Roland Garros: Jelena Ostapenko nói về nguồn cảm hứng mà cô truyền cho Naomi Osaka và “Lứa trẻ”

Jelena Ostapenko - tay vợt vừa mới bất ngờ đánh bại Karolina Plikova (hạt giống số 2 của giải đơn nữ Roland Garros 2020) đang tỏ ra rất hạnh phúc và sung sướng, vì danh hiệu Grand Slam đầu tay của cô - ngôi vô địch French Open hồi 2017, đã “truyền cảm hứng” cho Naomi Osaka và “Lứa trẻ” tạo ra một “Triều đại thống trị mới” trong làng quần vợt nữ thế giới, sau thời kỳ đầy hào nhoáng của của “Đại tỷ” Serena Williams…
Jelena Ostapenko
Jelena Ostapenko

Dù là 1 cựu vô địch Grand Slam, nhưng phong độ không tốt của Ostapenko sau khi đăng quang ngôi vô địch ở French Open 2017, khiến cô không còn nằm trong nhóm những tay vợt hàng đầu của WTA Tour. Trái lại, tuy thành tích cao nhất của Ka Pliskova chỉ là vị trí Á quân US Open 2016, nhưng tay vợt 28 tuổi người CH Czech lại có những thành tích khác khá ổn định (từng lọt đến bán kết Roland Garros 2017 rồi bán kết Australian Open 2019), và hiện xếp hạng 4 thế giới, cũng là hạt giống số 2 của giải đơn nữ năm nay.

Thế nên, chiến thắng có điểm số 6-4, 6-2 của Ostapenko trước Ka Pliskova được đánh giá là đầy bất ngờ. Cô gái 23 tuổi quê ở Riga (tay vợt người Latvia đầu tiên giành được 1 danh hiệu Grand Slam, và cũng là tay vợt không được xếp hạt giống đầu tiên vô địch giải French Open kể từ năm 1933) chỉ mất 70 phút đồng hồ để đánh bại một trong những ứng cử viên của ngôi vô địch đơn nữ Roland Garros 2020. Với chiến thắng này, Ostapenko sẽ đấu với Paula Badosa (Tây Ban Nha) ở vòng đấu thứ 3. Nhưng đó là chuyện tương lai.

Còn hiện tại, Ostapenko đang cảm thấy rất hạnh phúc, vì hóa ra ngôi vô địch ở French Open hồi 3 năm trước đã giúp “Lứa trẻ”, với đại biểu ưu tú nhất là Osaka, tạo ra “trật tự thế giới mới” với WTA Tour, đặc biệt là ở đấu trường Grand Slam. Tính từ khi Ostapenko đăng quang ở Roland Garros hồi năm 2017, Serena đã không thắng thêm danh hiệu lớn nào và vẫn dừng lại ở thành tích sở hữu 23 Grand Slam, trong khi đó, Sloane Stephens, Naomi Osaka, Ashleigh Barty, Bianca Andreescu và Sofia Kenin liên tục giành vinh quang.

“Rất khó để thích nghi với tất cả những áp lực này, những thứ đè nặng lên người tôi, bởi vì tôi là tay vợt đầu tiên thuộc lứa sinh năm 1997 giành được 1 danh hiệu Grand Slam đình đám. Nhưng tôi có cảm giác rằng, những cô gái trẻ trung đang bắt đầu chơi bóng tốt hơn sau chiến tích của tôi. Đặc biệt chính là Naomi, cô ấy là một tay vợt giỏi. Tôi nghĩ, có lẽ chiến tích của tôi hồi năm 2017 đã truyền cảm hứng cho cô ấy, để họ thấy rằng, giành chiến thắng ở đấu trường Grand Slam vẫn là điều có thể. Vì thế, “Lứa trẻ” đang tiến đến với sức sống mạnh mẽ. Nhưng trong cùng lúc đó, khi thấy cô ấy giành chiến thắng, tôi cũng muốn quay trở lại với thời đỉnh cao và giành thêm danh hiệu Grand Slam. Vì thế, kiểu như là, tôi truyền cảm hứng cho họ, và rồi họ truyền ngược cảm hứng cho tôi. Tất cả chúng tôi đều đang truyền cảm hứng, đang tác động lẫn nhau. Như vậy rất hay”, Ostapenko hào hứng cho biết.

Khi mà Ostapenko đăng quang French Opeb 2017, với chiến thắng trước Simona Halep ở trận đấu chung kết, cô mới chỉ bước sang tuổi 20 được 2 tháng và đang xếp hạng 47 thế giới. Tuy vậy, đến năm 2018, chuyến hành trình bảo vệ ngôi vô địch của cô đã nhanh chóng chấm dứt ngay ở vòng 1, khi cô để thua Kateryna Kozlova. Đến giải đấu hồi năm ngoái, Ostapenko tiếp tục chơi rất tệ khi quay lại mặt sân đất nện ở Paris, cô cũng bị loại ngay ở vòng đầu tiên bởi Victoria Azarenka. Một kết quả rất đáng quên lãng.

Ostapenko thừa nhận: “Rất khó để so sánh với giải đấu hồi năm 2017, vì đó đã là chuyện 3 năm về trước và khi đó, tôi bước ra sân đấu mà không hề sợ hãi. Không ai thật sự biết rõ về năng lực của tôi. Nhưng giờ đây, họ đã biết rất nhiều, họ biết tôi thi đấu như thế nào và biết cách làm thể nào để chống lại tôi”.

Tin cùng chuyên mục