
Đúng ở cái ngày dành cho mình, trên đất Đài Loan, 23 tuyển thủ nữ Việt Nam quần quật với Cao đẳng Lsing Wu - trận đấu tập đầu tiên trên đất bạn chuẩn bị cho vòng loại Olympic London 2012. Trong ngày cả thế giới tôn vinh phụ nữ, có bông hoa hồng nào dành cho những nữ cầu thủ của chúng ta?
- NHÌN ĐÂU CŨNG THẤY THIỆT
Thường thì ở ngày 8-3, người phụ nữ nào cũng có quà. Nhưng đối với cầu thủ nữ Việt Nam, cái điều thường tình này lại là thứ xa xỉ. Từ Đài Loan, trợ lý Nguyễn Thị Bích Hạnh cười vang bảo rằng, đừng có bất ngờ khi đội tuyển vẫn miệt mài thi đấu vào ngày này bởi đối với cầu thủ nữ, 8-3 cũng chỉ là một ngày như mọi ngày mà thôi. Sự khác biệt, có chăng là buổi tiệc ngọt nhẹ vào buổi tối.
Để kỷ niệm ngày dành cho mình, họ phải tự chúc nhau. Không chỉ những tuyển thủ nữ đang xa nhà, với các CLB như Hà Nội, Than Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam… cũng đang trong cữ tập nặng và hầu như không ai được nhận hoa hồng bởi nói như cựu tuyển thủ Văn Thị Thanh thì hầu hết học trò của cô ở đội Hà Nam đều chưa có người yêu. Ngay như ở tuyển Việt Nam, số người có bạn trai rất ít, hầu hết vẫn là “lính phòng không”.

Chiến đấu hết mình vì vinh quang của bóng đá Việt Nam, nhưng đâu phải lúc nào, các cầu thủ nữ cũng được nở nụ cười như thế này.
Dấn thân vào nghiệp “quần đùi, áo số”, các cô gái đá bóng Việt Nam thiệt thòi đủ đường. Cái thiệt thòi dễ thấy nhất là nhan sắc. Mưa dầm hay nắng gió vẫn quần quật tập luyện đến nám cả da mặt, tóc tai khô xác xơ…
|
Một cầu thủ trẻ của đội Hà Nội từng tâm sự rất thật rằng, đi đá bóng, cô sợ nhất là… ế bởi cứ đà tập luyện thế này, sẽ chẳng chàng trai nào chịu để ý đến cô. Nghe mà thương!
Hy sinh nhan sắc, nhưng những gì mà cầu thủ nữ nhận được chưa hề tương xứng. Cỡ những đội mạnh như TPHCM, Hà Nội hay Than Quảng Ninh, mức lương mà cầu thủ nữ nhận được còn dao động từ 2-3 triệu đồng mỗi tháng.
Nhưng với những đội bóng nghèo như Hà Nam hay Thái Nguyên, người cao chưa tới 2 triệu đồng, người thấp thì vài trăm ngàn và với những người trẻ, họ tập không công?!
- TƯƠNG LAI NÀO CHO EM?
Cả đời đá bóng có khi chẳng nhận được bông hồng nào nhưng với các cầu thủ nữ, chuyện đó đã thành quen. Thiệt thòi đủ đường, hy sinh đủ thứ, hạnh phúc mà họ chờ đợi nhất ngoài một mái ấm gia đình là một công việc ổn định.
Nguyễn Thị Bích Hạnh, Nguyễn Thị Kim Hồng, Nguyễn Thúy Nga - 3 thành viên chủ chốt của tuyển nữ ngày nào giờ đã có công việc tốt. Nga và Hạnh là chuyên viên VFF, Kim Hồng nằm trong BHL TPHCM và là trợ lý đắc lực của HLV Trần Vân Phát. Lưu Ngọc Mai, tiền đạo số 1 ngày nào giờ đã là một trong những trọng tài nữ tốt nhất Việt Nam. Đồng trang lứa với những cái tên này, tiền vệ Hiền Lương là chuyên viên bộ môn bóng đá Tổng cục TDTT, Nguyễn Thị Hà làm trọng tài phong trào, Hồng Phúc, Phùng Thị Minh Nguyệt… đang sắm vai những cô giáo trường làng.

Theo đuổi nghiệp “quần đùi, áo số”, các tuyển thủ nữ như Nguyễn Thị Nga (7) vẫn luôn chịu thiệt thòi.
Kim Chi hiện cũng được cơ cấu vào BHL đội nữ TPHCM, Ngọc Châm làm trợ lý cho HLV Giả Quảng Thác ở đội Hà Nội, Văn Thị Thanh là HLV đội U19 Hà Nam, Bùi Tuyết Mai đang là bà chủ của 2 quán karaoke lớn đất Hà thành…
Nhưng không phải ai cũng có cái kết đẹp như những cái tên kể trên. Tiền vệ Quách Thanh Mai - người từng vô địch SEA Games 22, sau khi giải nghệ đã phải phụ cha và anh sửa xe máy một thời gian rất dài vì không xin được việc. Ở đội tuyển nữ TPHCM, đã có những thành viên phải tranh thủ đi bán bánh mỳ, bún bò để có thêm thu nhập.
Theo con số từ VFF, bóng đá nữ Việt Nam có hơn 200 cầu thủ. Trong số ấy, có ai nhận được hoa hồng trong ngày 8-3? Trong số ấy có bao nhiêu người có được công việc tốt khi giải nghệ?
Tường Khôi