Mấy ngày qua, dư luận rất quan tâm đến những ứng cử viên cuối cùng được giới thiệu cho vị trí Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 7. Sự quan tâm không dừng lại ở mức độ ai sẽ được tín nhiệm và khả năng đem lại thành công cho VFF trong nhiệm kỳ mới như thế nào mà dư luận còn tỏ ra khó hiểu vì sao lại có những ứng cử viên quá mới như vậy và điều đó có ảnh hưởng đến định hướng phát triển của VFF trong những năm tới hay không.
Trước đây, cuộc cạnh tranh chiếc ghế Chủ tịch VFF chỉ được đặt ra giữa 2 ứng cử viên là ông Lê Hùng Dũng và ông Phạm Văn Tuấn. Cả 2 đều đang đương kiêm phó chủ tịch VFF, nhưng ông Dũng là một doanh nhân và thành công khá lớn trong vai trò phó chủ tịch phụ trách tài chính, còn ông Tuấn là người của Tổng cục TDTT và tham gia VFF với vai trò phụ trách chuyên môn. Khỏi nói cũng biết cán cân sẽ nghiêng về bên nào nếu danh sách cuối cùng không có sự thay đổi lớn. Mới nhất, Bộ VH-TT-DL đã giới thiệu Thứ trưởng Thường trực Lê Khánh Hải tham gia ứng cử vị trí Chủ tịch VFF, còn ông Phạm Văn Tuấn thì được bộ rút xuống chỉ ứng cử vị trí phó chủ tịch. Từ một ứng cử viên sáng giá và được kỳ vọng mang lại sự đột phá cho bóng đá Việt Nam, ông Dũng bỗng không còn nhiều hy vọng vào khả năng đắc cử chiếc ghế Chủ tịch VFF nữa.
Vì sao Bộ VH-TT-DL lại phải cử đến vị thứ trưởng thường trực để ứng cử vào một tổ chức xã hội nghề nghiệp mà xét về cấp hàm thì chỉ cần vụ trưởng là có thể “phiên ngang” được? Theo Luật Thể dục thể thao thì “Liên đoàn thể thao quốc gia hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện quyền, nghĩa vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật”. Như vậy, bộ máy VFF hoàn toàn có thể hoạt động một cách trơn tru, đúng luật mà không cần phải có một quan chức to của bộ chuyên ngành “kềm cặp”. Vì vậy, dù Bộ VH-TT-DL có cho rằng chỉ cử ứng cử viên và không hề có sự tác động nào nhưng không chỉ dư luận mà ngay cả các đại biểu chuẩn bị tham dự đại hội VFF cũng ngầm hiểu ý của bộ là gì.
Giờ đây, người ta chỉ còn trông chờ vào sự thành công của đại hội VFF nhiệm kỳ 7 xét về mặt dám nhìn thẳng vào sự thật, chọn được vị chủ tịch cũng như bộ máy giỏi và thực tâm với bóng đá. Trong bối cảnh này, vai trò lá phiếu của các đại biểu là hết sức quan trọng. Hầu như ai cũng thấy sự yếu kém của VFF nhiệm kỳ này, và những đại biểu tham gia bỏ phiếu bầu Ban chấp hành VFF khóa 6 giờ đây cũng nhận ra những bất cập và khả năng của bộ máy này. Bóng đá Việt Nam đã và đang khủng hoảng, đòi hỏi có một vị thuyền trưởng thực tài. Trong các ứng cử viên VFF khóa 7, ai cũng đều đánh giá được thực lực của từng người, dù có thể chưa hoàn toàn chính xác. Vì vậy, trách nhiệm lớn hơn hết là từng đại biểu dự đại hội sẽ sử dụng lá phiếu của mình chính xác và công tâm đến đâu để sau này đừng quay lại trách VFF và bản thân Chủ tịch VFF là không hoàn thành nhiệm vụ nữa.
PHƯƠNG NAM
Các tin, bài viết khác
-
Việt Nam'chọn' Malaysia ở trận chung kết giải U19 quốc tế
-
HLV Bima Sakti lên tiếng xin lỗi đội U16 Việt Nam vì hành động không đẹp của CĐV đội chủ nhà
-
Viettel FC - Kuala Lumpur City (18g ngày 10-8): Chiến thắng để xốc tinh thần
-
HLV của Viettel FC im lặng trước tin đồn mâu thuẫn với ngoại binh
-
U16 Việt Nam gặp Thái Lan ở bán kết giải Đông Nam Á 2022
-
Chủ tịch CLB TPHCM Nguyễn Hữu Thắng trở lại ghế HLV sau 5 năm
-
Các học viên nô nức về dự lễ khai giảng khóa 3 Học viện Nutifood JMG
-
Thái Sơn Bắc tiếp tục đồng hành cùng giải bóng đá nữ VĐQG
-
V-League 2022 thiết lập cột mốc lịch sử về khán giả: Khi người chơi đã biết làm thương hiệu
-
VFF gia hạn hợp đồng với HLV Mai Đức Chung