VCK GIẢI U.19 CHÂU Á 2016
Vòng chung kết giải vô địch U.19 châu Á 2016 sẽ diễn tại Bahrain từ ngày 13 đến 30-10 với sự tham dự của 16 đội bóng. Sau đợt sát hạch từ 10 bảng đấu ở vòng loại, danh sách các đội giành quyền góp mặt ở sân chơi này được xác định như sau.
10 đội giành ngôi đầu bảng từ A đến J: Uzbekistan, Saudi Arabia, UAE, Qatar (đương kim vô địch), Iran, Iraq, Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Và 5 đội đứng nhì bảng có thành tích tốt nhất: Tajikistan, Australia, Thái Lan, CHDCND Triều Tiên, và Yemen. Suất còn lại đương nhiên thuộc về chủ nhà Bahrain.
Có 43 đội tham gia đá 68 trận ở vòng loại từ ngày 28-9 đến 6-10-2016 với tổng cộng 282 bàn thắng (trung bình 4,15 bàn/trận). Chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất ở vòng lọai là Majid Lafi Hamad Al-Mehairi (UAE) với 6 lần lập công.

Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn quyết tạo nên những bất ngờ tại sân chơi châu lục. Ảnh: Minh Hoàng
Giống các VCK trước đây, giải vô địch U.19 châu Á 2016 còn được tính là vòng loại giải U.20 thế giới 2017. Bốn đội đứng đầu giải năm nay sẽ có vé đến với FIFA U.20 World Cup vào năm sau tại Hàn Quốc. Nếu đội bóng xứ kim chi nằm trong tốp 4, đội xếp thứ 5 sẽ được đôn lên dể dự U.20 thế giới 2017.
VCK U.19 châu Á năm nay diễn ra trên 2 sân. Đó là SVĐ quốc gia Bahrain, nằm ở phía Đông Riffa. Sân này có sức chứa 30.000 chỗ ngồi và được xây dựng vào năm 1982. Sân này được cải tạo vào tháng 12-2012 để Bahrain đăng cai Cúp vùng Vịnh 2013. Thứ 2 là sân Khalifa Sports City, còn được biết dến với tên Isa Town. Đây là sân nhà của CLB Al-Najma, với sức chứa 20.000 chỗ ngồi và mở cửa từ năm 1968. Lần cuối sân này được sửa sang lại là vào năm 2007 và là nơi tổ chức 9 trận ở Cúp vùng Vịnh cách đây 3 năm.
HUYỀN LINH
Những đối thủ của U.19 Việt Nam
Ở vòng chung kết (VCK) giải vô địch U.19 châu Á 2016 Việt Nam ngồi “chung mâm” với các đối thủ rất rắn mặt là CHDCND Triều Tiên, Iraq và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) ở bảng B. Đây là 3 quốc gia từng có ít nhất một lần lên ngôi cao nhất ở sân chơi này.
Iraq
Iraq là đội bóng khá quen thuộc ở giải vô địch U.19 châu Á với 16 lần giành quyền lọt vào VCK (tính tới giải năm nay), nhiều nhất trong số các đội ở bảng B. Họ có 5 lần đứng trên bục cao nhất (1975, 1977, 1978, 1988, 2000) và là đội bóng giàu thành tích thứ tư ở sân chơi này, sau Hàn Quốc (12 lần vô địch), Myanmar (7), Israel (6). Ngoài ra Iraq còn vào chung kết năm 2012, và giành hạng 3 năm 1982. Ở vòng loại giải 2016 này Iraq nằm ở bảng F và với đẳng cấp của mình họ toàn thắng cả 3 trận trước Tajikistan 2-0, Maldives 5-0 và Bahrain 4-1. Alaa Abbas là chân sút đáng gờm của đội này với 4 lần nhã đạn.
UAE
Giống như Iraq và cả Việt Nam, UAE thắng như chẻ tre ở vòng loại U.19. Thậm chí họ còn gây ấn tượng mạnh hơn cả với việc không lọt lưới bàn nào sau khi vượt qua Afghanistan 3-0, Ấn Độ 7-0 và Palestine 5-0. Al-Mehairi góp công đầu cho UAE với 6 bàn thắng qua đó đứng đầu danh sách dội bom ở vòng loại. Ở Bahrain năm nay, UAE có lần thứ 13 đến với VCK giải U.19 châu Á. Thành tích cao nhất của đội bóng Tây Á này là vô địch năm 2008, ngoài ra họ còn về đích thứ 3 vào các năm 1985 và 1996.
CHDCND Triều Tiên
Tuy chưa có tiếng tăm ở cấp độ “A” ở châu lục nhưng ở các giải trẻ CHDCND Triều Tiên là quốc gia có thành tích đáng nể. Như ở sân chơi U.19 họ có 12 lần giành vé dự vòng chung kết và 3 lần bỏ túi chức vô địch, bao gồm lần chia sẻ ngôi cao nhất với Iran năm 1976 – lúc luật đá hiệp phụ chưa được áp dụng cho giải U19 châu Á, bên cạnh các năm 2006, 2010. Triều Tiên còn có 2 lần giành ngôi Á quân năm 1990, 2014 và về đích thứ 3 năm 1975, 1978, 1986.
Tại vòng loại vào năm ngoái, Triều Tiên đứng nhì bảng I sau khi thắng Macau 7-0, Malaysia 1-0 trước khi thua chủ nhà Trung Quốc 0-3. Han Il-hyok ghi 5 bàn ở chiến dịch vòng loại cho Triều Tiên và chỉ đứng sau mỗi Al-Mehairi của UAE. Với 6 điểm cùng hiệu số bàn thắng bại là 4, đội bóng này lấy vé đi Bahrain với tư cách là đội xếp thứ tư trong số 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất trong tổng số 10 bảng.
TRUNG TÍN