Muôn kiểu tiếp lửa từ xa tại Olympic Tokyo 2020

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến Olympic Tokyo 2020 nói không với khán giả. Nhưng không vì thế mà nhạt đi sự ủng hộ của người hâm mộ đối với người chơi. 
Người hâm mộ cầu lông tại Kudamatsu tiếp lửa từ xa cho tay vợt Thùy Linh. Ảnh: FBNV
Người hâm mộ cầu lông tại Kudamatsu tiếp lửa từ xa cho tay vợt Thùy Linh. Ảnh: FBNV

Tất nhiên, VĐV vẫn là người chịu thiệt thòi nhất vì không thể đón nhận trực tiếp tình cảm từ gia đình, và bạn bè cổ vũ trên khán đài. Người chơi sẽ mất đi nguồn sức mạnh về mặt tinh thần để vượt qua khó khăn, thất bại, hoặc cùng sẻ chia niềm vui chiến thắng, vinh quang đạt được. Covid-19 đã cản đường người hâm mộ đến Olympic Tokyo 2020, nhưng không thể ngăn tình cảm của họ dành cho VĐV. Thông qua sóng truyền hình, những người hâm mộ đặc biệt đã chọn cách tiếp lửa từ xa để ủng hộ các đoàn thể thao.  

Đơn cử tay vợt Nguyễn Thùy Linh của Việt Nam trong quá trình thi đấu tại vòng bảng môn cầu lông đã được nhận sự cổ vũ từ CLB Kudamatsu, nơi cô từng tập huấn tại Nhật Bản. Những người hâm mộ cầu lông tại đây đã ngồi cạnh bên màn hình tivi, tay cầm thanh đập để gửi niềm tin vào nữ VĐV quê Phú Thọ. Thùy Linh đáp lại tình cảm của mọi người bằng việc chia sẻ bài đăng, và đính kèm lời cảm ơn chân thành.
Muôn kiểu tiếp lửa từ xa tại Olympic Tokyo 2020 ảnh 1 Gia đình và bạn bè của Thomas Dean ăn mừng tấm HCV của nam kình ngư
Hay mới đây, một thước phim ghi lại cảnh gia đình và bạn bè của Thomas Dean tại Anh cổ vũ cho nam kình ngư thi đấu chung kết 200m bơi tự do vào hôm 26-7 đã thu hút hơn 1 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Tình cảm của mọi người được đền đáp với tấm huy chương vàng (HCV) giành cho Dean, trong khi người đồng đội Duncan Scott đoạt tấm HC bạc.

BBD dẫn lời của bà Jacquie Hughes - mẹ của Don: “Gia đình chỉ có thể theo dõi qua sóng truyền hình vì không thể trực tiếp có mặt tại Tokyo. Chúng tôi đã không mời bất kỳ ai đến xem con trai thi đấu đến vòng bán kết. Tại chung kết, chúng tôi đã thay đổi quyết định khi mời những thành viên tại CLB mà Don sinh hoạt, bên cạnh một số người hàng xóm. Thật tuyệt khi Dean biết được rằng, gia đình và bạn bè đang theo dõi mình từ xa. Có khoảng 70 người trong vườn xem trên một màn hình lớn. Tôi nghĩ chúng tôi đã bơi từng mét với Don, nhưng là bơi trên cạn”.

Bơi - vốn là môn trọng điểm tại Olympic, vì thế chuyện thu hút một lượng lớn người theo dõi không có gì bất ngờ. Cảnh tương tự đã được quay tại Tunisia vào hôm 25-7. Hơn 2,5 triệu lượt xem đoạn clip về gia đình của Ahmed Hafnaoui quây quần bên chiếc tivi, và hét lên sung sướng khi nam kình ngư sinh năm 2002 gây chấn động bơi lội thế giới với tấm HCV nội dung 400m tự do.

Muôn kiểu tiếp lửa từ xa tại Olympic Tokyo 2020 ảnh 2 Người dân Ấn Độ tập trung tại nhà của đô cử Mirabai Chanu (Ấn Đô) để ăn mừng tấm HCV mà cô giành được
Thậm chí, đài truyền hình NBC của Mỹ còn phát sóng trực tiếp khung cảnh gia đình và bạn bè của nữ kình ngư Lydia Jacoby tiếp lửa từ xa tại quê nhà Alaska. Tất cả đều vỡ òa trong niềm vui sướng khi cô gái tuổi 17 đã trở thành VĐV bơi đầu tiên của bang Alaska đoạt tấm HCV ở nội dung 100m bơi ếch.

Dù chiến thắng, hay thất bại thì những VĐV thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 luôn có người hâm mộ đặc biệt tại quê nhà. Tay đua Evie Richards của Vương quốc Anh đã có mùa giải đáng quên khi cán đích thứ 7 tại nội dung xe đạp leo núi nữ vào hôm 27-7. Nhưng gia đình và bạn bè của Richards đã tụ tập ở Malvern để ủng hộ, động viên sau những nỗ lực của cô. Một chiếc lều được dựng, và trang trí bằng lá cờ tổ quốc đã thu rất đông người đến xem cuộc đua thông qua màn hình lớn.

Tại Mỹ, hai nhà tài trợ quyết định “đài thọ” cho 4 người trong gia đình, hoặc bạn bè có VĐV nằm trong đội tuyển điền kinh một chuyến nghỉ mát, kết hợp làm fanzone để ủng hộ cho những nam hoàng, nữ hoàng tốc độ của quốc gia. VĐV sẽ thật hạnh phúc, hoặc được an ủi phần nào nếu biết được ở quê nhà luôn có gia đình và bạn bè với muôn vàn kiểu cổ vũ khác nhau đã tiếp lửa từ xa cho họ. 

Muôn kiểu tiếp lửa từ xa tại Olympic Tokyo 2020 ảnh 3 Dù thất bại, nhưng tay đua Evie Richards vẫn đón nhận tình cảm từ người hâm mộ quê nhà 
Tuy nhiên, đối với người chơi chưa thể thích nghi được với các khán đài trống thì quả thật là cơn ác mộng. Đơn cử, võ sĩ người Anh Jade Jones - HCV taekwondo hạng cân 57kg tại hai kỳ Olympic London 2012 và Rio de Janeiro 2016 thừa nhận, sự thiếu vắng của gia đình bên cạnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại tại Tokyo 2020.

Sau khi thất bại trước võ sĩ Kimia Alizadeh của đoàn thể thao tị nạn, Jones nói: “Thông thường, nếu tôi cảm thấy áp lực, tôi sẽ ra ngoài và nghe gia đình tôi la hét trên khán đài. Nhìn những lời động viên như vậy, tôi được tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin. Những đó là những gì mà tôi đã thiếu tại Olympic Tokyo 2020. Tôi đã ở trong sự sợ hãi khi thi đấu”.

Tin cùng chuyên mục