Nữ hoàng khóc nhè Naomi Osaka: Không xứng ngôi số 1 nếu bị loại ở vòng 1

“Nữ hoàng khóc nhè” Naomi Osaka đang là cái tên “khó đỡ” nhất ở mùa giải 2019. Sau khi lên ngôi vô địch Australian Open 2019 và trở thành tay vợt nữ đầu tiên sở hữu 2 danh hiệu Grand Slam liên tiếp kể từ thời của Serena Williams hồi 2015, cô sa sút một cách kỳ cục - chủ yếu vì sa thải HLV Sascha Bajin, và liên tục khóc nhè, nói rất nhiều để biện minh sự tuột dốc của mình.
Naomi Osaka
Naomi Osaka

Từ “cô bé lọ lem, hóa thân thành công chúa, rồi lại từ công chúa, bước lên ngôi nữ hoàng”, cuộc đời của Osaka giống như một câu chuyện cổ tích, được dệt thành sự thật từ những lời kể mê hoặc của một người như là “ba Mo” (Motimer, một nhân vật trong loại truyện "Thế giới mực" của nữ nhà văn giả tưởng người Đức, bà Cornelia Funke, người có khả năng mang những nhân vật và cốt truyện từ trong tiểu thuyết, trở ra ngoài, thành thực tế đời thường).

Nhưng không phải “câu chuyện cổ tích” nào cũng kết thúc có hậu, rằng công chúa sẽ gặp được hoàng tử, rằng nữ hoàng sẽ cưới được nhà vua chân chính, và sống hạnh phúc mãi mãi cùng con cháu. Có lẽ, câu chuyện cổ tích về Osaka đang đi theo chiều hướng đó, khi cô chia tay “thầy kể chuyện” của chính mình, vị HLV tài năng người Đức - ông Sascha.

Kể từ khi chia tay ông Sascha, Osaka đã khóc rất nhiều, đã trăn trở rất nhiều, khi bị dư luận soi mói rằng, cô chia tay ông chỉ bởi vì tiền, để chạy theo tiếng gọi vinh quang mới. Nhưng cô không thể “quản” được chuyện bàn luận của thiên hạ, khi mà phong độ của cô đang trở thành “một mớ hổ lốn” không hơn không kém kể từ sau giải đấu Australian Open.

Phong độ của Osaka sau khi chia tay HLV Sascha

_Bị loại ở vòng 2 Dubai Championships

_Bị loại ở vòng 4 Indian Wells

_Bị loại ở vòng 3 Miami Open

_Lọt đến bán kết Stuttgart Open

_Lọt đến tứ kết Madrid Open

_Lọt đến tứ kết Italian Open

_Bị loại ở vòng 3 Roland Garros

Tổng thành tích: 7 trận thắng - 12 trận thua

Sau khi chơi rất tệ ở mặt sân đất nện của French Open, để thua Katerina Siniakova (CH Czech) ở vòng đấu thứ 3, Osaka bước vào mùa giải sân cỏ với tâm lý cố gắng gạt bỏ những chuyện xấu ra sau lưng để sẵn sàng cho những thách thức mới ở một mặt sân tươi mới. Có điều, mặt sân cỏ lại không phải sở trường của “Đương kim Nữ hoàng”.

Nhưng Osaka vẫn ráng “gồng”. Trước khi đến với Birmingham Classic (giải đấu đang diễn ra tại CLB Tu viện Edgsbaston), cô có lời bình luận khá là ấn tượng: “Đối với bản thân tôi, luôn có chút căng thẳng khi thi đấu trên mặt sân cỏ. Đặc biệt, kể từ lúc tôi không thể tập luyện được nhiều lần ở đây, rất khó thích nghi. Nhưng dù sao, đây vẫn là một mặt sân hứa hẹn phù hợp với tôi, và tôi nghĩ tôi sẽ chơi tốt, để rồi mọi chuyện sẽ là ăn ý”.

“Tôi hiện đang có niềm vui ngập tràn, và tôi biết, nếu tôi chơi tốt, sau đó tôi vẫn là số 1 thế giới. Nhưng kiểu giống như là, bạn phải xứng đáng với cái vị thế mà bạn đang có. Do vậy, nếu tôi để thua ở vòng 1 tại Birmingham, tôi không xứng đáng với ngôi số 1 thế giới. Với tôi, thi đấu với những tay vợt khó nhằn luôn lả rất thú vị”, Osaka cho biết.

Quả nhiên, cô “xứng đáng” với ngôi số 1, ít nhất là cho đến khi Birmingham Classic vẫn chưa khép lại. Đơn giản vì, Osaka đã giành chiến thắng ở vòng đấu đầu tiên, khi đánh bại Maria Sakkari (Hy Lạp), dù cho điểm số có hơi “chật vật” một chút, là 6-1, 4-6, và 6-3. Thắng, thì cho dù sau 2 hay 3 ván đấu, cũng vẫn là chiến thắng. Phải không?

Nhưng oái oăm là, cô lại… để thua ngay ở vòng 2. Cô vừa thúc thủ với điểm số 2-6 và 3-6 trong trận đấu diễn ra tối hôm qua trước Yulia Putintseva (một tay vợt người Nga nhưng phải chuyển sang đại diện cho Kazakhstan vì không có khả năng phát triển ở một đất nước có quá nhiều tài năng quần vợt trẻ). Đó vẫn là một thấy bại kiểu “gây sốc” và nó khiến nhiều chuyên gia phải “đứng hình”. Bị loại ở vòng 1 thì không xứng ngôi số 1, nhưng bị loại ở vòng 2 thì sao?

Rất có thể, Ashleigh Barty sẽ khiến cho mọi vướng mắc được tháo gỡ. Nếu tay vợt trẻ người Úc vẫn giữ được phong độ hiện tại (với thành tích thắng 9 trận liên tiếp, tính cả thành tích khi cô bất ngờ lên ngôi vô địch French Open) và đăng quang ở CLB Tu viện Edgsbaston, cô này sẽ chính thức chấm dứt triều đại của “Nữ hoàng khóc nhè” Osaka. Vậy đi, cho dễ!

Nếu vậy thì, trong tương lai gần trước mắt, Osaka toan tính gì? Cô chỉ còn cách chơi thật tốt ở đấu trường Wimbledon, để cho dù không thể giữ được ngôi “Nữ hoàng”, vẫn còn có thứ để “ăn nói” với dư luận, khi mà ông Sascha vừa thể hiện khao khát được một lần nữa “kể tiếp câu chuyện thành công của Osaka”.

“Xử lý với sự kỳ vọng của cá nhân và cả sự trông chờ mà tôi nghĩ xuất phát từ những người khác thật sự là rất khó khăn”, Osaka tâm sự, “Tuy vậy, tôi nghĩ rằng, kiểu như tôi đã nắm bắt được điều đó. Dù sao, tôi vẫn nghĩ mặt sân cỏ là rất hay với tôi, và tôi phải học hỏi để làm sao cảm thấy thoải mái khi thi đấu trên mặt sân này”.

“Đương nhiên, tôi chưa từng vượt quá vòng 3 ở đấu trường Wimbledon. Tôi thật sự muốn làm được chuyện này ở giải đấu năm nay, nhưng tôi vẫn đang phải giữ cái đầu ngẩng cao và cố học hỏi qua từng trận đấu. Tôi có may mắn khi được thi đấu ở sân Trung tâm của All England Club năm ngoái, nhưng tôi vẫn lo lắng không dám nhìn quanh. Hy vọng, tôi lại có cơ hội thi đấu ở đây trong năm nay, và tôi vẫn đang học hỏi để thích nghi trên mặt sân cỏ”, Osaka cho biết.

Ở Birmingham Classic, đó đã là một “cú sốc”, và không rõ, Osaka có tiếp tục “khóc nhè” hay không. Nhưng ở Wimbledon, người ta hy vọng cô sẽ cố gắng thật nhiều, vì lâu lắm rồi, mới có lại một tay vợt trẻ được kỳ vọng sẽ chiếm ưu thế ở WTA Tour, tạo ra một “triều đại” yên bình, chứ cứ rơi vào cảnh “người người vô địch, nhà nhà đăng quang” thì… kỳ quá!

Tin cùng chuyên mục