Đặc thù tập trung đội tuyển của Việt Nam là dài hạn từ 2-3 tháng do V-League thường kết thúc sớm vào tháng 8 trong khi những giải đấu chính lại rơi vào cuối năm. Từ đó dẫn đến một trường hợp là nhân sự đội tuyển thường đóng khung khá sớm ngay đợt tập trung đầu tiên. Sự bổ sung rất hạn chế do người được gọi thay thế không ở trạng thái phong độ tốt nhất.
Điều này diễn ra thường xuyên nên lẽ ra, với đặc thù đó kế hoạch tập trung của đội tuyển cần “chốt” từ đầu năm. Với cách tập trung dài hạn như vậy, có 2 yếu tố rất quan trọng: thứ nhất là vấn đề thể lực, thứ hai là số trận giao hữu.
Vì về nguyên tắc, sau mùa giải V-League kết thúc, đa số các tuyển thủ đều mệt mỏi. Họ cần sự tái tạo về thể lực. Kế đến, phải chọn điểm rơi phong độ lại cho các cầu thủ bởi với quãng thời gian dài như vậy, không thể căn cứ vào phong độ tại V-League. Muốn biết phong độ, cần phải đá giao hữu chính thức càng nhiều càng tốt.
Từ trước đến nay, khâu thể lực trong giai đoạn tập trung này thường không được VFF chú ý dù nó cực kỳ quan trọng. Được biết, lần này sẽ có một HLV thể lực đến từ Nhật Bản, hy vọng sẽ tốt hơn. Kế đến, trước đây VFF hay tạo ra những giải đấu (VFF Cup, Cúp TPHCM) để đội tuyển cọ xát nhưng thực tế thì các trận đấu cúp này thường phản tác dụng khi sức ép lớn, dễ làm chệch hướng của việc chọn điểm rơi nếu HLV không tỉnh táo bảo vệ quan điểm của mình. Không thể xem các giải đấu cúp là kiểu giao hữu kiểm tra đội hình vì tính chất của nó.
Đây chính là cái khó của HLV Miura khi lần đầu tiên dẫn dắt một đội tuyển quốc gia như Việt Nam bởi có nhiều thứ không thuộc về thẩm quyền của ông thầy người Nhật này.
Việt Long