1. Lần đầu tiên kể từ năm 2007, vòng bán kết của giải U.21 Báo Thanh Niên có đến 3 đại diện không thuộc các CLB đang thi đấu tại V-League, thậm chí An Giang và Bình Định hiện là các đội thuộc hạng nhì, đấy là chưa kể việc nhà vô địch SLNA còn không thể tham dự vòng chung kết tại TPHCM.

Chỉ có Hà Nội T&T phát huy được hiệu quả, cho thấy công tác đào tạo trẻ ở các CLB khác còn thiếu đồng bộ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Điều này cho thấy quá trình phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam càng lúc càng không đem lại kết quả như mong đợi. Như đã biết, chỉ có 13/24 đội bóng thuộc các CLB dự V-League, hạng nhất có đại diện tham gia vòng loại U.21 năm nay mặc dù về nguyên tắc, nếu có thiếu tuyến U nào thì thiếu chứ U.21 bắt buộc phải có, bởi đây là lực lượng kế thừa của các đội hạng nhất. Như vậy, từ một sân chơi quan trọng để tìm kiếm tài năng cho bóng đá Việt Nam, giải U.21 có nguy cơ bị “nghiệp dư hóa”, gây khó khăn cho các nhà tổ chức trong việc vận động tài trợ.
2. Ở một góc độ khác, sự có mặt của các đội bóng như An Giang, Bình Định, TPHCM tại bán kết cho thấy bóng đá trẻ vẫn được nuôi dưỡng bằng nguồn ngân sách địa phương chứ không được hưởng lợi từ sự phát triển của chuyên nghiệp. Ai cũng biết, dù đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng, chất lượng đào tạo của Học viện HA.GL - Arsenal JMG cũng chưa tạo ra sự đột phá mạnh mẽ nào, vậy thì với nguồn kinh phí sự nghiệp ít ỏi, rất khó có thể cho rằng bóng đá trẻ Việt Nam sẽ có những thế hệ tài năng mới. Các đội U.21 của An Giang, Bình Định sẽ đi về đâu khi mà đội 1 của họ không có ý định tiến lên V-League? Trong khi đó, việc đào tạo và bán cầu thủ cho các CLB chuyên nghiệp lại không phải là mục tiêu hoạt động của ngân sách địa phương. Như vậy, cả chất và lượng đều không đạt kỳ vọng.
3. Nguyên nhân sâu xa của quá trình phát triển lệch này nằm ở sự thiếu quyết liệt, thậm chí có thể nói là buông lỏng quản lý của các nhà điều hành bóng đá. Các quy định thoạt nghe có vẻ khắt khe như “các CLB chuyên nghiệp phải có 5 tuyến trẻ, phải tham gia 4/5 giải đấu lứa tuổi quốc gia”, thực tế không được thực hiện và chẳng có ý thức tuân thủ các quy định mang tính bắt buộc ấy. Ấy thế nhưng mức phạt lại khá nhẹ, chỉ 200 triệu đồng/đội/trường hợp và không còn chế tài nào khác, chẳng đáng là bao so với việc các CLB phải bỏ chi phí “nuôi” các đội trẻ suốt năm.
Mặt khác, hô hào phát triển bóng đá trẻ nhưng lại không buộc CLB V-League phải có tuyến trẻ thì những hoạt động đào tạo tại các “lò”, các địa phương sẽ chẳng có “đầu ra” cho sản phẩm của mình. Đấy chính là sự lãng phí nghiêm trọng nguồn lực của nhà nước và xã hội, gây nên tình trạng phát triển thiếu đồng bộ của bóng đá Việt Nam.
ĐĂNG LINH
Các tin, bài viết khác
-
Hà Nội FC – B.Bình Dương: Chờ bất ngờ từ đội khách
-
Lee Nguyễn sẵn sàng cho cuộc đua vô địch V-League
-
Văn Toàn giúp HA.GL có chiến thắng đầu tiên tại LS V-League 2021
-
Vòng 2 LS V-League 2021, Topenland Bình Định - CLB Sài Gòn: Chủ nhà tính phương án mở cửa tự do
-
Thi đấu tập huấn: ĐT nữ Việt Nam thắng nữ Hà Nội 4-0
-
Viettel và sức ép của nhà vô địch
-
Văn Trường (Nam Định) bị phạt nguội sau vòng 1
-
Hà Nội - B.Bình Dương: Gặp lại cố nhân
-
Nguyễn Nhớ đoạt giải Fair-play 2020
-
Tuấn Anh trở lại, HLV Kiatisak hy vọng có chiến thắng đầu tiên