Phát triển công bằng

Câu chuyện Man.City bị UEFA cấm thi đấu ở Champions League 2 mùa đang gây chấn động làng bóng châu Âu, nhưng đó hoàn toàn không phải bất ngờ. 

Trước khi có lệnh cấm này, UEFA từng cảnh báo bằng việc phạt đội bóng nhà giàu nước Pháp là PSG, vốn có nguồn tiền sở hữu đến từ các các quỹ tài chính khổng lồ của Trung Đông. Tuy nhiên, PSG bị phạt nhẹ hơn bởi sai phạm ít hơn. Vì trên thực tế, PSG đã là cái tên lớn của bóng đá châu Âu từ lâu, không bị liệt vào dạng “dùng tiền mua sức mạnh” như Man.City.

Sự khác nhau giữa PSG và Man.City cho thấy tính công bằng mà UEFA hướng đến. Những giải đấu như Champions League hay Ngoại hạng Anh luôn đem đến doanh thu khổng lồ cho các đội bóng. Theo nguyên lý thị trường, giá trị càng cao thì các đội bóng mới càng nỗ lực thi đấu. Các đội bóng nhỏ, dù không đặt tham vọng vô địch, vẫn cố gắng giành quyền tham dự và quyết tâm thắng càng nhiều càng tốt để thu được thật nhiều tiền. Các đội bóng lớn có thể dùng tiền để mua cầu thủ giỏi, nhưng họ phải cân đối làm sao để vẫn chỉ cùng một mục tiêu là kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, cách làm của Man.City là cố gắng đầu tư tiền để lấy thành tích, không quan tâm đến cân đối thu chi, động cơ thi đấu ấy không có lợi cho bóng đá nói chung, tạo ra sự thiếu công bằng với các đội bóng nhỏ.

So sánh thì hơi khập khiễng, nhưng ở bóng đá Việt Nam có “hình bóng Man.City”. Quy định tài chính tại V-League rất lỏng lẻo. Các CLB chỉ được yêu cầu là phải có ngân sách tối thiểu, tức là sẵn tiền trong tài khoản ngân hàng là đủ điều kiện tham dự. Họ không phải chứng minh các nguồn tiền và dường như cũng chẳng ai muốn kiểm tra điều đó. Chính sự bất cập này là nguyên nhân dấy lên nghi ngờ tình trạng “một ông chủ, nhiều đội bóng”. Ví dụ như trường hợp của đội bóng Quảng Nam, nhà vô địch V-League 2017. Cả mùa bóng 2019, họ không có nhà tài trợ chính, áo thi đấu trắng trơn, trong khi trên sân Tam Kỳ thì xuất hiện các bảng quảng cáo của ngân hàng SHB, T&T Group… Hai cái tên doanh nghiệp này có liên quan đến đội bóng SHB Đà Nẵng và Hà Nội FC, liệu việc Quảng Nam nhận tài trợ, quảng cáo có đủ để chứng minh mối quan hệ giữa các đội bóng này với nhau không? Và quan trọng hơn, liệu đó có phải là nguồn thu lớn nhất để Quảng Nam vận hành?

Những dấu hỏi ở Quảng Nam chính là sự thiếu công bằng ở V-League. Có những đội bóng “nhà nghèo” như Sanna Khánh Hòa, sử dụng cầu thủ do mình đào tạo để tiết kiệm tiền, thi đấu để trụ hạng và có tiền thưởng. Ngược lại, có những đội như Quảng Nam không biết ai là chủ sở hữu, không có nhà tài trợ chính, cũng chẳng cần bán quảng cáo trên sân, nhưng vẫn có tiền để có được sự phục vụ của cầu thủ tầm cỡ như Hoàng Vũ Samson.

Với các doanh nghiệp khi đầu tư bóng đá, họ luôn hướng đến tính hiệu quả, cố gắng đạt mục đích nhanh nhất có thể nên sẽ tận dụng những khoảng trống trong quy định. Vấn đề nằm ở các nhà quản lý cũng như mục tiêu mà bóng đá Việt Nam hướng đến. Nếu muốn có nền bóng đá mạnh, cần phải có sự công bằng, nhất là tài chính thay vì chỉ hướng đến việc có thật nhiều đội bóng tham gia V-League cho đông vui.

Tin cùng chuyên mục