Thường thì người ta hay nói: phía trước là bầu trời. Nhưng trong trường hợp của VPF thì bầu trời có lẽ nằm ở… phía sau. Nói như vậy là bởi sau khi bắt tay với giải nhà nghề Nhật Bản (J-League), thì cái mà VPF phải làm là nên trở lại từ lúc ban đầu.
Chưa vội bình luận về mô hình hoạt động của VPF là “trật lất” so với J-League nên trước sau gì cũng phải thay đổi. Mô hình các ông chủ CLB làm luôn công tác quản lý cũng chỉ được sinh ra một cách bất đắc dĩ, ở thời điểm mà các ông bầu quá nôn nóng trong việc ra đời VPF nên cứ “cầm đèn chạy trước ô tô”. Thôi thì từ từ thay đổi hoặc chuyển về đúng mô hình của J-League cũng được.
![]() |
Tương lai không đảm bảo, làm sao gọi nhiều CLB ở giải V-League là chuyên nghiệp được nhỉ? |
Tuy nhiên, điều thật sự gây khó hiểu ở cú bắt tay này đó là giữa VPF và J-League, đúng hơn là giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản hoàn toàn khác nhau về bản chất. Đã khác nhau quá xa thì làm sao bắt tay mà học hỏi được.
Cái khác nhau cơ bản nhất chính là cái mà chúng ta vẫn hay gọi là CLB chuyên nghiệp. Khái niệm đó ở Việt Nam là… muốn hiểu sao thì hiểu. Một đội bóng thăng hạng lên V-League tự nhiên được gọi là chuyên nghiệp. Một đội đang đá ở hạng Nhất, “mua” một suất đá V-League, thì lại là chuyên nghiệp. Trong khi đó, nếu hiểu cho đúng, để có một CLB chuyên nghiệp là chuyện vô cùng khó. Ngoài tài chính, còn cần có thời gian hoạt động vừa đủ để bảo đảm từ cơ sở vật chất đến các tuyến đào tạo.
Thành ra, có nhiều đội đang đá V-League mà chẳng có động lực nào cả. Đá mà cứ lo… được trụ hạng vì mỗi mùa bóng là mỗi lúc lo chạy tiền. Tương lai không đảm bảo, làm sao gọi là bóng đá chuyên nghiệp. Với nền tảng đó, chẳng biết VPF sẽ học được từ J-League điều gì?
o0o
Nguồn gốc ra đời của J-League là một cuộc “ly khai” của một nhóm các đội bóng chuyên nghiệp. Họ muốn tự đá với nhau, tự dùng bóng đá nuôi sống mình. Nói cách khác, họ có cùng mục đích. Trong khi đó, 14 đội bóng đang chơi ở V-League hiện tại hoàn toàn chẳng cùng mục đích. Họ chẳng đá vì danh hiệu, chẳng đá vì doanh thu, cũng chẳng đá vì tương lai của chính mình!
Nên cú bắt tay của VPF với J-League lại khiến người ta nhớ đến cái mà bầu Kiên đã từng đề xuất mang tên Super Liga. Ý tưởng lúc đó của bầu Kiên giống hệt như thời kỳ đầu của J-League, tuy nhiên, nó đã không thành hiện thực khi cuối cùng VPF lại đang điều hành “giải vô địch quốc gia” mà tiêu chuẩn để tham gia là chỉ cần thăng từ hạng Nhất lên là được.
Nghĩa là bầu trời của cú bắt tay này nằm ở… phía sau cái ý tưởng của bầu Kiên trước đây. Hồi đó, khi ông bầu này đề xướng, nhiều người đã nói điều đó không hợp pháp. Có thể nó không phù hợp với những quy định của bóng đá Việt Nam nhưng chắc chắn nó hợp quy luật. Nói đơn giản, Super Liga là một nhóm các đội bóng có cùng tiêu chuẩn, mục đích. Ai hội đủ điều kiện thì tham gia. Vấn đề còn lại là cần được VFF thừa nhận.
Như chúng ta đã biết, nó đã không được thừa nhận và những ông bầu của VPF lại đang điều hành một giải đấu lẫn lộn giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư. Rồi bản thân Công ty VPF cũng lâm vào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Nay đem điều đó để “học” từ J-League thì e rằng càng học càng thấy “loạn óc” chứ chẳng chơi. Một đằng thì minh bạch rõ ràng từ đầu, một đằng thì vừa chạy vừa xếp hàng.
Hồ Việt
Các tin, bài viết khác
-
Lee Nguyễn sẵn sàng ra sân ở trận gặp Hà Tĩnh
-
Đội tuyển nữ Việt Nam đấu tập 3 trận trước khi tạm nghỉ
-
Thầy ngoại ra quân V-League thất bại: ‘Thuốc Tây’ chưa ngấm!
-
HLV Phan Thanh Hùng đặt quyết tâm lấy điểm trên sân Hàng Đẫy trước 2 nhà vô địch
-
Ra mắt trang phục thi đấu của các ĐT Việt Nam trong năm 2021
-
SV-League đến với học sinh nghèo tại Huế
-
Mở màn LS V-League 2021: Con nhà giàu cũng rơi lệ
-
HLV Kiatisak: Cổ động viên Việt Nam rất thân thiện
-
Sai lầm của tân binh khiến HA.GL trắng tay ở ngày ra quân
-
Hà Đức Chinh giúp CLB Đà Nẵng khởi đầu suôn sẻ