Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thừa nhận đã làm hết cách, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được những vụ làm loạn khán đài, tình trạng cầu thủ uy hiếp trọng tài và cả chuyện phóng viên bị hành hung hội đồng khi đang tác nghiệp ở một trận đấu. Vô tình với cách thừa nhận như thế, VFF đã coi đấy là một phần tối tồn tại trong bóng đá. Và cũng vì vậy, hình ảnh của bóng đá ngày càng trở nên xấu xí. Trong con mắt của người hâm mộ đích thực, bóng đá hiện có quá nhiều mặt trái, điều tiếng.
Sau tất cả những gì xảy ra ở sân Lạch Tray, sân Thiên Trường vừa qua, người ta thấy hình như VFF quá dễ dãi, hay nói một cách chính xác hơn là thờ ơ trước sự hoen ố ngày càng rõ nét của bóng đá. Chứng cứ rành rành và nó phơi bày trước mặt tất cả mọi người, nhưng VFF chỉ phạt nhẹ sân Lạch Tray.
Sự thể ở sân Thiên Trường gây sốc dư luận, đặc biệt với hình ảnh rất nhiều người cùng lao vào hành hung một phóng viên ảnh, rồi sau đó tự ý giữ người cũng được VFF vo tròn lại và tuyên… trắng án! Phải đến khi dư luận cũng như giới truyền thông bày tỏ sự bức xúc tột cùng, VFF mới chịu xuống nước và nhận phần sai về mình.
Trước đó, còn vô khối vụ việc khác gây náo loạn các sân cỏ Việt Nam, tạo thành những hình ảnh phản cảm trong dư luận, nhưng cách xử lý “giơ cao, đánh khẽ” của VFF với tổ chức hành pháp là Ban kỷ luật, khiến niềm tin vào một thứ bóng đá đẹp của người hâm mộ giảm sút không có điểm dừng.
Có lẽ, chưa khi nào, giới truyền thông - bộ phận đang góp một tay quảng bá hình ảnh cũng như sự hưng thịnh của bóng đá Việt Nam - lại cảm thấy bức xúc đến thế. Giờ đây đến sân tác nghiệp, nhiều phóng viên nơm nớp lo sợ trở thành tiêu điểm tấn công của khán giả, từ người của ban tổ chức sân địa phương. Mức độ an toàn trong tác nghiệp đang xuống cấp, nên bỗng dưng từ ý nghĩa truyền tải những thông tin mang tính giải trí đến với độc giả, nghề phóng viên thể thao trở thành… nghề nguy hiểm!
Bóng đá vẫn là món ăn tinh thần, một nhu cầu giải trí thực sự đối với nhiều người. Nhưng những cá nhân, tổ chức và bộ phận tham gia vào hoạt động bóng đá đôi khi theo hướng tiêu cực, đã góp phần biến nó thành xấu xí, thành một điều gì đó thật đáng quên.
Tất nhiên, nếu nhìn theo góc công tâm nhất, VFF hay ban tổ chức các sân bóng đá không hẳn chịu trách nhiệm hoàn toàn về những vụ việc xảy ra vừa qua, vì nó thuộc về xã hội, thuộc về cách nhận thức và bày tỏ sự quan tâm của nhiều cá nhân đối với bóng đá.
Có thể nói, dùng cụm từ “tiến lên chuyên nghiệp” cho bóng đá Việt Nam vào thời điểm hiện nay e chưa phù hợp. Ngay cả với nhiều nền bóng đá phát triển trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu, hai chữ “chuyên nghiệp” vẫn đang là mục đích cao cả mà họ hướng đến.
Không thể lường hết những sự việc tiêu cực nảy sinh, nhưng ít ra, ở những nền bóng đá tiên tiến, người ta sẽ tìm cách xử lý hoặc ngăn chặn nó một cách thẳng thắn và quyết liệt nhất có thể, chứ không hời hợt và nhiều lời ta thán như ở làng bóng đá Việt Nam.
LÊ QUANG