Ngày mai, Novak Djokovic xung trận săn “Golden Slam” còn Medvedev đấu Bublik

Sáng mai, thứ Bảy 24-7, bắt đầu từ lúc 9 giờ, các trận đấu đầu tiên của môn quần vợt tại kỳ giải Olympic Tokyo 2020 sẽ chính thức khởi tranh ở Đấu trường Ariake (Koto - Tokyo). Các tay vợt đáng chú ý như là Daniil Medvedev (Nga), Aslan Karatsev (cũng của Nga), Fabio Fognini (Ý) sẽ đồng loạt xuất quân. Đầu giờ chiều, Novak Djokovic cũng sẽ xung trận, bắt đầu cho chiến dịch săn “Vàng”, và săn cả “Golden Slam” của mình.

Novak Djokovic đang tích cực tập luyện ở 'Đấu trường Ariake
Novak Djokovic đang tích cực tập luyện ở 'Đấu trường Ariake

Djokovic sẽ đấu với Hugo Dellien Jr. (Bolivia, hạng 139 thế giới). Dellien không phải là một đối thủ lớn, không thể là “đối trọng” đáng kể dành cho “Nhà Vua ATP”. Trong sự nghiệp của mình, lặn lộn ở ATP Tour suốt từ năm 2009 đến nay, Dellien hầu như không tạo ra được dấu ấn gì đặc biệt, ngoại trừ lần leo lên “thứ hạng cao nhất” - là hạng 72 thế giới (hồi tháng Giêng năm 2020). Tuy vậy, Dellien lại là một tay vợt gạo cội ở đấu trường Davis Cup (từng chơi 36 trận cho Đội tuyển Bolivia) và rất rành thể thức thi đấu tập trung đội tuyển.

Tất nhiên, Djokovic sẽ thắng dễ dàng, khi đấu với một tay vợt kém tiếng đến từ một làng quần vợt "kém danh" (ở Nam Mỹ, Bolivia chỉ là một làng quần vợt nhỏ và yếu, thua xa những Chile - Brazil - hay là Argentina…). Chướng ngại thật sự của anh, có thể chỉ xuất hiện từ vòng 3, nơi anh có khả năng đối đầu với Next Gen người Ý là Lorenzo Musetti, người anh mới đánh bại ở vòng 4 của Roland Garros hồi tháng 6, trong trận đấu anh đã “chấp trước” 2 loạt tie-break ở 2 ván mở màn, thắng ngược 3 ván còn lại, thắng chung cuộc 3-2.

Ngày mai, Novak Djokovic xung trận săn “Golden Slam” còn Medvedev đấu Bublik ảnh 1 Dellien không phải đối trọng thật sự của Djokovic
Và nếu không có gì thay đổi, anh sẽ đấu với một trong các “Tay súng trẻ người Nga” - Andrey Rublev (nhưng lại đại diện chi Ủy ban Olympic Nga - ROC) ở tứ kết. Ở bán kết, đối thủ của tay vợt đương kim số 1 thế giới người Serbia có thể là 1 trong 2 người sau: Alexander Zverev (đối thủ trẻ người Đức gốc Nga), hoặc là Hubert Hurkazc (Ba Lan). Còn ở chung kết, rất có thể anh sẽ tái ngộ Medvedev, người anh từng “hủy diệt” sau vỏn vẹn 3 ván đấu trong trận chung kết đơn nam thế một chiều - ở Australian Open hồi đầu mùa giải này…

Djokovic đã chia sẻ trong buổi họp báo mới đây: “Được đại diện cho đất nước của mình, là một phần của đội tuyển tại Olympic, là thứ gì đó mà tôi luôn trân trọng, là điều khích lệ bản thân tôi, mang lại cho tôi nhiều sự tự tin và nhiều năng lượng. Ngay cả cho dù cá nhân mình đang đứng trên sân đấu, tôi vẫn cảm thấy tinh thần đồng đội ở đó, vẫn cảm thấy được sự ủng hộ của tất cả đồng đội và mọi người có liên quan đến đội tuyển Serbia. Điều đó mang lại cho bạn đôi cánh để trình diễn với khả năng tốt nhất, và cố đạt đến đỉnh cao nhất!”.

“Tôi hiện đang cảm thấy rất tuyệt vời. Về mặt thể lực, và cả tâm lý, tôi sẵn sàng trình diễn bản thân ở đẳng cấp cao nhất. Tôi cho rằng, đây là mùa giải Grand Slam hay nhất trong sự nghiệp của tôi, tính đến thời điểm này, khi đã thắng 3/4 danh hiệu Grand Slam của mùa giải. Vì thế, tôi không thể có một sự chuẩn bị nào tốt hơn thế này để đến với kỳ Olympic Games tại Tokyo ngay trong năm nay. Hy vọng rằng, tôi sẽ lại có một giải đấu tuyệt vời khác nữa”, Djokovic tự tin chia sẻ khi đang chuẩn bị tham dự kỳ Thế vận hội lần thứ 4 liên tiếp.

Ngày mai, Novak Djokovic xung trận săn “Golden Slam” còn Medvedev đấu Bublik ảnh 2 Djokovic tự hào khi được đại diện cho màu áo Serbia
Dù được cho là sẽ săn đuổi cú “Golden Slam” đầu tiên kể từ thời của Steffi Graf (hiện là “phu nhân” của Andre Agassi) ở Olympic Seoul 1988, nhưng Djokovic lại tỏ ra “hơi thận trọng” khi nói về chuyện này: “Vẫn còn cả một chặng đường dài để đi đến muốn đạt đến thành tích tiềm năng - một cột mốc lịch sử. Tôi đã tự đặt bản thân mình vào một vị thế rất tốt để chạy đua, nhưng tôi sẽ tiếp nhận mọi thứ thật chậm rãi và thận trọng, mỗi lần chỉ tập trung vào một thử thách trước mắt, cho đến khi vượt qua và tiếp cận được thử thách tiếp theo”.

“Đây mới là cách tiếp cận cần thiết với tôi, vì trong quá khứ, có lẽ tôi không có đủ trải nghiệm với cách tiếp cận này và do vậy, đã gặp những phản tác dụng. Tôi bắt đầu cảm thấy có rất nhiều xao nhãng và phiền phức ở xung quanh mình và điều đó có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của màn trình diễn. Tôi biết nhiều thứ đang ở trên lộ trình, lịch sử cũng đang ở trên lộ trình, và tôi có đặc ân, có động lực khi có được vị thế này. Tôi đã làm việc cật lực để đạt được cái vị thế của ngày hôm nay, đương nhiên cùng với cả đội hỗ trợ của tôi, nhưng hãy nói về câu chuyện lịch sử sau, khi mà, hay nếu như mọi thứ đều tiến triển thật tốt đẹp…”.

Djokovic cũng có chia sẻ về “tiền bối đàn chị” Graf, người anh nỗ lực kế thừa di sản “Golden Slam”: “Tôi đã từng làm việc với chồng chị ấy, anh Andre Agassi, hồi vài năm về trước và tôi cũng có trải qua chút thời gian với Steffi. Tôi dành sự tôn trọng và ngưỡng mộ tối đa cho Steffi, cùng tất cả những gì mà chị ấy đã đạt được trong sự nghiệp của mình, cũng như những dấu ấn mà chị ấy để lại trong quần vợt. Khi nghĩ về những thành tích tối thượng mà chị ấy có, tôi không nghĩ sẽ là như vậy, tôi không muốn nói là có thể đạt được, nhưng vẫn có một cơ hội mảnh mai rằng ai đó sẽ tái tạo dựng nên. Giờ đây, nó trở nên thực tế hơn”.

Ngày mai, Novak Djokovic xung trận săn “Golden Slam” còn Medvedev đấu Bublik ảnh 3 Djokovic từng làm việc với Agassi
Sau khi Djokovic đăng quang ngôi vô địch ở Wimbledon và cũng đã cân bằng kỷ lục sở hữu 20 Grand Slam cùng với Roger Federer và Rafael Nadal, ai cũng nghĩ anh sẽ đến Tokyo để săn tấm HCV đơn nam mà anh vẫn còn thiếu. Dù vậy, có đôi chút nghi ngại khi Federer rút lui, nhiều tay vợt rút lui, và Olympic càng trở nên ảm đạm khi không có khán giả. Djokovic nói: “Tôi có chút tiến thoái lưỡng nan, nhưng tôi tôi quyết định đến Olympic. Tôi hiện rất vui vì vẫn có nhiều thứ tươi đẹp và hay ho về Olympic. Vì thế, tôi sẽ cố gắng tập trung vào những thứ có thể mang lại cho tôi nguồn cảm hứng để có thể thi đấu với phong độ tốt nhất”.

Trước đó, “Niềm hy vọng Vàng” của làng quần vợt Nga - tay vợt Medvedev, cũng sẽ có trận đấu đầu tiên ở đấu trường Thế vận hội, chống lại tay vợt đồng hương nhưng lại đang đại diện cho làng quần vợt của Kazakhstan - là Alexander Bublik (hiện xếp hạng 40 thế giới). Trong quá khứ, Đương kim Á quân của Australian Open từng có chia sẻ, anh thông cảm cho những quyết định chuyển thi đấu từ Nga sang Kazakhstan với những người như Bublik, vì Liên đoàn quần vợt Nga không chăm sóc đủ cho rất nhiều tay vợt tài năng nước nhà. Dù vậy, anh không bao giờ lựa chọn đầu quân cho quốc gia khác, mãi mãi thi đấu vì nước Nga.

Giờ đây, Medvedev đang có cơ hội giành vinh quang cho nước nhà, săn đuổi tấm huy chương Olympic, thậm chí đặt mục tiêu trở thành tay vợt thứ 2 giành HCV quần vợt đơn nam, sau “tiền bối” Yevgeny Kafelnikov. Trong quá khứ, Medvedev từng chạm mặt Bublik 2 lần và đều giành được chiến thắng. Anh đánh bại đối thủ quê ở Gatchina (vốn là Trung tâm hành chính của Quận Gatchinsky, thuộc Chủ thể Liên bang Leningrad) 6-4, 6-0 ở vòng 16 giải St Petersburg Open hồi 2016; thắng 6-3, 6-3 7-5 ở vòng 1 của Roland Garros năm nay…

Ngày mai, Novak Djokovic xung trận săn “Golden Slam” còn Medvedev đấu Bublik ảnh 4 Medvedec sẽ giành vinh quang cho nước Nga

Tin cùng chuyên mục