Olympic London không phải là Wimbledon và ngược lại. Nhưng lần này, mọi thứ đều tập trung một chỗ để tạo ra một sự pha trộn kỳ lạ mang đầy màu sắc của sự hào nhoáng. Sự khát khao của các tay vợt, vì thế, chắc chắn sẽ rất cao…
Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình, Chris Evert chỉ thi đấu ở Olympic đúng 1 lần và đó chẳng phải là một thứ trải nghiệm hay ho. Bà phải bước ra sân đấu rất sớm, từ lúc 9 giờ sáng rồi… để thua trận đấu vòng 3 trước một tay vợt vô danh nào đó dưới sự chứng kiến của vỏn vẹn 50 khán giả. Ký ức của bà về buổi lễ khai mạc cũng không tốt hơn.
Chris Evert cho biết: “Tôi cảm thấy không chút thoải mái. Như thể một kẻ mạo danh, bởi vì những VĐV khác nhìn vào ngôi sao chúng tôi như muốn hỏi: Mấy người đang làm gì ở đây vậy? Chúng tôi có Wimbledon, US Open, French Open và Australian Open, chúng tôi có hàng triệu USD của mình. Còn đây là sân chơi của những VĐV nghiệp dư, những người chỉ có đúng cơ hội mỗi 4 năm 1 lần”.
Đó là chuyện diễn ra ở Seoul 1988, khi quần vợt mới được phép quay trở lại Olympic sau 64 năm gián đoạn. Khi đó, rất nhiều người nghĩ các tay vợt chuyên nghiệp tranh tài ở các kỳ… Grand Slam không có chỗ thi đấu tại Olympic.
Thời gian dần trôi đi, thời thế đã thay đổi. Giờ đây, việc các tay vợt chuyên nghiệp thi đấu ở Olympic đã là chuyện nghiễm nhiên, cũng giống như việc NBA “nhúng tay” vào bóng rổ, và chính các tay vợt cũng ý thức được sự giá trị của tấm HCV Thế vận hội. Andre Agassi xếp tấm HCV Olympic Atlanta 1996 của mình như là đỉnh cao nhất của sự nghiệp. Roger Federer khóc nức nở sau khi thua một trận đấu ở vòng 2. Và anh em nhà Bryan giận dữ đặt chuyến bay đầu tiên rời khỏi Athens sau khi họ bất ngờ thua năm 2004. Những cảm xúc rất thật.
Ở Olympic London 2012, quần vợt còn trở nên giá trị hơn khi được thi đấu ở All England Club, nơi tổ chức các kỳ Wimbledon - giải đấu giàu truyền thống nhất thế giới. Patrick McEnroe nói: “Kỳ Olympic này sẽ là một hiện tượng. All England Club đã chuẩn bị cho điều này trong một thời gian dài. Vị thế của quần vợt Olympic đã được gia tăng đáng kể từ khi quần vợt quay trở lại với đấu trường này hồi thập niên 80 của thế kỷ 20. Trong tâm tưởng của tôi, nó sẽ còn tiếp tục phát triển. Việc quần vợt được thi đấu ở Wimbledon sẽ là một sự gia tăng thanh thế rất lớn, tạo ra một vẻ bề ngoài hào nhoáng, bóng bẩy và đầy màu sắc!”.
Quần vợt đã quay trở về với nơi mà nó được sinh ra. Giải đấu trên mặt sân cỏ vẫn tương tự dù trông nó rất khác, quy định bắt buộc mặc trang phục màu trắng được gỡ bỏ, sẽ có nhiều sắc màu cách điệu nhún nhảy trên sân đấu, và lo gô của Olympic sẽ thay thế cho lo gô của Wimbledon.
Maria Sharapova nhận xét: “Hẳn sẽ rất kỳ lạ. Đó sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác hẳn. Tôi không biết mình sẽ có cảm giác như thế nào khi bước ra mặt sân cỏ ở Wimbledon để thi đấu mà biết rằng… đó không phải là Wimbledon. Đây là một cơ hội độc nhất vô nhị cho tất cả chúng tôi, và tôi hoàn toàn xúc động khi nó diễn ra ở Wimbledon. Đây là địa điểm tuyệt vời nhất đối với tôi để chơi quần vợt”. Roger Federer - người đang săn tấm HCV đơn nam đầu tiên (danh vị duy nhất mà anh vẫn còn thiếu) - bày tỏ: “Các bạn có thể tưởng tượng, với lịch sử mà tôi có tại Wimbledon, nó quả sẽ là một sự siêu phấn khích khi được thi đấu ở đây…”.
Serena Williams - người sở hữu 14 danh hiệu Grand Slam - cũng đang tìm kiếm tấm HCV đơn đầu tiên ở Olympic. Trong “gia tài” của cô mới chỉ có 2 tấm HCV đôi ở Sydney 2000 và Bắc Kinh 2008. Trong khi đó, Venus Williams lại từng thắng HCV đơn nữ ở Sydney 2000. Venus khẳng định: “Đơn giản đó là đỉnh cao trong thể thao. Đối với tôi, bất kỳ tấm huy chương nào ở môn đấu nào, nội dung nào cũng đều có giá trị, cũng đều là huy chương rất thật, ngay cả khi đó là trong môn ném lao”.
Về phần mình, Sharapova đang cố gắng trở thành tay vợt nữ đầu tiên sau Steffi Graf hoàn thành cái gọi là “Golden Grand Slam”.
![]() |
Maria Sharapova tham gia buổi trao giải ESPY ở Los Angeles. |
Thành tích dự kiến |
TIỂU PHI