Olympic Tokyo: Khán giả bị cấm, các VĐV phải đơn độc thi đấu trong tình trạng “không gia đình”

Olympic Tokyo 2020 vẫn phải diễn ra, các VĐV vẫn phải thi đấu bất chấp việc không có khán giả vào trong SVĐ theo dõi và ủng hộ. Thế nhưng, việc phải thi đấu trước các dãy khán đài trống vắng, không chỉ không có những CĐV thông thường, mà còn thiếu cả những CĐV đặc biệt vốn là cha, mẹ, vợ, con, là người thân trong gia đình, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các VĐV tại Thế vận hội năm nay…

Biles và mẹ của cô
Biles và mẹ của cô

Khi giành được tấm huy chương đầu tiên trong sự nghiệp, tấm HCV tại kỳ Olympic Athens 2004, Michael Phepls, khi đó vẫn chưa trở thành “Siêu kinh ngư uy trấn tứ hải”, chạy đến bên hàng rào kề bên hồ bơi, anh đưa tay ra nắm chặt lấy tay mẹ của mình. Thời điểm đầy hạnh phúc đó, Phelps cũng chỉ muốn chia sẻ với người phụ nữ quan trọng nhất đời anh, đã tự nuôi nấng anh từ 2 bàn tay trắng.

Không chỉ Michael Phelps, hiện đã giải nghệ và mãi mãi trở thành “Huyền thoại tối thượng trên đường đua xanh thế giới và Thế vận hội”, bất cứ VĐV nào tham dự Olympic, khi giành lấy được vinh quang, những tấm huy chương trân quý, đều muốn dành thời gian chia sẻ với người nhà, người thân, gia đình, với cha - mẹ - vợ - và con. Nhưng điều đó sẽ không thể xảy ra, tại kỳ giải Olympic Tokyo này.

Không có khán giả, cả người nước ngoài lẫn người bản xứ, đến xem các VĐV thi đấu tại các Nhà thi đấu, Trung tâm Thể thao, các SVĐ, để ngăn chận tình trạng dịch bệnh Covid-19 lây lan, điều đó có nghĩa là các VĐV có theo huy chương, thậm chí là HCV quanh cổ, đi xung quanh SVĐ, khu vực thi đấu, cũng không có ai chứng kiến trực tiếp và chia sẻ cùng họ. Sẽ không có nắm tay, ôm hôn, và cả sẻ chia.

“Tôi rất thích phản ứng với nguồn năng lượng khổng lồ do đám đông khán giả, CĐV mang lại. Vì vậy, tôi cũng có chút lo lắng về việc mình sẽ làm như thế nào trong những trường hợp như vậy (“trường hợp như vậy” nghĩa là không có đám đông khán giả trên khán đài thì VĐV sẽ phản ứng với ai?), Simon Biles, nhà vô địch toàn năng môn thể dụng dụng cụ khét tiếng người Mỹ (từng thắng 4 tấm HCV ở Olympic Rio de Janeiro 2016, trong đó có các nội dung Đồng đội, Nhảy ngựa tay quay, Nhào lộn trên sàn và Toàn năng) thật thà chia sẻ ...

Bắt gặp những gương mặt thân thương và mến yêu trên khán đài SVĐ, Trung tâm Thể thao, khi thi đấu có thể giúp các VĐV trình diễn thăng hoa ở những đấu trường thể thao lớn lao. Điều đó đã giúp cho Matthew Centrowitz rất nhiều, khi anh vừa tham gia thi đấu ở Vòng loại tuyển chọn các VĐV điền kinh Mỹ tham dự Olympic Tokyo 2020, nơi SVĐ mở cửa rất tự do cho các CĐV đến để xem tranh tài.

Nhà Đương kim vô địch Olympic ở cự ly chạy 1.500 mét dành cho nam (đã giành HCV với thành tích 3 phút 50 giây ở đường chạy chung kết) thừa nhận: “Được nhìn thấy gia đình mình đứng trong đám đông khán giả ở trên khán đài, và được nghe tiếng nói của họ, điều đó mang lại cảm giác thoải mái cho tôi, đó là những gì mà tôi cần nghe để xoa dịu thần kinh và tinh thần đôi chút”.

Với VĐV Mỹ trẻ nhất tham dự kỳ Thế vận hội tại Nhật Bản, việc gia đình cô không thể hiện diện trên khán đài chứng kiến những khoảnh khắc Thế vận hội đầu tiên trong đời cô, đó là thứ gì đó “thật kỳ lạ”. Katie Grimes (năm nay mới 15 tuổi, xếp thứ 2 ở cự ly bơi 800 mét tự do nữ, chỉ xếp sau huyền thoại Katie Ledecky ở Vòng loại tuyển chọn các kình ngư Mỹ tham dự Olympic Tokyo) tâm sự: “Người thân, người nhà của tôi đến xem tôi thi đấu ở tất cả các giải đấu mà tôi tham dự".
Olympic Tokyo: Khán giả bị cấm, các VĐV phải đơn độc thi đấu trong tình trạng “không gia đình” ảnh 1 Katie Ledecky và Katie Grimes
Trong tình trạng như vậy, những người đi trước, những VĐV gạo cội, những cựu binh sẽ chịu trách nhiệm kết nối và giải tỏa tâm lý cho những tân binh, giúp họ có cảm giác “như ở trong gia đình”, dù sẽ không có bất kỳ người thân nào kề bên ở kỳ Thế vận hội tại Nhật Bản. Ledecky (chủ sở hữu 5 tấm HCV ở đấu trường Olympic, trong đó có đến 4 HCV tại Rio) cho biết: “Tôi hy vọng những VĐV bơi lội lớn tuổi sẽ tạo ra mối dây liên lạc và tạo ra bầu không khí gia đình ở Tokyo. Chúng tôi sẽ bảo đảm mối liên hệ với gia đình, giúp người thân kết nối với những gì chúng tôi đang làm”.
Sự hiện diện của gia đình, người thân trên khán đài, luôn mang cảm giác tích cực cho các VĐV khi thi đấu ở bên dưới sân đấu, trên đường chạy, hay dưới hồ bơi. Cá hát, cổ vũ, vỗ tay, cười vui, đôi khi nhỏ nước mắt hạnh phúc, đó là những biểu hiện đều mang đến những phản ứng tích cực cho các VĐV.

Nữ VĐV nhảy cao người Mỹ, cô Vashti Cunningham, là người có trường hợp “đặc biệt”. Cô sẽ tham dự Olympic Tokyo với người cha, ông Randall Cunningham, sẽ luôn kề cận ở bên mình. Ông Cunningham cũng chính là HLV, nên ông sẽ sát cánh cùng con gái trong suốt kỳ Thế vận hội. Tuy vậy, Vashti vẫn ước ao có những thành viên còn lại của gia đình xung quanh: “Cảm giác thật tuyệt khi được đi ăn cùng họ, cùng cầu nguyện Kinh thánh với nhau, đi cửa hàng mua sắm. Nhưng giờ đây, không có khán giả cũng không còn quan trọng, tôi vẫn hào hứng được bước ra đường chạy và nhảy lên. Tuy nhiên, tôi vẫn ước ao rằng, gia đình của tôi sẽ đến sân đấu, ngồi và xem tôi trình diễn!”.

Olympic Tokyo: Khán giả bị cấm, các VĐV phải đơn độc thi đấu trong tình trạng “không gia đình” ảnh 2 Vashti Cunningham luôn có cha kề bên
Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ truyền thông, sự bùng nổ của internet, của mạng xã hội, các VĐV vẫn sẽ kịp thời kết nối, sẻ chia với người nhà, với gia đình bằng nhiều cách khác nhau. Người thân của họ, vẫn có thể xem họ thi đấu qua truyền hình, thậm chí còn rõ ràng hơn khi chứng kiến bằng mắt thường từ trên chỗ ngồi xa xôi trên khán đài. Thậm chí, họ có thể tổ chức một bữa tiệc tại gia, mời những người thân khác, thậm chí cả làng xóm láng giềng, cùng tề tựu xem con em thi đấu.

Mẹ của nữ VĐV thể dụng dụng cụ Biles, bà Nellie lại có chia sẻ, bà sẽ không tổ chức những buổi tiệc xem Olympic kiểu như vậy: “Tôi sẽ chỉ ở nhà, xem các buổi thi đấu thể dục dụng cụ chỉ một mình tôi. Đơn giản là tôi cảm thấy lo lắng khi xem thi đấu ở chỗ đông người”. Trong khi đó, gia đình của kình ngư nổi tiếng người Nam Phi - Chad le Clos - thậm chí cùng nhau bay đến Mỹ chỉ để thuận tiện xem TV khi anh này thi đấu. Le Clos giải thích: “Không thể đến Nhật xem tôi thi đấu nhưng cũng không thể ở lại Nam Phi vì lệch giờ. Xem tôi thi đấu lúc 3 giờ sáng rất kinh dị, rồi sau đó làm gì??”.

Không như những người khác, các VĐV khác, nam kình ngư được đánh giá là số 1 thế giới hiện nay, anh Caeleb Dressel, thậm chí còn hiếm khi gặp được vợ anh, và gia đình, mỗi khi phải tập trung chuẩn bị cho các giải đấu, chứ chưa nói đến việc chia sẻ thời gian cùng với họ. “Đó không phải là thứ mả tôi phụ thuộc. Tôi biết, họ vẫn ở nhà và ủng hộ cho tôi, tôi có thể cảm nhận được nguồn năng lượng đó từ xa. Chúng tôi cũng có thể nhắn tin FaceTime cho nhau bất cứ khi nào cảm thấy cần thiết”.

Matthew Centrowitz chia sẻ khoảnh khắc chiến thắng trên MXH

Tin cùng chuyên mục