1. Sự ra đi của danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang không chỉ là mất mát lớn lao của bóng đá Việt Nam mà còn để lại một khoảng trống của biểu tượng về một thứ bóng đá cống hiến, một tinh thần thi đấu hướng đến cái đẹp. Sinh thời, từ lúc còn thi đấu cho đến khi làm công tác huấn luyện, Phạm Huỳnh Tam Lang luôn lấy đó làm triết lý bóng đá của mình.
![]() |
Bóng đá Việt Nam cần nhân rộng mô hình học tập theo triết lý bóng đá đẹp của cố HLV Tam Lang. Ảnh: NGUYỄN NHÂN |
Khi còn là cầu thủ, trung vệ Tam Lang có biệt danh “bò cạp”, mô tả hành động cướp bóng từ chân đối phương bằng cách quặp 2 chân như một chú bò cạp quắp mồi nhưng lại không phạm lỗi với đối thủ. Cách chơi đặc trưng ấy được nâng thành hàng nghệ thuật, giúp một cầu thủ chơi ở vị trí phòng thủ như Tam Lang trở thành một ngôi sao.
Đến lúc trở thành HLV của đội Cảng Sài Gòn, phong thái chơi bóng nhuyễn, nhỏ dựa trên kỹ thuật điều khiển bóng của cầu thủ được Tam Lang xây dựng trở thành một trường phái riêng biệt, tạo nên “thương hiệu” Cảng Sài Gòn tung hoành ngang dọc, thống trị bóng đá đỉnh cao Việt Nam một thời. Chính nhờ triết lý huấn luyện ấy mà làng cầu nội địa mới có một “tiểu Maradona” Lư Đình Tuấn, người mà vì thiếu chiều cao đã không thể được nhận vào Trường Năng khiếu nghiệp vụ TPHCM để học đá bóng. Lẽ dĩ nhiên, với việc ưu tiên cho các cầu thủ thích chơi bóng kỹ thuật, có chiều cao khiêm tốn thì Cảng Sài Gòn không thể là đội bóng có thể chơi xấu, chơi rắn với đối phương.
Thành ra, khi HLV Tam Lang về cõi vĩnh hằng, ông đã đem theo bao nỗi tiếc nhớ về một thời say mê của sân cỏ Việt Nam. Mất đi một nhân cách lớn của đời sống bóng đá - HLV Tam Lang đã để lại sự hụt hẫng lớn lao của tinh thần fairplay mà bóng đá Việt Nam đang cố gắng tìm kiếm.
2. Bóng đá mỗi thời mỗi khác nhưng triết lý chơi bóng cống hiến vì khán giả vẫn trường tồn theo thời gian. Tiếc thay, tinh thần bóng đá đẹp mà HLV Tam Lang cả đời tận tụy phục vụ lại không còn nhiều trong môi trường bóng đá Việt Nam hiện tại.
Sau những pha vào bóng ác ý trên sân cỏ, bây giờ cầu thủ còn đánh nhau như côn đồ khi bóng đã lăn khỏi đường biên. Bạo lực đã trở thành “đặc sản”, là nỗi ám ảnh của V-League. Người ta còn cho rằng nó đã “ăn vào máu” của một số cầu thủ, bất chấp các án phạt ngày mỗi nặng tay của những nhà quản lý.
“Bệnh” quá nặng, thuốc hay mấy cũng phải lờn. Muốn triệt tận gốc vấn nạn bạo lực sân cỏ, bên cạnh việc trừng phạt mạnh, còn phải có thêm sự giáo dục và công tác tư tưởng. Cầu thủ không thể tự mình chơi xấu nếu không có quá trình dung dưỡng của các nhà quản lý CLB. Cầu thủ cũng không được dạy phải chơi xấu đối phương nếu không bị áp lực thành tích khiến họ bất chấp tinh thần fairplay trên sân cỏ. Sinh thời, Phạm Huỳnh Tam Lang đã từng kết luận: “Muốn đá đẹp, phải biết thương lấy đôi chân của mình”.
Một pha bóng ác ý với đối thủ cũng đồng nghĩa với rủi ro dành cho người thực hiện nó. Vì lẽ đó, sau sự ra đi của Phạm Huỳnh Tam Lang, bóng đá Việt Nam cần có một phong trào học theo triết lý bóng đá đẹp mà cầu thủ huyền thoại này đã theo đuổi suốt cuộc đời mình.
VIỆT QUANG
Các tin, bài viết khác
-
FIFA ấn định thời gian và địa điểm bốc thăm chia bảng VCK World Cup nữ 2023
-
Việt Nam đăng cai vòng loại bảng U17 châu Á 2023
-
Đội tuyển Việt Nam sẽ so tài cùng đội Afghanistan tại TPHCM
-
Quang Hải vào “khoác áo” CLB Cần Thơ
-
Xứng danh Quả bóng Vàng Việt Nam
-
AMY CUP: Xăng dầu Phước Hưng đăng quang vô địch, khép lại giải đấu đầy sôi động và thành công
-
HAGL chia tay AFC Champions League 2022 bằng chiến thắng
-
Futsal nữ Việt Nam kết thúc tập huấn nước ngoài, gia nhập ‘làng’ SEA Games 31
-
Đội Olympic Việt Nam sẽ dự phòng cho U23 Việt Nam ở SEA Games 31
-
AMY CUP: 2 trận BK kịch tính phải đá 11m luân lưu, Xăng dầu Phước Hưng tái chiến Nghĩa Tình - Kim Ngân ở CK