Đúng 9 giờ sáng hôm qua (11-3)

Ông thầy người Áo đã trở lại Việt Nam

Ông thầy người Áo đã trở lại Việt Nam

Sau chuyến bay dài từ Áo đến Việt Nam, nét mệt mỏi vẫn còn in trên gương mặt của HLV Alfred Riedl, nhưng ông vẫn vui vẻ dành cho đám đông báo chí một cuộc phỏng vấn thật cởi mở ngay tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Phát biểu đầu tiên của ông thầy người Áo đúng phong cách “ngoại giao” khi ông cho rằng: “Bất cứ lần nào đặt chân đến Hà Nội, tôi đều cảm thấy rất vui. Thật vui khi được trở lại đất nước các bạn”. Câu nói này thật sự làm mát lòng báo chí, đặc biệt là hai quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ra đón ông Alfred Riedl là Phó ban các đội tuyển quốc gia Nguyễn Trọng Giáp và Phó ban Hợp tác quốc tế Lê Hoài Anh.

  • Một số ý kiến khác biệt …
Ông thầy người Áo đã trở lại Việt Nam ảnh 1

Alfred Riedl được các phóng viên “chăm sóc” tận tình tại sân bay Nội Bài. Ảnh: QUANG DŨNG

Trả lời câu hỏi của phóng viên về kế hoạch 3 năm mà VFF cho là dài hạn, ông Riedl cho rằng: “Theo tôi, kế hoạch 3 năm chưa phải là dài mà phải gọi là trung hạn”. Điều đó đúng với một HLV đến từ một đất nước châu Âu, có nền bóng đá hiện đại. Tuy nhiên, đối với VFF thì khi nói đến kế hoạch 3 năm nhiều quan chức đã bị “ngợp” do năng lực chưa theo kịp.

Ngay cả việc VFF đưa ra yêu cầu một HLV trưởng đội tuyển phải nắm cùng lúc cả đội tuyển quốc gia, đội Olympic và đội U21 thì ý kiến của ông Alfred Riedl cũng khác biệt: “Tôi nghĩ điều đó là không thể. Một HLV không đủ sức lực và thời gian để nắm cả 3 đội tuyển”. Với một nền bóng đá còn yếu kém, một tổ chức Liên đoàn không mạnh, một “ê kíp” làm việc còn chưa thạo việc mà lại đưa ra một đòi hỏi cao như thế thì đúng là chỉ có ở Việt Nam.

  • …Đến những lợi thế không nhỏ

Báo chí quả là tinh ý khi vạch ra lợi thế ban đầu của ông Alfred Riedl so với ông Calisto: Quyền Tổng thư ký VFF Phan Anh Tú là người sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán hợp đồng với ông Alfred Riedl vào ngày (12-3) cũng là trợ lý ngôn ngữ của ông hồi Tiger Cup 1998. Là một người khéo léo trong giao tiếp, ông Riedl biết cách làm vừa lòng mọi người, như câu trả lời của ông: “Tôi luôn có quan hệ tốt với tất cả các thành viên của VFF trong quá khứ. Tôi cho rằng không có ai ở VFF từng có ác cảm hay không ưa tôi. Tuy nhiên, tôi không cho đó là lợi thế”.

  • Mục tiêu

“Tôi muốn giúp bóng đá Việt Nam giành ít nhất một chiếc cúp” – Đó là phát biểu của ông khi được hỏi về mục tiêu khi dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, vị HLV từng thất bại ở 3 trận chung kết (Tiger Cup 1998, SEA Games 1999 và SEA Games 2003), khi dẫn dắt một thế hệ cầu thủ mà tài năng đã đạt độ chín muồi thì ông Alfred Riedl cũng không quên “thòng” lại một câu: “Tất nhiên, chúng ta cũng cần một chút ít may mắn. Chúng ta đã có những cầu thủ tốt nhất, nhưng đều lỡ chức vô địch vì thiếu may mắn”.

Như thế, chiếc huy chương đồng mà ông Henrique Calisto cùng đoàn cầu thủ không được ai chú ý trước khi vào Tiger Cup 2002 đã đoạt được là may mắn. Và những Trần Trường Giang, Trịnh Xuân Thành, Phan Văn Tài Em, cũng như sự trở lại đầy ý nghĩa của những “lão tướng” bị lãng quên trước đó là Lê Huỳnh Đức, Huỳnh Hồng Sơn, Nguyễn Văn Sỹ… là may mắn.

MINH HÙNG
 

Tin cùng chuyên mục