Olympic Tokyo 2020: Thể thao Việt Nam và nhiệm vụ bất khả thi

Thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ không giành đủ 20 suất chính thức dự Olympic Tokyo 2020 như mục tiêu đã đặt ra.
Thể thao Việt Nam vẫn đang chạy đua cùng thời gian để giành thêm suất dự Olympic Tokyo 2020. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thể thao Việt Nam vẫn đang chạy đua cùng thời gian để giành thêm suất dự Olympic Tokyo 2020. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Có vé là... vui rồi
Trao đổi ngày 5-5, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn khẳng định “mục tiêu 20 suất chính thức Olympic Tokyo 2020 của thể thao Việt Nam khó đạt được. Chúng tôi đã có những xem xét cụ thể bởi nhiều môn thể thao quan trọng khó đi đấu vòng loại do ảnh hưởng Covid-19. Vì sự bất khả kháng này, thể thao Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu có suất chính thức ở những giải vòng loại đang thi đấu”.
Việc đi đấu rồi trở về vẫn là bài toán nan giải. Tại cuộc giao ban giữa hai Vụ thể thao chức năng 1, 2 cùng bộ môn chuyên môn Tổng cục TDTT, vấn đề đảm bảo cho VĐV, HLV các đội tuyển thể thao thi đấu vòng loại rồi trở về an toàn tiếp tục được đưa ra. Lãnh đạo Tổng cục TDTT đã làm việc rất cụ thể về trường hợp tuyển đấu kiếm đang ở Uzbekistan bị thay đổi chuyến bay về nước, chậm lại so với dự kiến. Nhà quản lý đau đầu tìm phương án tối ưu nhất về sự việc này. Rõ ràng, VĐV, HLV không về nước đúng theo lịch trình đồng thời tình hình Covid-19 đang căng thẳng tại quốc tế là điều nhiều người lo lắng.

Điền kinh đã hết cơ hội tranh suất đến Nhật Bản 2020. 
Lúc này, các môn quan trọng như bắn súng, điền kinh đã hết cơ hội tranh suất trực tiếp. Một số môn không đi vòng loại, đành chờ vào xét điểm thứ hạng như vật, judo, cầu lông hay TDDC... Mới nhất, đội TDDC Việt Nam được thêm 1 suất chính thức dành cho tuyển thủ Đinh Phương Thành qua việc xét kết quả và thứ hạng mà VĐV này từng thi đấu năm 2019. 

Các môn taekwondo, karate, đua thuyền rowing, bắn cung, bơi lội... đã và đang có VĐV chuẩn bị đấu vòng loại Olympic. Tuy nhiên, từng chuyên viên phụ trách các bộ môn trên (thuộc Tổng cục TDTT) cùng chung nhận định rằng do ảnh hưởng của Covid-19, việc tìm suất là khó. 
Nín thở với cử tạ 
Đội cử tạ Việt Nam vẫn đang chờ thông báo cuối cùng từ Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) để biết chúng ta sẽ có bao nhiêu suất chính thức. “Dựa vào số suất được quyết định của IWF, cử tạ Việt Nam sẽ có kế hoạch cụ thể cho từng VĐV chuẩn bị tranh tài Olympic. Trong trường hợp chúng ta không có suất vì án cấm do ảnh hưởng bởi doping, Việt Nam cũng không thể làm gì khác”, TTK Liên đoàn cử tạ & thể hình Việt Nam – ông Đỗ Đình Kháng đã cho biết. 

Lực sĩ Vương Thị Huyền hiện đang xếp hạng 13 thế giới hạng cân 49kg nữ.
Ngày 6-5, IWF đã công bố thứ hạng thế giới của từng lực sĩ trong các hạng cân. Qua đó, Thạch Kim Tuấn đang đứng hạng 5 nội dung 61kg nam; Vương Thị Huyền xếp hạng 13 nội dung 49kg nữ còn Hoàng Thị Duyên xếp hạng 10 (59kg nữ). 

Theo quy định, 8 lực sĩ có thứ hạng cao nhất sẽ có suất chính thức đi Olympic Tokyo 2020. Ngoài ra, IWF còn trao suất của châu lục cho những lực sĩ có thứ hạng cao nhất (mỗi châu lục 1 người). Ngày 31-5, cử tạ thế giới kết thúc các lượt đấu vòng loại và công bố chính thức các VĐV được dự Olympic năm nay.
Lãnh đạo cử tạ Việt Nam cũng tính đến phương án nếu đội tuyển chỉ được 1 suất chính thức khi IWF giới hạn do án phạt và việc chọn ai trong Kim Tuấn, Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên sẽ không khó quyết. Từng tuyển thủ đã tự thể hiện thực lực qua giải vô địch châu Á 2021 vừa qua. Thành viên đội cử tạ Việt Nam đang cách ly y tế theo đúng quy định đối với công dân từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục