Những phép so sánh tai hại

1. Thực sự thì không có báo chí Anh quốc nào quan tâm đến trận thắng của U19 Việt Nam trước U19 Australia ngoài một trang tin được xếp vào nhóm báo lá cải tại Anh. Công bằng mà nói, gần 1 năm trước thắng 5-1 mà bây giờ đá trên sân nhà chỉ thắng 1-0 thì không thể làm truyền thông quốc tế chú ý được. Căn cứ về mặt tỷ số, chính Australia mới là đội đáng khen vì tiến bộ hơn.

Cái đáng chú ý nhất vẫn là vẻ đẹp của bàn thắng mà Công Phượng ghi, đơn giản chỉ vậy thôi. Còn chuyện trang tin Express ấy gọi Công Phượng là “Messi của Việt Nam” chẳng qua là lấy lại chính những gì mà truyền thông Việt Nam (nguồn gốc là từ một bình luận của VTV) “thổi” pha ghi bàn ấy của Công Phượng.

Tóm lại, chẳng có chuyện gì đặc biệt ở đây cả ngoài khoảnh khắc xuất thần của Công Phượng.

Công Phượng đang bị “thổi” lên quá cao, lợi hay hại? Ảnh: Quang Thắng

Nói như vậy bởi trên thực tế, quan điểm chơi bóng của U19 Việt Nam là tôn vinh lối chơi đồng đội chứ không hề có đất diễn nào cho các cá nhân. Bản thân Công Phượng, dù là ngôi sao sáng nhất nhưng phần lớn thời gian anh cũng không thường xuyên có những pha bóng cá nhân, vẫn đá đúng chiến thuật, ngoài phút bùng nổ để ghi bàn đó. Như vậy, Công Phượng chẳng liên quan gì đến… Messi hay Maradona cả. Vẻ đẹp của bàn thắng đó thì có thể so sánh với những bàn thắng đẹp khác nhưng ví Công Phượng như Messi thì… trật lất.

2. Khổ nỗi, vì cái phép so sánh tai hại đó lại dẫn đến những hệ lụy khác như kiểu: đá cỡ… Messi như Công Phượng thì nên được gọi vào đội tuyển quốc gia. Tức là người ta so sánh một giải đấu trẻ ngang với cấp độ của đội tuyển quốc gia bất chấp đó là một khoảng cách rất xa.

HLV Miura ngay lập tức nói thẳng là ông chưa quan tâm đến điều đó. Ông có xem, có đánh giá cao nhưng chuyện đưa một cầu thủ U19 lên tuyển thì… để mai tính.

Đành rằng chẳng thiếu gì trường hợp tuyển thủ quốc gia mới 17, 18 tuổi. Những Văn Quyến, Phan Thanh Bình, Công Vinh, Chu Ngọc Anh… vẫn như thế cả mà. Thế nhưng, họ được gọi sau khi đã đá chính tại CLB, đã được “chứng nhận” ở môi trường cao nhất của một nền bóng đá. Họ xứng đáng được gọi. Còn U19 Việt Nam? Họ có tài, có đủ năng lực, nhưng đấy là những gì chúng ta thấy được ở một giải đấu trẻ. Nếu phải so sánh, thì đấy chỉ như là phong độ ở các trận đấu tập, khác hẳn việc ra sân đá ở một trận chính thức.

Còn nữa, nếu phải so sánh tại sao không so Công Phượng là “Văn Quyến thứ 2” (chỉ nói về mặt tài nghệ chơi bóng). Ở cùng độ tuổi, Văn Quyến còn xuất sắc hơn khi anh ghi bàn ở Tiger Cup 2002 khi chỉ mới 17 tuổi, đoạt Quả bóng vàng năm 19 tuổi. Nếu bây giờ U19 Việt Nam có "đất diễn" nhờ bóng đá nội địa đang sa sút thì thời điểm Văn Quyến tỏa sáng, những bậc đàn anh như Huỳnh Đức, Hồng Sơn vẫn đang tung hoành trên sân cỏ.

U19 Việt Nam tạo nên sự khác biệt, thậm chí là đặc biệt bởi phong cách chơi bóng và đạo đức trong thi đấu. Nét đẹp cũng như tài năng của họ nằm ở chỗ này. Nhưng cũng vì lẽ đó, đừng làm những phép so sánh với Messi, Maradona bởi chính điều đó sẽ đi ngược những giá trị cốt lõi mà U19 Việt Nam đang đem đến cho người hâm mộ Việt Nam.

Hãy nhớ rằng, họ được yêu quý bởi là những viên ngọc sáng nhưng luôn bình dị, đáng yêu và gần gũi.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục