Pirlo - người có thể già nhưng tình thì không

"Buon Compleanno, Andrea!". 
Người có thể già, nhưng tình thì không. Chúc mừng sinh nhật tuổi 38 của anh, Andrea.
Pirlo - người có thể già nhưng tình thì không
Tôi vẫn còn thói quen đi kiếm tìm anh trong mỗi mùa hè tháng 5, khi các giải vô địch quốc gia đi về cuối. Ánh nắng chiều của Serie A bắt đầu lịm tắt, chuẩn bị kết thúc một mùa giải sôi động, nhưng chưa bao giờ hết cảm giác thương nhớ dĩ vãng của các tifosi. 10 năm từ khi Calciopoli xảy ra, mọi thứ vẫn chưa liền sẹo với những người từng đắm say giải đấu này.

Hai năm trước, Andrea Pirlo khóc ở Berlin sau thất bại 1-3 trước Barcelona ở trận chung kết Champions League 2014-2015. Thủ đô nước Đức thành chứng nhân bất tử cho vinh quang lẫn thất bại của Pirlo, là nơi anh giương cao chức vô địch World Cup 2006 cùng danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Nhưng cũng nơi đó, chứng kiến anh và Buffon lầm lũi rời đi trong nỗi buồn bại trận. Nước mắt hôm ấy cũng là lời chào cuối cùng của anh ở châu Âu, rúng động tất cả những người yêu bóng đá đẹp, khiến cả những người yêu quý Barcelona cũng tần ngần. 

Trong mỗi bản thân chúng ta đều mang những giấc mơ hoang đường. Cô gái mơ hoàng tử đến với mình, nắm tay đem cô qua giấc mơ và đến với phiêu lãng hạnh phúc của hiện thực. Nhưng cuộc đời không như phim, và hiện thực phũ phàng vẫn đang bủa vây lấy cô. Chợt nhớ đến câu nói năm xưa của Pirlo: “Tôi thích nghĩ về bản thân mình như một đạo diễn, trên sân khấu và cả trong cuộc đời". Nếu sân cỏ là một bộ phim, thì người đạo diễn ấy chắc chắn không bao giờ muốn ngày chia tay của anh lại kết thúc không có hậu. Hiện thực phũ phàng đẩy người đạo diễn sân cỏ 10 năm của nước Ý, là trái tim của 3 sơ đồ chiến thuật, 5 Scudetto, 1 World Cup và 2 Champions League, giã từ bóng đá đỉnh cao trong dang dở.

Có thể nói, yêu quý và cảm nhận về một triết lý như Pirlo không hề đơn giản. Nhà báo Mark Palmer của tờ Sunday Times khi mua bản quyền cuốn tự truyện của Pirlo, để chuyển ngữ sang tiếng Anh, ông đã đến nước Ý và sống ở đó một thời gian, hàn huyên với Alessandro Alciato – người chấp bút tự truyện Pirlo. Tất cả nhằm nắm bắt được cảm giác mà tác giả Alessandro và chính Pirlo mong muốn. Mark Palmer muốn tự mình cảm thấy hơi thở, tư tưởng, suy nghĩ của Pirlo gửi qua từng câu chữ, để bản dịch tiếng Anh của mình giữ được hồn Pirlo nhất. Như ông tâm sự: “Tôi bất ngờ khi tìm thấy sự hài hước và triết lý kín đáo trong cuốn sách ấy”.

Vậy mà con người đặc biệt đó, cười một tiếng, khóc một tiếng, mọi thứ chỉ còn là gió mây, thế giới bóng đá đỉnh cao chẳng còn thấy Andrea Pirlo chơi bóng nữa. 

Pirlo qua New York City, khép lại sự thanh lịch của anh trên sân cỏ châu Âu. Người quý tộc sở hữu vườn nho, nhà máy thép và chơi bóng vì đam mê ấy vẫy tay từ biệt chẳng cần níu kéo. Juventus vẫn muốn giữ anh lại, để dựng xây một biểu tượng, nhưng Pirlo vẫn ra đi. Pirlo cũng nhận quyết định từ Conte rằng anh không đến nước Pháp ở hè Euro 2016 với sự dửng dưng và nhẹ nhàng. Dù điều ấy khiến nhiều người yêu quý anh quặn lòng. Cái tâm thế nhẹ nhàng ấy của Pirlo khác hẳn nỗi đau của Baggio, cũng khác hẳn sự dai dẳng của Totti. Tất cả vì 3 huyền thoại ấy đi 3 con đường khác nhau. Baggio mang trong mình một nỗi đau với Azzurri, biến 1/3 thế giới thứ 3 thành những tifosi. Màu áo thiên thanh là biểu tượng của “Tóc đuôi ngựa thần thánh”, một biểu tượng không thể chết. Nên cái đau, cái tài năng của Baggio cũng lặn lội theo sắc màu diệu vợi đó, để rồi nhận về sự phũ phàng của Trappatoni. Francesco Totti dai dẳng ở Roma, vì anh yêu bóng đá quá nhiều, yêu không khí này quá nhiều. Cuối tuần trước, trong trận cầu đinh giữa Juve và Roma, máy quay lia được hình ảnh Totti trên ghế dự bị, áo kéo lên, tay chống lên cắm, đôi mắt xanh lơ sâu hoắm mang một nỗi buồn khó tả, vô cùng ám ảnh. Spalletti đang đọa đầy Totti và Totti cũng quá ôm lấy Roma mà không thể buông bỏ. 

Pirlo cũng được yêu quý như Baggio, như Totti và anh thậm chí còn tạo được sự nghiệp rực rỡ hơn 2 người đồng nghiệp. Nhưng cách ra đi của Pirlo nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Hãy nhìn Pirlo ở nước Mỹ, anh đang hưởng thụ cuộc sống thật sự. 15 năm lăn lộn ở châu Âu, trái tim và khối óc của Pirlo đã căng mình mỗi ngày. Pirlo có là thiên tài, có chơi bóng không dùng sức, có là cầu thủ hiếm hoi không có antifan, chẳng bao giờ chịu sự la ó, thì anh cũng là con người và sự kiệt quệ của trái tim là có tồn tại. Sự giải phóng mà nước Mỹ đem đến cho Pirlo rực rỡ đến kinh ngạc. Anh chơi bóng mà như để cười, để nhảy múa, hưởng thụ, nhẹ nhàng, không ăn thua.

Trên mạng còn lưu trữ một video, cảnh đối thủ của New York City hưởng quả đá phạt góc. Trong khung cảnh hỗn tạp của các cầu thủ tranh giành nhau, lao vào nhau ầm ầm, Pirlo một tay tựa lên khung gỗ, nhìn ngang nhìn dọc, đến khi bóng vào lưới anh vẫn coi như chưa có gì xảy ra. Video nhận được một trận cười của các fan hâm mộ.

Trên trang facebook của “Maestro21”, người ta chưa bao giờ cảm thấy thần tượng của mình gần gũi đến thế. Nếu như năm xưa, số lượng người yêu quý anh ít đến lặng thầm và luôn tự nhủ “Chắc chỉ mình yêu Pirlo”, thì giờ đây, hơn 8 triệu người theo dõi trên facebook. Andrea đăng lên những bức ảnh ăn tối, ăn sáng với những người bạn, chơi golf, tắm biển với gia đình. Anh rất vui, cái vui cười của anh tỏa rạng qua màn hình nhấp nháy sáng, để đi vào trái tim của những người yêu quý anh. 

Sống như vậy, chơi bóng như vậy, thì dù anh ở cách xa nghìn trùng, thì người yêu quý anh vẫn cười. Cái cười ấy không phải vì mãn nguyện, mà chỉ dùng để vơi bớt nỗi buồn. Sao có thể vui được, khi  bóng đá châu Âu mỗi cuối tuần chẳng còn bóng dáng của số 21, mái tóc dài màu vàng không chải, đôi mắt mơ màng, hình thái lãng tử, chuyền những đường vượt tuyến khiến tất cả bụm miệng sững sốt. Anh đi xa lắm rồi, và người yêu quý anh đi kiếm niềm vui trong sự trống vắng khi không anh.

"Buon Compleanno, Andrea!". 

Người có thể già, nhưng tình thì không. Chúc mừng sinh nhật tuổi 38 của anh, Andrea.

Tin cùng chuyên mục