Ngày về...

Hôm qua, Phạm Văn Quyến và Huỳnh Quốc Anh đã được tại ngoại. Bốn tháng tạm giam đối với các cầu thủ quen chạy nhảy và đã từng là người của công chúng là bốn tháng dài dằng dặc.

Ngày về... ảnh 1

Văn Quyến tại SEA Games 23.

Khác với hình ảnh ngày họ bị bắt khẩn cấp và tạm giam, “ngày về” thật bình lặng. Nếu Quyến được Huy Hoàng đưa về thì Quốc Anh lại nhờ một phóng viên thể thao chở anh đi ăn ở Hồ Tây rồi chờ gia đình ở Đà Nẵng ra đón về...

Bốn tháng ngồi nghiền ngẫm trong trại giam ấy chắc chắn sẽ làm những con người trông rắn rỏi nhưng yếu lòng ấy lớn lên rất nhiều.

Hôm qua, anh bạn đồng nghiệp nhận chở Quốc Anh đi ăn rồi về khách sạn nhận phòng chờ gia đình từ Đà Nẵng ra, tâm sự: “Nó chẳng nói chẳng tâm sự gì nhiều cả, nhưng trông ngơ ngác thấy tội lắm. Nhưng rõ ràng nhìn nó rất hạnh phúc khi nhìn trời nhìn mây và ngắm cảnh Hà Nội. Trông nó thèm cuộc sống này lắm…”.

Cũng hôm qua, ngoài Huy Hoàng đón Quyến ở khách sạn rồi đưa về, hình như cũng chưa ai tiếp xúc được với Quyến. Thậm chí có phóng viên đến xin đi chung về Nghệ An nhưng được năn nỉ là “Thôi! Để em về lặng lẽ”.

Bốn tháng qua đã giúp hai chàng cầu thủ được xem là người của công chúng ấy lớn và trưởng thành hơn rất nhiều. Vẫn biết họ vẫn còn phải bị “quản thúc”, cấm rời khỏi địa phương và vẫn biết họ vẫn còn phải chờ ngày hầu tòa, nhưng ngày về hôm qua đúng là ngày các cầu thủ này sẽ chẳng bao giờ quên được sau chuỗi dài bốn tháng sau những song sắt trại giam.

Nếu những Quyến, Quốc Anh được tại ngoại sớm hơn vài ngày, có lẽ họ sẽ ngạc nhiên lắm khi chứng kiến một đội tuyển mới với những đồng đội cũ của mình làm nên diện mạo mới bắt đầu từ sự chuyển biến tích cực trên sân Mỹ Đình. Bốn tháng qua với bóng đá Việt Nam là một cơn bão, nhưng với những con người đứng sau song sắt trại giam thì đấy lại là bốn tháng để họ nhìn lại chính mình và nhìn vào sự bồng bột mà khi phạm tội họ không lường hết hậu quả.

Ngày về với những bước chân trở lại hẳn mọi cái đều mới mẻ. Cái mới mà chắc chắn trong thâm tâm hai cầu thủ ấy cũng đều có những ao ước như nhau là làm sao để hòa nhập với đời sống bóng đá mà cả hai đều trót cưu mang xem như một cái nghiệp và cũng trót lầm lỡ khi phụ tình…

Bài học của những cầu thủ trẻ như Quyến, như Quốc Anh – những người phải gánh chịu những hậu quả do hành động của mình – thực chất cũng là bài học của những người lớn, những nhà quản lý. Nhiều người vẫn trách Quyến được nuông chiều nên mới buông thả và có lúc khóc với chính mình khi cảm thấy sa chân mà không rút lên được. Niềm vui và hào quang quanh “cậu bé vàng” ngày nào nhiều lúc chỉ là giả tạo bởi sự xum xuê quanh Quyến và khai thác Quyến nhiều hơn là dạy bảo và giữ Quyến khỏi sa chân.

Với Quốc Anh – một cậu bé mới lên tuyển và chưa thân chưa quen với những trò lừa lọc trên sân cỏ - lại vấp chân vì một lần không biết nói không trong chính cái môi trường tưởng là êm ấm và an toàn nhưng thực chất lại đầy cạm bẫy.

Sau ngày tại ngoại, chắc chắn Quốc Anh, Văn Quyến sẽ không bao giờ dám nghĩ và dám làm cái chuyện dại dột với một suy nghĩ hết sức ấu trĩ: Đàng nào cũng thắng. Có thể họ không còn cơ may trở lại sân cỏ và cũng có thể họ sẽ được cưu mang bằng vòng tay nhân ái giang ra đón những đứa con lầm lỡ quay trở lại, nhưng tôi tin ngay từ bây giờ, sau bốn tháng tạm giam, họ sẽ trở thành những đứa trẻ chín chắn và lớn thực sự.

Họ đã mất rất nhiều nhưng không mất tất cả. Cánh cửa không đóng sập lại và cuộc sống của những chàng trai ấy không mãi mãi là màu đen. Vấn đề là họ sẽ đứng dậy và đi như thế nào.

Xã hội, người hâm mộ từng giận họ, nhưng chắc chắn sẽ không ai mãi lên án những đứa trẻ biết hối cải và biết hối lỗi trở về với một suy nghĩ sẽ trở lại sống tử tế.

Biết đâu sau này 2, 3 hay 5-7 năm nữa, người xem lại thấy và lại tin với sự xuất hiện của chiếc áo số 10 và số 6 quen thuộc...

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục