA Games 31 vừa qua, bóng chuyền Hà Nội tự hào khi cầu thủ số 1 của đội là phụ công Vũ Ngọc Hoàng góp mặt ở đội hình tuyển nam thi đấu giành HCB. Đáng kể nhất, Vũ Ngọc Hoàng là cầu thủ chính thức được chuyên gia Li Huan Ning đưa ra sân đầy đủ các trận.

Tuy nhiên ở thực tế chuyên môn tại các mùa giải vô địch quốc gia 2020 và 2021, đội nam Hà Nội luôn bị rơi vào nhóm cuối. Mùa giải 2022 càng thêm khắc nghiệt khi 11 đội nam thi đấu sẽ có 2 đội phải xuống hạng và chỉ đấu 1 vòng thay vì 2 vòng như trước nên ban huấn luyện đội nam Hà Nội đang suy tính rất kỹ lưỡng về chuyên môn. “Chúng tôi phải tính toán các yếu tố chuyên môn tốt nhất với những con người đang có trong tay. Người làm thể thao và đặc biệt là VĐV thể thao khi ra sân ai cũng có cái tự ái nghề nghiệp nên hy vọng các em sẽ chơi tốt nhất khả năng ở giải vô địch quốc gia năm nay”, ông Lợi giãi bầy.

Lá thăm đã đưa đội nam Hà Nội ở cùng bảng với Tràng An Ninh Bình, Hà Tĩnh, VLXD Bình Dương, Bến Tre và SXKT Vĩnh Long tại giải vô địch quốc gia 2022. Các đội bóng đối thủ đã và đang tuyển mộ được ngoại binh bổ sung vào đội hình trong khi nam Hà Nội vẫn... án binh bất động.

Để hoàn thiện đội hình, đội nam Hà Tĩnh vừa ký hợp đồng với ngoại binh người Thái Lan - Napadet Bhinijdee. Đây là chủ công từng thi đấu hiệu quả tại SEA Games 31 vừa qua.

Tin cùng chuyên mục