Phút chạnh lòng của môn đấu “đi sớm về nhanh”

Như vậy, môn nhảy cầu đã là môn đầu tiên kết thúc tranh tài tại SEA Games 31 và sau 4 ngày thi đấu tại Cung thể thao dưới nước Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), biết bao cảm xúc được bày tỏ trong thời gian ngắn ngủi của môn đấu này.

Các tuyển thủ nhảy cầu Việt Nam sẽ không còn giải đấu nào sau SEA Games 31 và chờ tới Đại hội thể thao toàn quốc 2022 tổ chức cuối năm tại Quảng Ninh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các tuyển thủ nhảy cầu Việt Nam sẽ không còn giải đấu nào sau SEA Games 31 và chờ tới Đại hội thể thao toàn quốc 2022 tổ chức cuối năm tại Quảng Ninh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ngày 11-5 cùng lúc có 2 môn thi đấu kết thúc các nội dung tranh tài tại SEA Games 31 dù Lễ khai mạc của Đại hội (ngày 12-5) chưa tổ chức là nhảy cầu và bóng ném bãi biển. Tuy thế, một chút gì đó tủi lòng của tuyển thủ nhảy cầu thấy rõ hơn bởi khi thời gian khép lại thi đấu ở môn này tại SEA Games 31 (lúc 5 giờ chiều), tất cả cùng biết đã không giành được tấm HCV nào. Buồn hơn một chút, nếu ngày đầu nhảy cầu thu hút đông đảo báo giới, truyền thông cùng nhiều máy quay ghi hình và ống kính máy ảnh phóng viên tác nghiệp do là môn đoạt huy chương đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 thì ngày cuối, truyền thông nước nhà không xuất hiện đông đảo tại đây nữa.

Kết thúc môn nhảy cầu ở SEA Games 31, đồng nghĩa tới đây, các tuyển thủ có thêm... nửa năm chơi dài bởi không còn giải đấu trong nước, quốc tế. Mục tiêu cuối cùng của các tuyển thủ nhảy cầu chính là giải Đại hội thể thao toàn quốc 2022 tổ chức vào cuối năm tại Quảng Ninh. Tập huấn từ đầu năm chuẩn bị cho SEA Games 31 nhưng phần lớn thời gian, tuyển thủ của nhảy cầu Việt Nam chỉ được tập cạn với dây quấn mình cùng lưới bật tại phòng tập cạn khi tập nhờ của khu hồ bơi của Trung tâm huấn luyện thể thao Hà Nội. Bởi khi đó, Cung thể thao dưới nước trong giai đoạn sửa chữa và chưa lắp đặt trang thiết bị mới. Tới ngày 25-4 – nghĩa là gần 5 tháng kể từ khi tập huấn tính từ đầu năm 2022 – tuyển thủ đội tuyển nhảy cầu Việt Nam mới được vào Cung thể thao dưới nước làm quen với cầu và với hồ nước.

Khán đài của nơi thi đấu môn nhảy cầu trong ngày cuối đã vắng hơn khán giả và truyền thông. Ảnh: MINH CHIẾN

Xét về một bài toán thành tích, các tuyển thủ đội tuyển nhảy cầu Việt nam chỉ được tập với cầu nhảy và hồ nước vỏn vẹn 2 tuần trước khi vào thi đấu chính thức SEA Games 31 và đạt tổng thành tích 2 HCB (đôi nam cầu mềm 3m, đôi nữ cầu mềm 3m) và 3 HCĐ đôi nữ cầu mềm 1m, đơn nữ cầu mềm 1m, đôi nam cầu cứng 10m). Đó là thành tích đáng khâm phục nhưng cũng vui...ra nước mắt vì việc đầu tư còn quá eo hẹp nhưng từng tuyển thủ đã nỗ lực hết mình.

Hồ nhảy cầu của Cung thể thao dưới nước Quốc gia tại chiều cuối cùng 11-5, sau tuyên bố của ban tổ chức môn đấu đã khép lại và chờ trao huy chương, tất cả cùng vỗ tay chúc mừng nhau. Nhảy cầu Việt Nam dù không có thêm tấm huy chương nào ở ngày cuối nhưng tất cả tuyển thủ vẫn vui, ôm nhau trong hạnh phúc bởi họ đã có dấu ấn cho mình khi được dự một kì SEA Games trên sân nhà. Trọng tài quốc tế đồng thời là HLV ban huấn luyện đội tuyển nhảy cầu Việt Nam tại SEA Games 31 – bà Hoàng Thanh Trà ngậm ngùi khi các học trò không có được thêm huy chương vào ngày cuối nhưng HLV này vẫn động viên các tuyển thủ cần nỗ lực hơn nữa.

Đội tuyển nhảy cầu Việt Nam đã thi đấu hiệu quả ở SEA Games 31 và đứng  vị trí thứ 3 chung cuộc. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo quyết định tập trung đội tuyển quốc gia của môn nhảy cầu năm 2022, các tuyển thủ sẽ kết thúc đợt tập trung vào cuối tháng 5 – thời điểm khi SEA Games 31 khép lại.

Ngày 11-5, thể thao Việt Nam ghi nhận môn thứ 2 kết thúc tại SEA Games 31 là bóng ném bãi biển nam tuy nhiên các tuyển thủ bóng ném bãi biển nam có được niềm vui trọn vẹn hơn khi giành được HCV cũng như nhận bộn thưởng từ Liên đoàn bóng ném Việt Nam cùng thưởng “nóng” của Đoàn thể thao Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục