Dị ứng có thể tạm diễn giải như một loại phản ứng quái dị của cơ thể khi nhận diện bất cứ vật gì xem như lạ thường, bất thường. Ngoại vật có thể là hóa chất, độc chất, thực phẩm, dược phẩm, vi khuẩn, siêu vi, nấm mốc, thậm chí một cảm xúc bất ngờ. Nếu là chất quen mặt, chất đã nhiều lần được cơ thể dung nạp dễ dàng thì chín bỏ làm mười. Ngược lại, trúng sai chưa biết, nếu thành phần “cảnh sát trong cơ thể” xem khách lạ như món bất lợi cho mình thì sẽ tìm cách vô hiệu hóa chất - “bệnh nguyên”, bằng cách huy động bạch cầu bao vây, tập trung thực bào để phá hủy và nhất là tổng hợp kháng thể để trung hòa kẻ phá bĩnh. Phản ứng này nếu êm xuôi thì gia chủ ăn ngon ngủ yên. Kẹt chính ở điểm không hẳn lúc nào cũng phản ứng đúng. Phản ứng nếu trật chìa sẽ có một số tác chất được sản sinh ngoài ý muốn, gây đau nhức, ngứa ngáy, phù nề… cho gia chủ. Khi đó xảy ra hiện tượng dị ứng dưới nhiều thể dạng từ nhẹ như nổi mề đay sang nặng như hen suyễn chỉ vì cơ thể hoặc phản ứng theo kiểu ù lì, hoặc nhanh nhảu… đoảng.
Một trong các chất được xem như tiêu biểu của hiện tượng dị ứng là Histamine. Chất này sở trường về gây ngứa, gây viêm, gây phù. Dấu hiệu điển hình của dị ứng vì thế là nổi mẩn ngoài da và ngứa ngáy vô cùng. Do vậy, phần lớn thuốc chống dị ứng dựa trên tác dụng ức chế Histamine. Trung hòa được chất này, nạn nhân hết viêm da, hết đau khớp, hết ngứa. Thuốc chống dị ứng ngày xưa có điểm bất lợi là dễ gây buồn ngủ đến độ người dùng thuốc không thể làm việc, điều khiển xe… Thuốc chống dị ứng hiện nay tốt hơn nhiều với nhiều loại giải quyết cơn ngứa nhanh chóng mà không gây buồn ngủ. Dùng thuốc chống dị ứng tuy chỉ là giải pháp chữa cháy cầm canh vì nguyên nhân vẫn còn đâu đó nhưng thà có hơn không vì mấy ai sống vui nếu ngứa ngáy cả ngày lẫn đêm.
Éo le chính ở điểm không thiếu người hiện nay là nạn nhân của tình trạng ngứa ngoài da, ngứa mắt, ngứa trong ống tai, ngứa vùng cơ quan sinh dục nhưng dùng thuốc chống dị ứng cứ như không. Thay vì cơn ngứa xuất hiện rõ ràng khi tiếp xúc với bệnh nguyên, nhiều nạn nhân ngứa khi bất chợt mỗi lần cảm xúc, mỗi khi đổ mồ hôi, mỗi lần gặp khác biệt về nhiệt độ - sau khi tắm nước nóng, khi ra vào phòng máy lạnh. Ngứa trong trường hợp này, khác với ngứa do dị ứng thực phẩm hay hóa chất, thường không phát tán toàn thân mà chỉ khu trú ở đầu, lòng bàn tay, lưng, háng…, nhưng hễ ngứa thì gãi không kịp, miết không xuể.
Chuyện gì cũng có lý do. Các nhà nghiên cứu về bệnh lý do stress ở Munich, CHLB Đức, đã phát hiện nguyên nhân của hội chứng mang tên “dị ứng giả” là do cơ thể thiếu 2 khoáng tố cần thiết để ổn định dẫn truyền thần kinh ngoài da. Đó là Canxi và Kẽm! Thiếu 2 khoáng tố này thì cảm thụ thần kinh dưới da trở nên nhạy cảm khi có kích ứng từ cảm xúc, nhiệt độ, mồ hôi. Dùng thuốc chống dị ứng tất nhiên không hiệu quả như mong muốn nếu như không bổ sung Canxi và Kẽm. Đây lại là 2 khoáng tố dễ hao hụt ở người chơi thể thao. Bổ sung Canxi và Kẽm sau giờ tập vì thế là biện pháp chống ngứa ở người sau khi rời thao trường bỗng thèm… gãi.

Ngũ cốc cũng là thực phẩm chứa nhiều canxi
Góc tư vấn của bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Các tin, bài viết khác
-
Công ty Đại Đông Hồ tiếp tục chương trình thiện nguyện hướng về miền Trung
-
Giải bóng đá Kết nối Nhà trường – Doanh nghiệp – Sở Ban Ngành năm 2021
-
Từ 'huyền thoại giày chạy' tới 'biểu tượng khai phóng năng lượng'
-
Gala Sút 2020: Ngày hội của bóng đá trẻ Việt Nam
-
Cuộc thi Bông lúa vàng 2020 'Tỏa sáng tài năng cải lương': Người đẹp Bình Dương toả sáng
-
Phong cách sống #BFB: Built for Brilliance cùng ZenBook Flip Series
-
Samsung ra mắt Galaxy A12 và A02s có 4 camera ưu việt, dung lượng pin vượt trội
-
Viettel cung cấp dịch vụ 5G tại thành phố Thủ Đức
-
Ford tôn vinh sức mạnh và lối sống “chất” của chủ xe Ranger
-
Điểm nhấn tinh tế trong bộ sưu tập Manchester United mới của Kohler