Ở nơi World Cup là thiên đường

Trời về chiều. Xa xa những đám mây chuyển sang màu đỏ tía phản chiếu bóng dáng xuống dòng sông rộng lớn tạo nên một khung cảnh huyễn hoặc khiến người ta tưởng mình lạc vào cõi thiên đường. Maués hiện ra trước mắt chúng tôi sau 15 giờ đi thuyền từ thành phố Manaus, nơi có sân vận động và những trận đấu World Cup.

Trời về chiều. Xa xa những đám mây chuyển sang màu đỏ tía phản chiếu bóng dáng xuống dòng sông rộng lớn tạo nên một khung cảnh huyễn hoặc khiến người ta tưởng mình lạc vào cõi thiên đường. Maués hiện ra trước mắt chúng tôi sau 15 giờ đi thuyền từ thành phố Manaus, nơi có sân vận động và những trận đấu World Cup.

Một chiếc thuyền khác đang đậu tại bến sẵn sàng chở những ai muốn quay về với các trận đấu của ngày hôm sau. Tại Maués không có điện, cũng chẳng có sóng điện thoại, chỉ có những máy chạy dầu diesel cung cấp một nguồn điện ít ỏi, chẳng bảo đảm cho chuyện bạn sẽ được phục vụ những nhu cầu thiết yếu nhất, đừng nhắc gì đến World Cup.

Andre Pereira da Silva, tộc trưởng của bộ lạc Sateré-Mawé oang oang nói bằng thổ ngữ của mình: “Đừng quên bóng đá ở trong máu chúng tôi. Hãy cứ chờ xem, biết đâu sẽ có lúc bạn thấy mình như lạc lên cung trăng”. Ngôi làng của Andre Pereira da Silva, điểm đến của đoàn chúng tôi, là một trong 150 cộng đồng dân Sateré-Mawé với khoảng 11.000 người sống rải rác ở vùng hạ Amazon. Đây là cộng đồng được xem là gần với sự hiện đại nhất của cư dân vùng rừng thẳm, sông sâu này.

Ngay tại bến thuyền, Maués đã đậm đà hương vị bóng đá. Những chiếc áo đấu có in hình Neymar treo lủng lẳng bên cạnh vài chiếc mũ của Selecao đặt trên một chiếc sạp gỗ của một cửa hàng đồ lưu niệm. Có lẽ cũng phải nhắc nhớ bạn rằng, Maués có thể không xem bóng đá nhưng đây lại là điểm du lịch nổi tiếng đặc biệt của Brazil. Làm ăn vẫn là làm ăn, lúc World Cup thế này, không bán đồ thể thao thì bán cái gì nữa chứ!

Andre Pereira tỏ ra am hiểu: “Dân chúng tôi biết đến bóng đá từ mấy chục năm trước, cái thời mà người ta chỉ biết đến Vasco da Gama và Flamnengo trên sóng radio. Những người già tại đây, như cha tôi chẳng hạn, chỉ biết ở Brazil có 2 đội bóng này thôi. Còn tôi thì rất rành về Neymar. Anh ta giỏi nhưng có vẻ cũng chẳng nổi tiếng lắm, chẳng qua là có mái tóc ngồ ngộ. Nói chung cầu thủ bây giờ thích được nhìn hơn là đá bóng giỏi thì phải”, Andre Pereira đúc kết gọn lẹ rồi đèo tôi trên chiếc xe máy, chở loanh quanh để mua vài vật lưu niệm rồi quay về nhà thờ tổ của bộ lạc - nơi chúng tôi được hứa hẹn sẽ xem bóng đá.

o0o

Chiếc máy phát điện của nhà Andre Pereira bị hỏng. Đêm đó, chúng tôi ngủ trong một màu đen phủ kín và tiềng làu bàu của Andre Pereira: “Cũng tại Argentina cả, tại Argentina cả”. Đêm trước đó, có trận Argentina - Bosnia nên chiếc máy phát điện phải làm việc quá công suất đấy mà.

Sáng hôm sau, Andre Pereira và cha mình đưa chúng tôi đến một ngôi làng khác có tên Nova Belo Horizonte, cách nơi ở của Andre Pereira đến 75 phút để có thể xem bóng đá nhờ vẫn còn một máy phát điện tại đây. Nova Belo Horizonte nhỏ bé chỉ có 22 gia đình chung sống trong những căn nhà gỗ lợp lá dừa nhưng lại nổi tiếng trong bộ lạc Sateré-Mawé vì chính là “chiếc nôi” của bóng đá vùng hạ Amazon.

Cũng chính ngôi làng này đã đại diện cho bộ lạc tham dự môn bóng đá nam, nữ tại đại hội thể thao toàn quốc dành cho các dân tộc thiểu số Brazil. Nhờ thành tích đặc biệt đó mà ở Nova Belo Horizonte thời gian này, trẻ em, người lớn không cần đến trường học chữ do chính quyền bang Amazon cho phép nghĩ lễ đồng thời cung cấp dầu diesel để phục vụ việc xem bóng đá nhằm giúp dân làng “học hỏi kinh nghiệm thi đấu”.

Dưới góc nhìn của mình, cha của Andre Pereira bình luận: “Bóng bánh gì đâu, chẳng qua là họ muốn được chúng tôi ủng hộ đó mà. Cái chuyện họ tạo ra giải đấu cho những người thiểu số chúng tôi cũng vậy thôi. Tiền đâu mà đi tham dự? Cũng tiền của họ đưa cả đấy thôi. Hết World Cup là hết tiền”.

Chúng tôi không quên được cái buổi chiều hôm ấy, khi đội tuyển Brazil đá với Cameroon ở vòng đấu bảng. Trẻ em Nova Belo Horizonte chạy đầy đường đá bóng tung bụi mù trời. Cánh phụ nữ vội vã ra bến sông đội những thùng nước trên đầu về nhà để làm kịp buổi ăn tối trước khi cả làng rơi vào cảnh không có điện khi chiếc máy phát ưu tiên phục vụ bóng đá.

o0o

Lịch sử bóng đá vẫn nhắc tên một người đàn ông người Scotland Charles Miller là “cha đẻ” của bóng đá Brazil, sau khi ông đến vùng đất hoang dã này dạy học và trong chiếc va li có 2 quả bóng. Nhưng trong quyển “Bóng đá - cách mà người Brazil đã sống” thì tác giả người Anh Alex Bellos lại cho rằng, chính thổ dân da đỏ bản địa đã là người chơi một trò chơi có tên là “zicunati” với những quả bóng làm từ cây cao su nhưng chỉ chơi bằng cách đánh đầu thay vì đá bằng chân.

Một người da đỏ khác có biệt danh Indio đã giúp Brazil lọt vào VCK World Cup 1958 trước khi bóng đá Brazil giới thiệu cho thế giới về Pele huyền thoại. Rồi hồi cuối những năm 90 thế kỷ trước, một người da đỏ có tên José Sátiro do Nascimento, ngày bé chỉ chơi bóng bằng những trái dừa khô, lần đầu tiên được đá bóng tại CLB Corinthians và vô địch Brazil cũng như cúp các CLB FIFA năm 2000.

Và mới đây, năm 2009, lần đầu tiên có một CLB chuyên nghiệp của người dân tộc thiểu số được thành lập tại bang Para. Theo tác giả Alex Bellos, đấy là những thời khắc quan trọng của lịch sử bóng đá thế giới nếu chúng ta biết, đa số dân bản địa tại vùng Amazon vẫn theo chế độ mẫu hệ mà người đàn bà không muốn đàn ông chơi bóng đá khi họ phải làm cật lực để nuôi sống gia đình.

Chúng tôi nhớ đến lời Andre Pereira nói, bóng đá đã ở trong máu của thổ dân Brazil. Vài ngày tại Maués, cuộc trải nghiệm tuyệt vời để thấy có một World Cup khác trong lòng Brazil khác hẳn với những Fan Fest, những bãi biển đông nghịt người hay các cuộc phô trương tinh thần dân tộc trên đường phố trước và sau các trận đấu.

Ở Maués, chứng kiến những người như gia đình Andre Pereira hay dân làng Nova Belo Horizonte xem bóng đá, mới thấy họ là một phần của làng cầu nổi tiếng nhất thế giới này. Cái hôm Brazil thắng Cameroon, ai cũng khóc vì vui sướng. Họ thậm chí còn muốn ném đá vào màn hình tivi khi cứ thấy truyền hình chiếu cảnh Pele trả lời phỏng vấn thay vì cho họ nhìn cầu thủ đang ôm nhau vui sướng trên sân bóng.

Long Khang (từ Manaus)

Tin cùng chuyên mục