
Có một chi tiết dễ nhận thấy khi biết tin Việt Nam giành được quyền đăng cai vòng bảng AFF Cup 2014, đó là sự đón nhận khá đơn giản. Vui thì đương nhiên là có vui nhưng sự hồ hởi không nhiều. Nói cho đúng hơn, chỉ vừa vui khi biết tin, đã thấy nhiều sự lo lắng ập đến quá nhanh…

Nụ cười hiếm hoi của các tuyển thủ Việt Nam nhưng… đằng sau đó còn nhiều nỗi của người hâm mộ. Ảnh: Quang Thắng
Hoàn cảnh bây giờ khác hẳn 3 năm trước khi Việt Nam đăng cai vòng bảng với tư cách nhà vô địch. Tại AFF Cup 2010 trên sân nhà, bầu không khí lễ hội lan khắp cả nước khi chờ đợi việc thầy trò ông Calisto tái lập thành tích, bảo vệ ngôi vương. Hoàn cảnh bây giờ cũng khác năm 2004, thời điểm mà chúng ta tin chức vô địch Tiger Cup đã nằm rất gần bàn tay mình. Bởi đó là thời điểm mà thế hệ vàng thứ nhất chưa kết thúc nhưng đã xuất hiện một thế hệ vàng thứ 2 từng vào chung kết SEA Games 2003 trên sân nhà và chỉ để thua Thái Lan trong gang tất. Nói cách khác, so với 3 lần nhận quyền đăng cai trước đó (lần đầu tiên là năm 1998) thì đây là lần đầu tiên, chúng ta thấy lo lắng hơn vui mừng, nặng nề hơn là một nỗi háo hức chờ ngày diễn ra.
Sau thất bại ở Thái Lan cuối năm rồi, đến nay, đội tuyển quốc gia vẫn chưa định hình chiến lược phát triển khi quá trình trẻ hóa đội tuyển đang được thực hiện nửa vời, HLV trưởng vẫn chưa có và VFF còn phải giải bài toán mục tiêu HCV SEA Games 27 vào cuối năm nay chứ chưa hề có một tính toán dài hạn nào cho AFF Cup 2014. Nói cách khác, muốn làm gì thì còn tùy thuộc vào thành tích tại SEA Games 27. Một thất bại (nếu có) sẽ khiến cho mọi thứ thay đổi chóng vánh và điệp khúc “làm lại” sẽ được vang lên.
o0o
Nhưng thực ra, cái đang lo lắng chính là lần đầu tiên chúng ta không còn tự tin vào việc đăng cai. Lần đầu tiên, dù có ưu thế sân nhà, chẳng ai dám nói chắc việc chúng ta sẽ tận dụng ưu thế đó như thế nào, cho mục tiêu gì. Đây mới là thứ đáng sợ nhất.
Việc chúng ta không còn háo hức như 3 lần trước là đương nhiên, sau một thất bại nặng nề có thể xóa sạch cả gần 2 thập kỷ phát triển. Nhưng vấn đề là chẳng ai biết, chúng ta nên làm lại như thế nào trong chưa đầy 2 năm tới để đủ tư cách của một quốc gia đồng tổ chức. Với đội bóng hiện tại vừa đá vòng loại Asian Cup, niềm tin vẫn chưa có. Chúng ta cũng không dám đặt kỳ vọng vào thế hệ sẽ đá SEA Games cuối năm nay khi chưa hề hình thành nên đội tuyển U23. Chúng ta biết chắc chắn mình đang sa sút, nhưng đến mức độ nào thì chưa hẳn ai cũng xác định nổi. Bởi đơn giản, để xác định thì phải nhìn vào năng lực của làng cầu dựa trên các giải nội địa.
Vấn đề là hiện trạng của bóng đá Việt Nam có thể nói đang ngổn ngang, mất phương hướng. Đội tuyển quốc gia thiếu hụt nhân lực trầm trọng đến mức phải dùng cả cầu thủ gốc Việt. Các giải bóng đá nội địa thì “tan hoang” như sau một cơn siêu bão. Đã thế, ngay từ giai đoạn đầu của mùa giải, hàng loạt “căn bệnh” cũ vẫn chưa có thuốc trị. Từ phản ứng trọng tài, đến việc Ban Tư vấn đạo đức vừa mới thành lập đã kiến nghị hàng loạt vấn đề tiêu cực, cần giải quyết sớm. Nói cách khác, những tồn tại đã khiến chúng ta thất bại tại AFF Cup 2012 vẫn như cũ, chưa có dấu hiệu cải thiện. Người lạc quan nhất cũng phải tính đến 2-3 năm thì bóng đá Việt Nam mới phục hồi. Chưa nói, có người còn ví bóng đá Việt Nam là một “con bệnh” mà càng mổ lại càng phát sinh thêm nhiều bệnh khó chữa khác.
Với một thực trạng như vậy, lấy cơ sở nào để đặt ra một chỉ tiêu, xây dựng một mục đích cho cuối năm sau? Chúng ta cùng hi vọng, thời gian trôi qua, mọi thứ sẽ khác, sẽ tốt hơn nhưng mất bao lâu thì lại là một câu hỏi khó trả lời khác.
Phía sau niềm vui là một niềm tin …vô định!
Hồ Việt