"Người cũ" có cái hay khi họ là những gương mặt được mong đợi. Các ứng cử viên cho vị trí chủ chốt VFF nhiệm kỳ tới cũng toàn “người cũ”. Nhưng họ có được mong đợi không, e rằng điều này khó bởi những gì họ đã làm trong vai trò của mình ở nhiệm kỳ hiện tại.
Nếu không có đột biến phút chót (mà điều này khó xảy ra), vị trí Chủ tịch VFF chỉ có mỗi “người cũ” Lê Hùng Dũng, tổng thư ký khó thoát khỏi tay “người cũ” Trần Quốc Tuấn, và vị trí phó chủ tịch phụ trách tài chính được xác định thuộc về người… vừa mới vừa cũ Đoàn Nguyên Đức. Kể từ khi Bộ VH-TT-DL không còn quyết tâm cử người của bộ tham gia ứng cử chủ tịch VFF thì gần như ông Lê Hùng Dũng “một mình một ngựa”.
Sau thương vụ đưa Arsenal đến Việt Nam, rồi tổ chức thành công Giải bóng đá U.19 quốc tế, uy tín ông Dũng ngày càng cao hơn. Cùng với bầu Đức, ông Dũng tạo thành bộ đôi hỗ trợ nhau khá hiệu quả ở nhiều khía cạnh, nhất là về mặt truyền thông.
Nhưng nên nhớ, mọi việc đều có quá trình của nó. Mấy nhiệm kỳ qua, VFF luôn bị dư luận chỉ trích vì tổ chức, điều hành yếu kém, khiến cho nền bóng đá ngày càng đi xuống. Là một trong những tổ chức xã hội được nhà nước tạo điều kiện tốt, được dư luận hết sức quan tâm, thu hút được nhiều nguồn lực xã hội, được FIFA hỗ trợ kinh phí và công tác đào tạo, quản lý…
Vậy nhưng, những gì mà VFF mang lại gần đây chiếm phần nhiều là sự thất vọng. Hẳn nhiên, trách nhiệm này là của cả ban chấp hành VFF, của các cá nhân từng thành viên. Vậy, những “người cũ” ở VFF chuẩn bị nhận nhiệm vụ khóa mới đã thể hiện trách nhiệm của mình đến đâu, hay tiếp tục điệp khúc “thất bại là của người khác, thành công mới là của tôi”?
Nếu họ là những người thực sự giỏi, khẳng khái, dám làm dám chịu thì nền bóng đá nước nhà đâu đến nỗi như hiện nay. Nếu như vị trí chủ tịch chịu trách nhiệm chính thì các phó chủ tịch và các thành viên VFF và cả VPF cũng phải chịu trách nhiệm theo từng vị trí của mình. Nên nhớ, bộ máy VFF có đầy đủ ban bệ, từ phụ trách chuyên môn, tài chính, tài trợ cho đến truyền thông.
Vậy mà, chưa thấy vị phụ trách chuyên môn nói gì về vai trò của mình trong việc… chuyên môn, chất lượng bóng đá đi xuống; phụ trách truyền thông thì gần như đóng cửa thông tin, tăng cường họp kín. Còn với khía cạnh tài chính, đã từng có tuyên bố hùng hồn “nếu không là tôi thì đố ai làm tài chính tốt hơn”, nhưng nhiều người nắm rõ nội tình lo lắng rằng nếu trong thời gian ngắn tới không còn ngân hàng đứng sau thì vị đưa ra tuyên bố này sẽ “lạnh lưng” ngay.
Trớ trêu thay, những “người cũ” luôn im lặng và dửng dưng trước trách nhiệm trong nhiệm kỳ hiện tại lại đang chuẩn bị đảm nhận vai trò lớn hơn, quan trọng hơn. Liệu có hy vọng nhiều về sự thay đổi trong điều hành để thúc đẩy phát triển nền bóng đá nước nhà trong nhiệm kỳ VFF mới? Có thể hy vọng, nếu những “người cũ” nhận thức đúng mức trách nhiệm của mình để đề ra cách làm mới hơn, vì cái chung hơn. Nếu không, mọi việc sẽ sớm quay về vết xe cũ.
PHƯƠNG NAM
Các tin, bài viết khác
-
Niềm hạnh phúc của người thầy và giọt mồ hôi cô học trò
-
Giọt nước mắt nỗ lực!
-
Bài kiểm tra… bất đắc dĩ
-
Nỗi niềm bóng ném bãi biển
-
Đường dài cho các tài năng
-
Giải vô địch U23 Đông Nam Á: Hành trình kỳ lạ của U23 Việt Nam
-
Khát vọng dấn thân của U23 Việt Nam
-
Vườn ươm tài năng cho bóng đá nữ TPHCM
-
Giọt nước mắt của Bích Thùy và nụ hôn của mẹ
-
Thủ quân Huỳnh Như: ‘Lúc này chúng tôi mới thực sự ăn Tết’