Roland Garros 2010: Nadal nhắm đến ngôi vô địch thứ 5

Roland Garros 2010: Nadal nhắm đến ngôi vô địch thứ 5
  • Đầu gối đủ khỏe,  thời gian chờ đợi cũng... Đủ rồi

Hôm thứ Năm rồi, người ta nhìn thấy Rafael Nadal đi dạo một cách nhàn nhã ở bên ngoài một khách sạn nằm ở khu trung tâm thành phố Paris - với những bước chân mạnh mẽ (thể hiện sự khỏe khoắn của 2 đầu gối) và chiếc đồng hồ hiệu Richard Mille trị giá hơn 400 ngàn USD trên cổ tay phải. Rõ ràng, anh đã hoàn toàn sẵn sàng trước vận hội lớn nhất đời anh - đòi lại ngôi vô địch ở Paris từ tay Roger Federer, hay cũng là… đăng quang ngôi vô địch thứ 5 ở Roland Garros 2010…

Rafael Nadal

Rafael Nadal

Cái đầu gối của Nadal khó có thể nói là “thật sự hoàn hảo” sau ca chấn thương dài hơi hồi năm ngoái, nhưng nó đang phản ứng khá tốt sau màn trình diễn trên mặt sân đất nện mùa này. Anh vẫn chạy khá nhiều, dù không bằng ở mùa giải 2009, và điều tốt là 2 đầu gối của anh vẫn chịu đựng đầy đủ. Nadal “đang ở trong một giai đoạn rất tốt về thể lực”.

Anh cũng đã chờ đợi đủ lâu - đúng 1 năm - để lại tỏa sáng ở mặt sân đất nện Paris, nơi anh chỉ mới thua đúng 1 lần sau 32 trận đã đấu.Chiếc đồng hồ hiệu Richard Mille (có giá trị khoảng 425 ngàn USD và chỉ có 50 chiếc được bày bán trên toàn thế giới) đương nhiên là một bản hợp đồng lời to đối với Nadal, tuy nhiên, ẩn chứa phía sau nó có phải là ngụ ý: “Tôi đã chờ đợi đủ lâu rồi, đây là lúc để tôi lấy lại những gì đã mất”? Thời gian vốn là tiền bạc mà Nadal thì đã xa rời ngôi vô địch gần một năm nay, kể từ khi bất ngờ để thua Robin Soderling ở vòng 4 Roland Garros mùa giải năm ngoái.

  • Quyết tâm

Cố giữ mình không quá “bận rộn” ở mùa giải năm nay (chỉ tham gia 3/4 giải đấu theo lịch trình - bỏ giải Barcelona Open), Nadal cho thấy anh đã nghiêm túc hơn trong trách nhiệm với Roland Garros. Anh sẽ không đến Paris bằng cách lê một tấm thân mệt mỏi đầy thương tích mà sẽ đến Paris với tâm trạng thoải mái, sự tự tin vương đầy trên khóe mắt và 2 đầu gối hoàn toàn mạnh khỏe, như những gì ông chú Toni của anh đã nói: “Ở thời điểm này, Nadal đủ tốt để bắt đầu…”.

Nadal cho biết trong một buổi trả lời phỏng vấn mới nhất (ngay sau khi anh vừa bay đến Paris từ quê nhà Tây Ban Nha): “Tôi muốn rất nhiều thứ ở đây và tôi là như vậy. Đây là một sự hài lòng về cá nhân đối với bản thân mình, bởi vì tôi đã tập luyện và lao động rất nhiều với mục đích đăng quang thêm một lần khác nữa”. Trong quá trình “lao động” vừa qua, Nadal đã có chuỗi 15 trận toàn thắng trên mặt sân đất nện, và anh đã trở thành tay vợt đầu tiên trong lịch sử thắng được ở cả 3 giải đấu Masters 1.000 trên mặt sân đất nện là Monte Carlo, Rome và Madrid trong cùng một mùa giải. “Cú ăn 3” đó đã khiến Nadal sung sướng thốt lên: “Nó còn hơn cả một giấc mơ của tôi…”.

Giấc mơ sẽ còn tuyệt vời hơn nếu Nadal lập cú “ăn 4” - đăng quang thêm cả ở Roland Garros. Để làm được như vậy, anh sẽ phải một lần nữa đánh bại Federer - người mà anh đã thắng dễ ở chung kết Madrid Masters. Nhưng Nadal cũng biết rằng, với những gì đã thể hiện ở mùa giải sân đất nện năm nay, anh chính là đối tượng mà mọi người mong muốn đánh bại, và đương nhiên là… Federer cũng nằm ở trong số các tay vợt có mong ước đó. Hạ Nadal ngay tại Paris? Tuyệt vời!

  • Rào cản Federer

Nadal đang chiếm ưu thế “2/3” trong số 21 lần giáp mặt với Federer - Nadal thắng 14 lần và chỉ để thua 7 trận. Chỉ số đó trên mặt sân đất nện là Nadal thắng 10 lần và để thua Federer 2 trận (xác suất chiến thắng của Nadal rõ ràng đã được nâng lên một cách khác biệt). Ở mùa giải năm nay, thành tích trên mặt sân đất nện của Federer “khá bình thường”: anh đã thắng được 6 trận nhưng cũng 3 lần để thua (lọt đến chung kết 1 giải đấu). Tuy nhiên, Fed đang rất tỉnh táo, tỉnh táo để chấp nhận cuộc đối đầu ở Paris vốn sắp sửa diễn ra: “Rafa và mùa giải sân đất nện sẽ được quyết định ở Roland Garros, không phải ở trước đó. Không may - hay may mắn nhỉ - là như vậy đó”.

Việc Nadal tiến chiếm ngôi hạng 2 thế giới từ tay Novak Djokovic mang một ý nghĩa rất lớn: nó bảo đảm để Fed và Nadal được chia đôi ở 2 nửa nhánh thăm, và hai người chỉ có thể gặp nhau ở trận chung kết (khi đó sẽ là trận chung kết “trong mơ”) chứ không phải ở bán kết. Trong các năm 2006, 2007 và 2008, Nadal đều thắng Fed ở chung kết. Trong năm 2005, Fed cũng thua Nadal, nhưng thua ở bán kết, vì lúc đó Nadal chưa được xếp hạng 2 ATP. Đương nhiên, thua ở chung kết hay hơn…

Khả năng của Fed thì… miễn bàn. Không phải tự nhiên mà anh trở thành 1 trong 6 người hiếm hoi của lịch sử thắng cả ở 4 kiểu Grand Slam - nhất là ở Roland Garros khó nhằn. Nhưng Fed đương nhiên vẫn ngán ngại Nadal: “Anh ấy đương nhiên là một nỗi sợ hãi tối thượng trong 5 năm qua. Anh ấy hiếm khi để thua bất kỳ trận đấu nào - và bạn có thể dùng một bàn tay để đếm về điều đó - và anh ấy chỉ để thua một trận ở Roland Garros, vì thế, tôi vẫn nghĩ anh ấy là ứng viên số 1”.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục