Người Sài Gòn không còn thích thể thao?

Mới 10 năm trước, chỉ một trận chung kết bóng chuyền sinh viên thôi mà Nhà thi đấu Phan Đình Phùng muốn nổ tung khi sức chứa chỉ 3.500 mà đến hơn 10.000 người đến xem. Khoảng đầu năm 2000, làm gì có chuyện còn chỗ nếu bạn đến trễ ở các giải vô địch bóng chuyền quốc gia hay ngày chung kết bóng bàn Cây vợt vàng.

Khí thế ấy cũng được phát huy khi nhà thi đấu Tân Bình ra đời tạo nên làn sóng thưởng lãm thể thao cực kỳ sôi động tại TPHCM. Còn riêng với sân Thống Nhất thì khỏi phải nói, cuối tuần nào cũng đầy kín khán giả khiến cư dân các con đường quanh sân tha hồ kinh doanh các loại dịch vụ ăn theo.

Bây giờ kinh tế khá lên nhiều, nhưng dường như người Sài Gòn lại không còn quan tâm đến thể thao. Các môn thể thao quần chúng như bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá ngày càng ít người chơi dù chẳng thiếu cơ sở để tập luyện. Ngay như trong giới sinh viên, hiếm hoi lắm mới có giải thể thao được tổ chức nên người đi xem thi đấu thể thao ngày càng ít ỏi.

Đời sống càng cao thì nhu cầu giải trí càng lớn, sự thưởng thức cũng khắt khe hơn. Thế nhưng, thành tích của thể thao TPHCM ngày càng đi xuống, chất lượng thi đấu không còn như trước. Ngay như môn quần vợt, khá thịnh hành ở Sài Gòn nhưng chỉ có giải đấu với sự tham gia của 4 danh thủ đẳng cấp thế giới mới đủ sức kéo người yêu thích môn này đến sân xem.

Bên cạnh đó, rõ ràng người dân thành phố cũng ít quan tâm đến việc tập luyện thể thao (trừ bóng đá với sự nở rộ của sân cỏ nhân tạo). Lỗi thuộc về những người làm thể thao khi không có những hình thức quảng bá cũng như kêu gọi người dân tập luyện.  Từ việc tập cho có sức khỏe đến theo đuổi chuyên cần một môn ưa thích nào đó luôn có sự hỗ trợ từ người làm thể thao. Phải có một nền thể thao phong trào rộng, đông đảo thì mới có người đi xem thi đấu đỉnh cao được.

Thúy Vi

Tin cùng chuyên mục