Quy trình ngược

Có một sự khác biệt rất rõ trong cách tiếp cận trận đấu của HLV Hoàng Anh Tuấn (U.20 Việt Nam) và HLV Hữu Thắng (U.22). Nếu U.20 đá phòng thủ - phản công thì U.22 lại mạo hiểm chơi đôi công với đối thủ mạnh hơn mình.
Tuấn Anh trong vòng vây của các cầu thủ Argentina
Tuấn Anh trong vòng vây của các cầu thủ Argentina
Khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quyết định ký hợp đồng với chuyên gia người Đức là ông Fokel để làm Giám đốc kỹ thuật, không ít người hy vọng bóng đá Việt Nam được hệ thống lại, ít nhất là ở phong cách chơi bóng hoặc sự lựa chọn chiến thuật thi đấu thống nhất (chúng ta hay gọi là bản sắc) như cách làm chung của thế giới. Tuy nhiên, chỉ qua 2 trận đấu giao hữu với U.20 Argentina, hy vọng đó lại trở nên mờ mịt.
Có một sự khác biệt rất rõ trong cách tiếp cận trận đấu của HLV Hoàng Anh Tuấn (U.20 Việt Nam) và HLV Hữu Thắng (U.22). Nếu U.20 đá phòng thủ - phản công thì U.22 lại mạo hiểm chơi đôi công với đối thủ mạnh hơn mình. Tất nhiên, mỗi HLV có quan điểm riêng và cũng tùy hoàn cảnh cụ thể mà họ quyết định chọn chiến thuật, nhưng trong trường hợp cụ thể này, có quá nhiều thứ không ổn.
HLV Hoàng Anh Tuấn ngay từ đầu đã chọn lối chơi chặt chẽ, khoa học làm nền tảng khi dẫn dắt các đội U.19, U.20 suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, chỉ “nhích” thêm 2 tuổi, đến đội U.22 lại có một sự lựa chọn khác. HLV Nguyễn Hữu Thắng vốn ưa thích phong cách tấn công, phối hợp nhỏ vì thế ông luôn chọn nhiều cầu thủ từ “lò” HA.GL cho các đội bóng của mình. 
Vấn đề nằm ở chỗ: Thông thường, ở các lứa tuổi càng trẻ thì chiến thuật thi đấu càng thoáng, ít đặt nặng những yếu tố mang tính an toàn, ngoại trừ đó là phong cách chung của nền bóng đá. Trong khi đó, quy trình này tại Việt Nam có vẻ ngược: các đội trẻ U.19, U.17 hiện đá chắc chắn trong khi từ lứa U.22 trở lên thì lại chọn phong cách tấn công. Thử đặt câu hỏi: Làm sao các cầu thủ đang chơi phòng ngự - phản công của đội U.20 có thể chuyển sang chơi tấn công nếu họ được chọn làm nòng cốt đá SEA Games 2 năm sau? Cần lưu ý, lứa tuổi này rất ít được cọ xát thi đấu thực tế ở cấp CLB nên không thể thay đổi thói quen chơi bóng của mình một cách nhanh lẹ trong vòng 1-2 năm được. 
Ở góc độ khác, lựa chọn bóng đá tấn công của HLV Hữu Thắng chủ yếu dựa trên lực lượng nòng cốt của nhóm cầu thủ đến từ HA.GL. Nhưng trên thực tế, từ các khâu đào tạo cho đến thi đấu tại V-League, lối chơi phối hợp ngắn, có thiên hướng tấn công không phổ biến. Điều này dễ nhận thấy qua sự ít ỏi các tiền đạo, tiền vệ công người Việt trong 5 - 7 năm qua. Rõ ràng, việc áp đặt thế trận, chủ động tấn công không thể là sở trường của cầu thủ Việt ngoại trừ CLB HA.GL. Nhưng ngay cả tại CLB này, đến lứa cầu thủ thứ 2 của Học viện HA.GL - Arsenal cũng chưa đào tạo ra những Công Phượng, Xuân Trường… thứ hai thì nhìn về tương lai, lấy đâu ra người để áp dụng lối đá tấn công dài hạn?!
Phòng thủ, phản công hay tấn công… chỉ là những khái niệm. Chiến thuật thi đấu đều phải dựa vào chất lượng cầu thủ và phong cách thi đấu chung của các CLB, nhất là khi các đội tuyển hiện nay áp dụng việc tập trung ngắn ngày. Đây chính là điểm mấu chốt mà bất kỳ nền bóng đá tiến bộ nào cũng cần đến giám đốc kỹ thuật. Vị trí này chính là điểm kết nối các quan điểm chiến thuật từ cấp CLB cho đến những tuyến đội tuyển để làm sao phát huy được thế mạnh của cả nền bóng đá. Rất tiếc, chỉ mới là U.20 và U.22 thôi mà chúng ta đã có độ vênh nhất định, được thể hiện bằng 2 kết quả thi đấu trước U.20 Argentina.

Tin cùng chuyên mục