Nếu Tiến Linh và Đức Chinh cùng xuất phát ...

Từ giải pháp tạm thời ở vòng bảng SEA Games 30, sự hợp cạ của cặp “song sát” Nguyễn Tiến Linh và Hà Đức Chinh dần được HLV Park Hang-seo “quy hoạch” cho VCK Giải U23 châu Á 2020. 
Cặp "song sát" Tiến Linh và Đức Chinh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Cặp "song sát" Tiến Linh và Đức Chinh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trong thế trận bế tắc toàn tập trước Singapore ở vòng bảng SEA Games 30, ông Park tung Tiến Linh vào sân thay Thanh Sơn ở phút 51. Trước đó Quang Hải phải rời sân ở phút 18 vì chấn thương. Hai phút sau khi Tiến Linh đá cặp với Đức Chinh, U22 Việt Nam mới hưởng quả phạt góc đầu tiên. Đến phút 88, Đức Chinh là cầu thủ ghi bàn duy nhất của trận đấu. 

Sự xuất hiện của Tiến Linh đánh dấu lần đầu ông Park sử dụng 2 tiền đạo cùng thời điểm cho U22 Việt Nam ở trận đấu chính thức. Trường hợp tương tự xuất hiện ở trận gặp Thái Lan sau đó. U22 Việt Nam bị dẫn 2-0 và Đức Chinh được tung vào sân ở phút 12. Chung cuộc, Tiến Linh ghi 2 bàn để giúp U22 Việt Nam cầm hòa đối thủ 2-2. 

Chính hiệu quả mang đến từ cặp “song sát” Linh - Chinh đã tạo sự tin tưởng để ông Park điền tên bộ đôi này xuất phát ngay từ đầu ở trận bán kết gặp Campuchia và chung kết với Indonesia. Hai trận này, cặp tiền đạo của U22 Việt Nam có 4 pha lập công, kèm 2 kiến tạo.

SEA Games 30, “súng hai nòng” Linh - Chinh đã 14 lần bắn hạ mành lưới đối phương, chiếm tỉ lệ hơn 58% trên tổng 24 bàn thắng của đội tuyển. Từ giải pháp tạm thời, sự hợp ý của cả hai dần được ông Park “quy hoạch” cho VCK Giải U23 châu Á 2020.

Trong “bài test” cuối cho sân chơi châu lục gặp Bahrain vào chiều 3-1, ông Park thêm lần nữa để bộ đôi này cùng xuất phát từ đầu.

Đặt bối cảnh thành công của HLV Park Hang-seo nhờ vào sơ đồ 5-4-1 (hoặc 3-4-3) đã bị các đối thủ “soi kĩ” thì ông thầy Hàn Quốc buộc phải thay đổi. Và cách vận hành 3-5-2 với 2 tiền đạo thực thụ được tính đến.

Sự xuất hiện của 2 tiền đạo sẽ giảm tải công việc ghi bàn cho tuyến dưới, vốn chu kì quen thuộc dưới “triều đại” Park Hang-seo. Đồng thời đa  dạng hóa, mở ra thêm các con đường tìm kiếm bàn thắng cho đội tuyển.

Lấy vòng loại Giải U23 châu Á 2020 làm thước đo. Trong 11 bàn thắng của U23 Việt Nam, hàng tiền đạo chỉ đóng góp 3 pha lập công (riêng Đức Chinh có 2 bàn), trung bình 1 bàn/trận. Nhưng ở SEA Games con số trung bình là 2 bàn/trận (các đối thủ đều ở Đông Nam Á).

Chơi 2 tiền đạo cũng là cách phòng ngự từ xa, giảm sức tấn công của đối thủ. Nếu Linh - Chinh đứng cao sẽ khiến đối thủ mất từ 2-3 cầu thủ phải ở phần sân nhà và tiền vệ “trụ” bị đặt trong tình trạng nguy hiểm. Đồng thời giúp U23 Việt Nam sẵn sàng trong tư thế phản công.

Theo nhận xét của HLV Trần Minh Chiến, Tiến Linh “đánh hơi” bàn thắng tốt nhưng điểm yếu sức mạnh và tốc độ. Ngược lại, điểm yếu của Linh là một Đức Chinh nhiệt tình, hăng hái. Chính sự xông xáo của Đức Chinh đã kiếm về U22 Việt Nam quả đá phạt bên cánh trái, giúp Văn Hậu mở ra nút thắt ở chung kết SEA Games 30 với Indonesia.

Tiến Linh từng phát biểu: “Tôi và Đức Chinh bù trừ cho nhau”. Hiệu quả từ phương án 2 tiền đạo đã được kiểm chứng. Với Linh - Chinh, U23 Việt Nam đã thứ “vũ khí sát thương hạng nặng” tại sân chơi châu lục sắp đến. 

Tin cùng chuyên mục