Người xứ Corse ở đây là Napoleon. Từ một nhân vật nói giọng địa phương khiến giới thượng lưu sành sỏi cười nhạo, Napoleon đã tiến thẳng tới vị trí quyền uy bậc nhất ở lục địa già, trở thành nhà quân sự, chính trị kiệt xuất của nước Pháp.
![]() |
Huấn luyện viên Wenger |
Trong bộ phim cùng tên với vị Hoàng đế Pháp lẫy lừng, đạo diễn Abel Gance đưa người xem trở về tháng 9-1783 khi quân Anh chiếm đóng cảng Toulon trọng yếu ở duyên hải miền Nam nước Pháp. Khi quân Pháp chuẩn bị phản công, một người lính đưa cho Napoleon tấm bản đồ địa hình. Rất nhanh chóng, chàng lính trẻ đến từ xứ Corse đưa ra câu trả lời: đánh pháo đài Aiguillette trước. Viên chỉ huy chiến dịch không nghe theo và thất bại. Viên chỉ huy thay thế nghe lời Napoleon và chiến thắng. Từ đó, sự nghiệp của người sau này là Hoàng đế châu Âu lên như diều gặp gió. Nhà chiến lược học hàng đầu Carl von Clausewitz, trong tác phẩm Bàn về chiến tranh, có đưa ra khái niệm “cú chớp mắt”, đề cập đến những quyết định nhanh chóng và sáng suốt trong hoàn cảnh ngặt nghèo của Napoleon. Sự nghiệp của Napoléon là vô vàn những “cú chớp mắt” rất khó lý giải nhưng luôn đúng.
Arsene Wenger được yêu mến gọi bằng biệt danh Giáo sư. Ông có phong thái đạo mạo của một trí thức lịch lãm và thực sự là như thế. Vị HLV của Arsenal có bằng tiến sĩ kinh tế, sử dụng được nhiều ngoại ngữ. Wenger cũng được thừa nhận là một nhà chiến lược tài năng của sân cỏ. Dưới sự lèo lái của vị HLV người Pháp, Arsenal luôn… “sống khỏe”. Pháo thủ đào tạo cầu thủ trẻ rất thành công, thường xuyên trình làng ngôi sao mới. Khả năng nhìn người của Giáo sư cũng khiến ông thành công với biết bao lần biến gạch thô thành ngọc sáng, lúc mua thì rẻ, mà khi bán lời gấp nhiều lần. Nhưng Wenger cũng đã cho thấy ông không giỏi ứng biến. Không mấy lần người ta được thấy khả năng thay người xuất sắc của Giáo sư. Bộ máy Arsenal được lập trình sẵn rất chi tiết, chuẩn xác nhưng nếu một mắt xích trục trặc thì Wenger cũng tỏ ra lúng túng. Sai lầm trong 2 lượt trận đối đầu với AC Milan ở Champions League vừa rồi lại một lần nữa cho thấy khả năng xoay trở trong các tình huống cụ thể của Giáo sư là không thuyết phục.
Cả Hoàng đế Napoleon và Arsene Wenger - dưới sự so sánh hạn hẹp - đều là những nhà chiến lược. Trong lúc người đồng hương thô kệch Napoleon đã từng là Hoàng đế châu Âu nhờ tài ứng biến linh hoạt ở mỗi trận đánh thì pháo thủ thành London, dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Wenger đang trình làng một lối chơi thất thường. Phải chăng lớp hậu sinh của Hoàng đế Napoleon thiếu những “cú chớp mắt” như ngài?
Hùng Tâm