Nhìn xa, trông rộng

Thể thao Việt Nam sẽ giành ít nhất 30 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020, gần hơn sẽ tạo nên một màn trình diễn ấn tượng ở đấu trường Asiad 2018.
Đoàn thể thao Việt Nam trong buổi lễ thượng cờ tại ASIAD Incheon 2014 Ảnh: HUY THẮNG
Đoàn thể thao Việt Nam trong buổi lễ thượng cờ tại ASIAD Incheon 2014 Ảnh: HUY THẮNG
Tổng cục TDTT đã xác định mục tiêu này và vừa khởi động chiến dịch liên kết với một đơn vị chuyên nghiệp nhằm tìm kiếm nhà tài trợ, mạnh thường quân nhằm tăng chất cho Đoàn thể thao Việt Nam tại 2 sự kiện lớn kể trên.

Nghe có vẻ lạc lõng giữa bầu không khí chuẩn bị SEA Games 29 khá khẩn trương của các đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, đó mới chính là chuyện cần bàn đến vào lúc này và đương nhiên đó mới là tư duy nhìn xa trông rộng của giới làm nghề. Nên nhớ, thể thao Việt Nam đã thay đổi đáng kể tư duy khi xem SEA Games như chiếc bàn đạp cho các tuyển thủ quốc gia - cả dạn dày kinh nghiệm lẫn trẻ trung và giàu khát vọng, rèn luyện trước khi bước ra những đấu trường lớn hơn.

Năm tới đã là Á vận hội ở Indonesia - sự kiện mà Việt Nam từng giành được quyền đăng cai nhưng rốt cuộc phải trả về cho châu Á. Thể thao Việt Nam vẫn vẹn nguyên tham vọng khẳng định vị thế của mình ở Asiad, sau quá nhiều lần để vuột những tấm HCV đáng tiếc ở nhóm môn thể thao sở trường (bắn súng, cử tạ, karatedo, taekwondo, TDDC…).

Trước đây, thậm chí phải đợi đến sau khi sân chơi SEA Games khép lại, thể thao Việt Nam mới bắt đầu tính đến kỳ Asiad hoặc Olympic kế tiếp. Sự chậm trễ trong khâu chuẩn bị luôn kéo chậm lại tiềm năng phát triển của chúng ta, dù nguồn nhân lực không đến mức thiếu thốn, cũng chẳng thua kém bạn bè châu lục bao xa. Kể từ chiến thắng vang dội của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2016, có vẻ như lối suy nghĩ mới đã được hình thành để thay cho kiểu tư duy cũ “ăn xổi, nghĩ ngắn”. Trước đây, trong đội ngũ lãnh đạo ngành TDTT, cũng có những người cấp tiến và tham vọng, có điều họ bị ràng buộc bởi những luật lệ cũ, nên không giúp được nhiều trong công cuộc đổi mới tư duy cho cả ngành TDTT.

Giờ thì phải khác, vì nếu lỡ nhịp, các nền thể thao trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia sẽ qua mặt Việt Nam rất mau chóng. Nguồn lực đầu tư không dừng lại ở mức “tập trung cho SEA Games”, mà phải là “vì Asiad và Olympic”. Thế mới xuất hiện 2 chế độ kinh phí cho 2 diện tuyển thủ quốc gia (bình thường và đặc biệt) từ cách đây vài năm.

Vận động và kêu gọi tài trợ cho Đoàn thể thao Việt Nam chuẩn bị Asiad 2018 và Olympic Tokyo 2020 cũng chính là đang giúp việc xã hội hóa phát triển mạnh mẽ hơn. Ở SEA Games 29, chúng ta có 4 đội tuyển (bơi nghệ thuật, cricket, bowling và hockey trong nhà), thì hoàn toàn có thể trông đợi có thêm nhiều đội tuyển nữa tự chủ được nguồn kinh phí tập huấn và đi thi đấu, sau khi tìm được mạnh thường quân “chống lưng” trước thềm những sự kiện kể trên.

Lộ trình hướng lên thể thao chuyên nghiệp thực sự phải bao gồm yếu tố đặc biệt quan trọng này. Chính Bộ trưởng Bộ VH-TT Nguyễn Ngọc Thiện mới đây cũng đã nhấn mạnh, rằng SEA Games 29 chỉ được tính như bước đệm cần thiết trong giai đoạn chuẩn bị của thể thao nước nhà cho 2 đấu trường Asiad và Olympic vài năm tới: “Ở 2 đấu trường này, chúng ta có rất nhiều lợi thế, từ việc hỗ trợ của chuyên gia, công tác tập huấn của nước chủ nhà thời gian tới, cũng như ngành TDTT Việt Nam đã sớm hoạch định và đầu tư cho các môn và VĐV trọng điểm trong vài năm trở lại đây, nên có quyền tin tưởng thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục làm nên lịch sử tại Olympic Tokyo 2020”.

Tin cùng chuyên mục