Không có chiếc huy chương nào cho Nguyễn Thị Ánh Viên, cô thậm chí còn không lọt được vào vòng bán kết của các nội dung 400m hỗn hợp và 200m ngửa, tuy nhiên, kình ngư 16 tuổi này vẫn xứng đáng là VĐV số 1 của thể thao Việt Nam tại đấu trường London 2012 tính đến thời điểm này. Hơn thế, những gì Ánh Viên làm được còn quý giá hơn cả một tấm huy chương danh giá ở sân chơi vĩ đại này.
Hôm nay (2-8), ở nội dung sở trường 200m ngửa, dù đứng đầu vòng loại nhóm 1 nhưng Ánh Viên chỉ đứng hạng 26/37 VĐV, không vào được bán kết. Tuy nhiên, với thành tích 2’13"35, Ánh Viên đã phá rất sâu kỷ lục Đông Nam Á được lập của VĐV người Indonesia ở SEA Games 26 vừa qua (2’15’73). Quan trọng hơn, thành tích đó đã đưa Ánh Viên vào tốp 5 của châu Á.
Riêng ở đường đua London 2012, Ánh Viên là VĐV Đông Nam Á duy nhất tham gia nội dung này và xếp hạng 4 về thành tích tính riêng khu vực châu Á. Chưa hết, trước đó, Ánh Viên cũng vượt qua kỷ lục Đông Nam Á ở nội dung 400m hỗn hợp (4’50"27 so với 4’50"88).
![]() |
Nguyễn Thị Ánh Viên ở đường đua 200m ngữa London 2012. Ảnh: CTV |
Nhưng như thế vẫn chưa nói hết kỳ tích của Nguyễn Thị Ánh Viên. Chỉ trong một thời gian ngắn từ SEA Games 26 đến nay, Ánh Viên đã thể hiện bước tiến vượt bậc khi nâng tất cả thành tích của mình lên tầm châu lục. Trước khi tới Mỹ tập huấn, ở nội dung 200m ngửa, Ánh Viên đạt thông số 2’18"51 tại SEA Games 26.
Đến giải vô địch Đông Nam Á hồi tháng 6, Ánh Viên đã có thông số 2’15"15, giành chuẩn B để đến London bằng cửa chính thức. Như vậy là chỉ chưa đầy 1 năm, cô gái có thể hình rất chuẩn này đã rút ngắn đến hơn 5 giây trong môn thể thao cực kỳ khó nâng cao thành tích như bơi lội. Khi cô đoạt HCV ở giải Đông Nam Á, nhiều chuyên gia bơi lội hàng đầu đã khẳng định tương lai của Ánh Viên sẽ là những cuộc tranh tài đỉnh cao, tức là từ đấu trường châu lục trở lên. Lịch sử bơi lội Việt Nam chưa bao giờ có được triển vọng lớn lao và chắc chắn đến như vậy.
Điều quan trọng hơn đó là thái độ của Ánh Viên tại sân chơi vĩ đại này. Xin nhớ là cô gái đến từ TPHCM này chỉ 16 tuổi và mới qua 1 năm tập trung cùng đội tuyển quốc gia (tức là mới được tập trung đầu tư) vậy nhưng cô vẫn thi đấu xuất sắc, tự nâng cao thành tích của mình, không hề bị áp lực của cuộc thi làm ảnh hưởng. Điều này khác hẳn với những thất bại mang nhiều lý do tâm lý của các VĐV khác. Nếu làm được như Nguyễn Thị Ánh Viên, việc chúng ta dự Olympic chắc chắn là không hề phí phạm.
Một khía cạnh khác, chỉ với một thời gian ngắn tập huấn tại Mỹ, Ánh Viên đã tự lập nên kỳ tích cho mình. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư trọng điểm, đúng chỗ đúng nơi cũng như thái độ chuyên nghiệp và nỗ lực của VĐV. Điều này khiến chúng ta nhớ đến trường hợp của Hoàng Quý Phước đã mất suất dự Olympic chỉ vì vụ lùm xùm quanh chuyến tập huấn ở Mỹ.
ĐĂNG LINH
| |
Các tin, bài viết khác
-
Tay đua Thibaut Pinot né Tour de France để tránh 'vận đen'
-
Thua 2 trận, Hà Nội FC không thể không vội
-
Ngoại binh V-League 2021: Cũ người mới ta
-
Các hảo thủ quần vợt Việt Nam thể hiện sức mạnh ở giải VTF Masters 500 – Hải Đăng Cúp 2021
-
Oscar muốn trở lại Chelsea để viết tiếp ‘câu chuyện đẹp’ ở Stamford Bridge
-
Bốc thăm các giải AFC: Viettel rơi vào bảng ‘xương’, Hà Nội dễ thở
-
Makhmud Muradov: Ngôi sao mới nổi của UFC có thể hình 8 múi, là bạn thân của “Money” Mayweather
-
Rắc rối cho Zlatan Ibrahimovic
-
Ighalo kết thúc hành trình ước mơ
-
HLV Guardiola: “Bảng xếp hạng là điều cuối cùng tôi nghĩ đến”