Người khổng lồ thức giấc

1.
Người khổng lồ thức giấc

1. Rốt cuộc, trái với sự chờ đợi của người hâm mộ về một trận cầu “toàn Anh” chính hiệu, tính lãng mạn của trận Chelsea - Liverpool đã bị giết chết ngay từ phút thứ 4. Thủ phạm chính là chàng dũng sĩ Luis Garcia trẻ măng đến từ Tây Ban Nha, giống như ông thầy Benitez của mình.

Bàn thắng đến quá sớm khiến phần còn lại của trận đấu lập tức đi ra ngoài quỹ đạo của một cuộc quyết đấu giàu tính tấn công để nhanh chóng biến thành cuộc thi trình diễn chất lượng sản phẩm giữa chiếc thuẫn Liverpool càng ngày càng có vẻ dày cui và chiếc mâu ba mũi Chelsea nay đã bị gãy mất hai: Duff và Robben.

Người khổng lồ thức giấc ảnh 1

Garecia và đồng đội mừng bàn thắng đưa Liverpool vào chung kết.

Liverpool mặc áo đỏ nhưng qua cách phòng thủ kín như bưng của mình lại khiến người xem liên tưởng đến đội quân Ý màu thiên thanh và cái cách Chelsea húc đầu một cách tuyệt vọng vào bức tường Liverpool trông giống như cả hai đang âm mưu tái hiện lại các trận Ý - Hà Lan và Ý - Pháp ở EURO 2000 hoặc gần đây hơn là những trận EURO 2004 có đội Hy Lạp tham chiến.

Trong trận đấu quyết định này, các chàng trai Chelsea có dấu hiệu quá tải mà điển hình là lối thi đấu vô hồn của Drogba khiến anh trông giống như một người giả mạo chính mình. Đây cũng là điều mà AC Milan - một ứng cử viên vô địch khác - sẽ lặp lại 24 tiếng đồng hồ sau đó ở sân Philips của PSV Eindhoven trong một trận đấu mà nếu Thượng đế không thương tình vớt họ lên từ địa ngục đúng vào phút 90 thì có lẽ giờ này họ đang ngồi thù tạc với Chelsea ở góc khuất nào đó trong... quán nhậu Suối Vàng.

Như vậy, hành trình chinh phục các đỉnh cao còn lại của năm 2004 kỳ vĩ của HLV Mourinho đã chính thức chấm dứt mặc dù cuộc phiêu lưu tiền bạc của nhà tỉ phú Abramovich không có dấu hiệu gì cho thấy là sẽ dừng lại. Điều đó hứa hẹn một cơn lốc mới sẽ cuốn lên trên sân cỏ nước Anh và sân cỏ châu Âu vào năm tới, lần này có thể sẽ kinh hoàng hơn rất nhiều.

2. Ở trận lượt đi Chelsea - Liverpool, lần đầu tiên tôi nhìn thấy vẻ bất lực in trên gương mặt Mourinho - một gương mặt như được sinh ra không phải để đón nhận thất bại. Trận lượt về còn tệ hơn, bên cạnh sự bất lực là nỗi tuyệt vọng. Ánh mắt Mourinho lúc đứng lặng lẽ bên đường biên nhìn các học trò mình chiến đấu trong vô vọng giống như ánh mắt vị thuyền trưởng nhìn con tàu của mình đang chìm dần trong đại dương mà không có cách nào cứu vãn. Mourinho không khóc. Nhưng gương mặt ông se thắt đến mức tưởng có thể sờ thấy nỗi đau trên từng vết hằn quanh khóe mắt.

Người Anh hầu hết không ưa Mourinho. Không ưa Chelsea. Không ưa Abramovich. Nên chắc sẽ có nhiều người khoái trá khi thấy vẻ kiêu ngạo trên mặt Mourinho bị Liverpool chùi mất trong ngày hôm đó. Nhưng người ta quên rằng Mourinho đã làm được cho bóng đá Anh rất nhiều.

Những cầu thủ Anh thường thường bậc trung khi vào tay Mourinho đã nhanh chóng trở thành những tên tuổi lớn. Ông không ngừng đem lại những giá trị mới cho các viên ngọc thô. Chelsea không chiêu mộ siêu sao. Bằng tài năng huấn luyện độc đáo, Mourinho tự thắp lên “dải ngân hà” cho Chelsea.

Với Terry, lần đầu tiên sau 4 năm ở Premier League một cầu thủ nội địa được tôn vinh là cầu thủ xuất sắc nhất trong năm, qua mặt cả các siêu sao nước ngoài như Henry, Nistelrooy. Thậm chí người đứng thứ nhì sau Terry cũng là một cầu thủ do ông đào luyện: Frank Lampard. Chưa kể, với Joe Cole không ngừng trưởng thành, Mourinho đã giải quyết hộ cho đội tuyển Anh điểm yếu cốt tử xưa nay: vị trí tiền vệ trái.

Ông Sven-Goran Ericksson, HLV tuyển Anh, người “ngồi mát ăn bát vàng”, từng rối rít cảm ơn HLV Mourinho về những cầu thủ nội địa siêu hạng mà huấn luyện viên này cung cấp. Với sự bổ sung các tuyển thủ thuộc “hàng Chelsea chất lượng cao”, các chuyên gia bóng đá thế giới nhận xét chưa bao giờ đội tuyển Anh có một đội mình mạnh mẽ và cân bằng đến vậy và người Anh đã bắt đầu hào hứng mơ đến chức vô địch World Cup 2006.

Vì vậy dù không ưa những đồng rúp lạnh tanh của Abramovich đến mấy, dù ghét bộ mặt lạnh lùng của Mourinho đến đâu, có lẽ các tín đồ túc cầu giáo xứ sương mù cũng không nên lạnh lẽo với những gì mà Chelsea đã làm cho bóng đá Anh. Không có củi lửa của Chelsea, họ lấy gì để đốt lên những khát khao nồng nàn về một mùa World Cup?

3. Thế là chiến hạm của ông Benitez đã rời cảng Liverpool để thẳng tiến đến trận chung kết Champions League đúng 20 năm sau sự cố Heysel - một cơ hội phải nói là quá đẹp để làm mới lại hình ảnh của đội bóng từng nổi tiếng về thành tích quốc tế lẫn đội ngũ hooligan siêu quậy.

Có lẽ người dân Liverpool đã khóc ròng trong cái đêm đoàn quân của họ đá bại Chelsea để chính thức lọt vào trận chung kết ở Istanbul. Hai mươi năm, một quãng thời gian quá lâu để viết tiếp thiên anh hùng ca dang dở nhưng khi lịch sử bất ngờ quay lại, ánh hào quang năm xưa lạ thay vẫn tươi mới như ngày nào trong mắt người dân thành Liverpool.

Và khi họ đã cùng nắm tay nhau cất lên khúc hát truyền thống You’ll never walk alone - Các bạn sẽ không bao giờ đơn độc trên đường để tụng ca những đứa con cưng của mình thì AC Milan phải coi chừng. Lúc đó, Liverpool rất giống người khổng lồ thức giấc... 

CHU ĐÌNH NGẠN

Tin cùng chuyên mục