Nga loại Tây Ban Nha bằng loạt sút luân lưu: Trận Moskva lịch sử!

Trước trận đấu tại SVĐ Luzhniki ở Moskva, tuyển Nga chưa bao giờ thắng Tây Ban Nha. Trước World Cup 2018, kể từ thời Liên Xô cũ lọt đến vòng 1/8 tại Mexico 1986 trước khi dừng bước trước Bỉ, Nga – kẻ thừa kế làng bóng Liên Xô – cũng chưa từng vượt qua vòng bảng ở giải VĐTG. Do vậy, họ cũng chưa từng ghi bàn ở vòng đấu play-off. Vì thế, trận đấu tại Moskva, là cột mốc lịch sử đáng nhớ, như trận chiến lịch sử hồi 77 năm về trước…
Tuyển Nga - đoàn quân chiến thắng trong màu áo trắng
Tuyển Nga - đoàn quân chiến thắng trong màu áo trắng

Trận Moskva ngày ấy, trận Moskva bây giờ

Ngày 2-10-1941, người Đức với ưu thế áp đảo về quân số, vũ khí – khí tài, tinh thần chiến đấu và cả tình hình chiến trận, đã phát động trận tấn công hòng chiếm lĩnh thủ đô Moskva của Liên Xô với tham vọng sớm đánh sụm lực lượng Hồng quân đang bố phòng và bảo vệ thành phố này, chiếm lấy trái tim của đất nước Liên Xô và đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực phản công chống lại cuộc xâm lược phi nghĩa. Đây là trận chiến được Hitler kỳ vọng rất cao trong cuộc xâm lược nhắm vào Liên Xô với hy vọng, quật đổ được Liên Xô sẽ quật đổ được toàn châu Âu và nhanh chóng ổn định tình hình, chĩa mũi dùi sang các châu lục khác.

Ở thời điểm đó, nếu đánh mất Moskva vào tay người Đức, Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Hồng quân và nhân dân Liên Xô xem như sẽ phải nhận một đòn giáng mạnh mẽ, khó có thể phục hồi. Đó là lý do, Stalin ra lệnh tử thủ Moskva, không được để thành phố rơi vào tay quân thù. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, lực lượng phòng vệ Moskva và tạo ra một thế trận phòng thủ tuyệt vời, chịu đựng tất cả mọi đợt tấn công của quân thù trước khi tung ra những đòn phản kích gây thiệt hệ nặng nề cho đối phương và dần dần, lật ngược tình thế, mang về chiến thắng và gây ra bước ngoặt rõ ràng cho Chiến tranh thế giới thứ II.

Trận đấu tại sân Luzhniki cũng mang nhiều nét tương đồng, khi đoàn quân áo trắng của “tướng quân” Stanislav Cherchesov liên tục bị đối thủ mạnh hơn nhiều mặt dồn ép từ đầu cho đến tận cuối của trận đấu. Họ đã bị thủng lưới trước – sau pha đá phản lưới nhà của “lão chiến binh” Sergei Ignashevich trong pha kèm cặp khá ngớ ngẩn “đội trưởng đội cận vệ” của đối phương là Sergio Ramos. Nhưng sau đó, họ vẫn có thể gỡ hòa, nhờ “cú bắn tỉa” chính xác của “chiếc xe tăng T-90”, hay “chiến binh thực thụ” Artem Dzyuba, để đưa thế trận quay lại vạch xuất phát ở khu giữa sân.

Đến hiệp đấu thứ 2, đoàn quân Tây Ban Nha trong màu áo đỏ vẫn tiếp tục dồn ép tấn công, gây ra thế áp đảo khủng khiếp về phía “đại bản doanh” của “đội trưởng đội cận vệ” Igor Akinfeev. Nhưng ở thế “sau lưng Moskva không còn đất nữa”, các chiến binh Nga đã chiến đấu kiên cường, quyết “tử thủ đến cùng” trước sức công phá mãnh liệt. Họ đã đứng vững, không chỉ trong 45 phút hiệp 2, mà còn trong 30 phút hiệp phụ, để đưa chiến cuộc đến loạt “đấu súng” định mệnh ở vạch 11 mét.

Ở đây, những chiến sĩ áo trắng kiêu hùng như “tay súng bắn tỉa số 1” Fyodor Somlov, “lão chiến binh” Ignashevich, “chàng chiến binh marathon trẻ trung” Alekdandr Golovin, “chiến sĩ từ trên trời rơi xuống” Denis Cheryshev, cùng với “đội trưởng đội cận vệ” Akinfeev đã hoàn tất sứ mệnh của mình, kẻ thực hiện “những phát bắn chính xác”, người hóa giải những cú bắn của đối phương, góp phần giúp “các chiến sĩ Nga” đánh bại “đoàn quân” Tây Ban Nha và giành được chiến thắng cuối cùng, đưa chiến dịch World Cup 2018 tại quê nhà… lật sang một trang sử mới.

Sau “trận Moskva lịch sử”, tuyển Nga đã lọt đến tứ kết của World Cup lần đầu tiên trong lịch sử phát triển bóng đá nước này (nếu tính việc “thế chân” làng bóng Liên Xô, thì đây là lần đầu tiên từ World Cup 1970 – dù thực chất, ở World Cup cũng tại Mexico, do số đội tham gia VCK chỉ là 16 đội, Liên Xô đã lọt đến tứ kết ngay sau khi vượt qua vòng đấu bảng).

“Chiếc xe tăng T-90” hay “chiến binh thực thụ” Dzyuba

Luôn là nhân vật chính của “các chiến sĩ Nga” trong những chiến cuộc ở vòng bảng, Dzyuba được miêu tả như “chiếc xe tăng T-90”, luôn lừng lững lao lên phía trước, không quản ngại “đạn pháo” hay “tên lửa chống tăng” của lực lượng đối phương, sẵn sàng tung ra những “phát bắn” vừa chính xác, vừa mang tính “sát thương” khủng khiếp. Dzuyba đã có 3 “phát bắn” chính xác ở World Cup lần này, trong đó, “phát bắn” và khu nhà trú ngụ của David de Gea, kẻ được xem như “kiến trúc sư cho thế trận phòng ngự” của Tây Ban Nha, là phát bắn quan trọng nhất.

Nhưng, có lẽ nên có thêm biệt danh khác cho Dzyuba – đó là “chiến binh thực thụ”. Sau “phát bắn” gỡ hòa 1-1, Dzyuba lao ra khu cột cờ phạt góc, đứng nghiêm và giơ tay chào kiểu chiến sĩ Hồng quân Liên Xô. Hình ảnh đó, vừa oai hùng, đừa đẹp đẽ, khiến lay động lòng người, và làm người ta tin rằng, trận đấu ở sân Luzhniki tại Moskva đêm 1-7 rồi không chỉ là một trận đấu bóng đá, mà chính là hình bóng năm nào của “trận chiến Moskva lịch sử” với nhiều kỷ niệm đau thương, đẫm nước mắt, nhưng có kết cục có hậu, làm lịch sử cũng phải bồi hồi.

Nga loại Tây Ban Nha bằng loạt sút luân lưu: Trận Moskva lịch sử! ảnh 1 Artem Dzyuba và tình huống đứng nghiêm chào như chiến sĩ Hồng quân
“Chiếc xe tăng T-90”, hay “chiến binh thực thụ” Dzyuba, sẽ tiếp tục là người dẫn đường, ngưởi chỉ lối, là “đồng chí chính ủy” của “các chiến sĩ Nga” trên con đường chinh phục World Cup năm nay, một con đường… tương tự như khi xưa, Hồng quân Liên Xô tiến về phía Tây vậy!

Arytem Dzyuba đã trở thành cầu thủ Nga đầu tiên ghi bàn trong một trận đấu play-off ở VCK World Cup kể từ thời Igor Belanov ghi “cú hatrrick” vào lưới tuyển Bỉ cho tuyển Liên Xô ở vòng 1/8 của Mexico 1986. Dù vậy, ở thời điểm đó, tuyển Liên Xô vẫn bị loại với tỷ số thua 3-4 trong trận đấu mà người Bỉ có 2 tình huống ghi bàn trong tư thế việt vị.

“Chiến binh marathon trẻ trung” Golovin

Aleksandr Golovin tuy không thể mang lại màn trình diễn quá thuyết phục về mặt chuyên môn – trong cả trận đấu, anh không tạo ra được pha uy hiếp đáng kể nào về phía khung thành của thủ môn De Gea dù được xếp đá cặp tiền đạo với Dzyuba (thực chất, anh đá thấp hơn tiền đạo thực thụ Dzyuba một chút và chơi hơi lệch về phía biên phải). Không có đường chuyền nguy hiểm nào, cũng chẳng có pha dứt điểm đáng kể nào khiến khung thành đối phương chao đảo.

Trong nhiều tình huống tuyển Nga có bóng phản công nhanh, anh – với những pha lao lên bên biên phải – không thể tạo ra những pha xử lý xứng tầm với những lời ngợi khen của báo giới Nga, anh cũng không có những đường chuyền tinh tế, thông minh, sắc nét, mang đậm chất kỹ thuật, mà thường chuyền hơi mạnh hoặc hơi yếu, đẩy các đồng đội rơi vào thế bất lợi trong các tình huống tranh chấp. Golovin đó, chưa chắc là một Golovin thích hợp với Chelsea, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

Trong 120 phút ở sân Luzhniki, dù không tạo ra nhiều dấu ấn về mặt chuyên môn trong khâu tấn công, Golovin lại thể hiện khả năng đua tốc độ có sức bền tuyệt vời. Thông kê cho thấy, anh chạy nhiều nhất trong số các cầu thủ hiện diện trong trận đấu, với quãng đường di chuyển lên đến gần 16 kilomet. Quãng đường đó, bao gồm những pha lao bóng bên cánh phải (dù đều là “vô nghĩa”), bên cạnh những pha đuổi bóng quyết liệt để tranh chấp bóng với đối phương, những pha dốc sức lùi về phần sân nhà để tham gia phòng ngự. Golovin rất giống với chàng chiến binh Hy Lạp, chạy rất nhiều để về báo tin chiến thắng cho nước nhà về trận Marathon… Trước đó, Golovin cũng là dẫn đầu trong số những cầu thủ chạy nhiều nhất sau 2 trận đấu đầu tiên ở vòng bảng.

Nga loại Tây Ban Nha bằng loạt sút luân lưu: Trận Moskva lịch sử! ảnh 2 Aleksandr Golovin chạy như... chạy marathon

Màn trình diễn của Aleksandr Golovin tuy chưa thuyết phục về mặt chuyên môn và khiến nhiều người khó tính hoài nghi, nhưng đã mang lại những phản ứng tích cực từ cộng đồng Fan Chelsea tại Việt Nam. Nhiều True Blue nữ, bị thuyết phục bởi vẻ đẹp trai của hot-boy này, đang rất hy vọng ông chủ người Nga Roman Abramovich sớm đưa anh này về sân Stamford Bridge. Trong khi đó, nhiều True Blue nam lại bị ấn tượng với khả năng di chuyển không biết mệt mỏi của anh này và hy vọng yếu tố này sẽ giúp Golovin sớm thích nghi với điều kiện của bóng đá Anh.

 

“Tướng quân” Cherchesov

Người góp công lớn nhất trong chiến thắng của “trận Moskva lịch sử” chính là “tướng quân” – HLV trưởng Stanislav Cherchesov. Cherchesov đã không quản ngại sự “dè bỉu” của dư luận khi áp dụng sơ đồ phòng ngự “tuyệt đối” với 5 hậu vệ, 3 lớp phòng thủ kín kẽ (còn “kín như bưng” hơn cả xe buýt 2 tầng mang triết lý của Jose Mourinho), mọi cầu thủ đều phải tham gia thế trận "phòng ngự toàn dân". Có thể nói nôm na là, hệ thống phòng thủ của tuyển Nga trong trận đấu với Tây Ban Nha chính là “chiếc xe tăng 3 lớp giáp” và nó đã mang đến hiệu quả khóa chặt mọi pha tấn công, mọi đợt lên bóng và tất cả mọi cú dứt điểm của “bò tót” Tây Ban Nha.

Bài học trận thua Uruguay vẫn còn nóng hổi. Căng sức và đôi công làm gì, khi thực lực thua xa đối phương? Thua 0-3 trong một thế trận “mở toang khung thành” thì chẳng thà chơi tử thủ hợp lý, thủ hòa sau 120 phút và xuất sắc đứng vững sau loạt sút luân lưu 11 mét, tạo ra một cột mốc lịch sử mới, tiếc tục “mở hội” trên đất Nga và khiến cả đất nước tự hào. “Cherchesov đã làm tất cả mọi thứ đúng đắn”, hàng loạt tờ báo lớn của Nga đã giật tít như vậy.

Vị HLV bị chỉ trích nặng nề nhất trong lịch sử, bị HLV có vẻ bề ngoài “bèo nhất” từ trước đến nay, với cái bụng “hơi to to”, đầu hói, giờ đây đã trở thành “vị tướng quân” được yêu mến nhất và sẽ còn được nhắc đến nhiều nhất trong hàng chục năm sau… Cherchesov – người hùng mới của bóng đá nước Nga.

Nga loại Tây Ban Nha bằng loạt sút luân lưu: Trận Moskva lịch sử! ảnh 3 Từ là một HLV bị chỉ trích nặng nề nhất, Stanislav Cherchesov đã trở thành "tướng quân anh hùng"

Tin cùng chuyên mục