Ngày Lee Nguyễn đối mặt với Kiatisak

Hơn 10 năm trước, họ là thầy – trò của nhau ở đội HA.GL. Sau đó mỗi người rẽ theo một hướng, vậy mà khi gặp lại, họ vẫn là tâm điểm của V-League. Kiatisak – Lee Nguyễn là một trong những câu chuyện thú vị nhất của giải đấu này.

Lee Nguyễn sẽ có chuyến làm khách thú vị ở sân Pleiku chiều nay.
Lee Nguyễn sẽ có chuyến làm khách thú vị ở sân Pleiku chiều nay.

Nếu Kiatisak là ngôi sao bóng đá quốc tế đầu tiên đến với V-League, thì Lee Nguyễn lại là cầu thủ có đẳng cấp cao nhất từng chơi bóng ít nhất một mùa giải tại Việt Nam (không tính Denilson sang Hải Phòng trước đó và chỉ đá 2 trận). Ngày Kiatisak đến, V-League chỉ mới ra đời, trong khi thời điểm mà Lee Nguyễn chơi bóng thì V-League đang ở trong tốp 50 giải đấu hay nhất hành tinh theo xếp hạng của Liên đoàn thống kê thế giới.

Rất tiếc là cả 2 đã không thể hòa hợp với nhau tại HA.GL. Điều đó cũng không quá bất ngờ. Lee Nguyễn đến khi Kaitisak chỉ vừa giải nghệ và chuyển sang cầm sa bàn chỉ đạo thi đấu. Hào quang của :Sắc” còn quá lớn và Lee Nguyễn không thể trở thành nhân vật số 1 tại phố Núi ở thời điểm đó mặc dù xét về danh tiếng cũng như đẳng cấp chơi bóng thì Lee Nguyễn xứng đáng có tiếng nói quan trọng. Bầu Đức đành phải để Lee Nguyễn ra đi chỉ sau 2 mùa giải. Kiatisak cũng rời HA.GL gần như ngay sau đó vì bộc lộ những non nớt trong nghề HLV.

Thật trùng hợp là dù thất bại trong cùng thời điểm nhưng con đường của Lee Nguyễn và Kiatisak lại có thăng hoa. Năm 2012 trở lại Mỹ, thì đến năm 2014, Lee Nguyễn được chọn vào đội hình xuất sắc của giải nhà nghề MLS khi tỏa sáng trong màu áo New England Revolution. Cùng lúc đó, ở Thái Lan, Kiatisak tỏa sáng rực rỡ trên cương vị HLV đội tuyển quốc gia, ông vô địch AFF Cup 2014. Quãng thời gian thành công của họ kéo dài đến năm 2018, trước khi bắt đầu có dấu hiệu chững lại về nghệ nghiệp. Năm 2021, Kiatisak và Lee Nguyễn lại cùng lúc trở lại với V-League.

Sự nghiệp của họ, dù chủ yếu mang màu sắc cá nhân, nhưng ít nhiều cũng để lại cho bóng đá Việt Nam những câu chuyện đáng nghiền ngẫm. Ví dụ như Lee nguyễn, anh thử sức ở V-League rồi thất bại, tưởng là chôn vùi sự nghiệp nhưng bằng nỗ lực cá nhân, cầu thủ sinh năm 1986 vẫn tìm lại được cảm hứng chơi bóng để đưa mình lên một tầm cao mới. Ở góc độ hình thể, Lee Nguyễn không khác gì các đồng hương của mình, nhưng sự nghiệp của anh lại kéo dài gần 15 năm, và hiện vẫn chơi thứ bóng đá vượt trội ở tuổi 34. Trong khi đó, với Kiatisak, so với những cầu thủ Việt Nam cùng thời thì rõ ràng, thành tích khi cầm quân của anh hoành tráng hơn. Cho đến nay, chưa có một cầu thủ nào thuộc lứa “Thế hệ vàng 1995” của Việt Nam trở thành HLV của đội tuyển quốc gia mặc dù cũng đã có những thành công nhất định ở CLB.

Cái cách mà Kiatisak lẫn Lee Nguyễn tạo ra sự khác biệt trong sự nghiệp của mình đều không có yếu tố may mắn nào cả. Tất cả đều xuất phát từ nền tảng chuyên nghiệp mà họ từng có trước khi đến làm việc ở V-League. Chính phẩm chất chuyên nghiệp ấy là điều mà bóng đá Việt Nam cần có cho môi trường bóng đá hiện nay.

Tin cùng chuyên mục