Đã hơn 2 tháng kể từ ngày mùa giải 2015 kết thúc, những vụ mua sắm cầu thủ chủ yếu là những cầu thủ ra đi theo dạng tự do sau khi hết hạn hợp đồng với CLB cũ. V-League không còn những vụ chuyển nhượng “bom tấn” như trước bởi phần lớn các CLB đều “thắt lưng buộc bụng”. Điều gì xuất hiện sau khi các đội bóng phải hạn chế chi tiêu? Đó chính là khoảng trống đào tạo trẻ.

Qua những giải trẻ gần đây, PVF đang nổi lên như là lò đào tạo trẻ uy tín. Ảnh: Nhật Anh
Không kể HA.GL với học viện liên kết cùng Arsenal, Khánh Hòa vừa mới làm lại bóng đá từ khâu đào tạo trẻ cách đây 4 năm hay 2 địa phương có hệ thống đào tạo trẻ rất tốt là SLNA và Đồng Tháp thì hầu hết các đội ở V-League… hỏng ở khâu này. Mùa giải 2015 chứng kiến sự trẻ hóa lực lượng của rất nhiều đội bóng nhưng gương mặt trẻ ghi được dấu ấn lại không nhiều. Đỗ Duy Mạnh, 19 tuổi, (HN T&T) là cái tên đáng chú ý nhất trong số những cầu thủ trẻ xuất hiện ở V-League 2015 như Tuấn Tài, Hữu Dũng, Hoài An…
Cái tin SHB. Đà Nẵng “đánh bại” Than QN để mượn cầu thủ trẻ Trọng Hóa của lò đào tạo PVF cho mùa giải 2016 nghe thật xót xa. Nó cho thấy bóng đá trẻ của đội bóng Đà thành sa sút trong vài năm trở lại đây.
Than Quảng Ninh từng chi rất bạo để kéo về sân Cẩm Phả những ngôi sao như Quang Hải, kéo được Mạc Hồng Quân ngay cả khi tiền đạo Việt kiều này vừa mới ký hợp đồng với QNK. Quảng Nam. Lần này, đội bóng đất mỏ không vung tiền nữa mà là mượn 6 cầu thủ PVF để cho mùa giải V-League 2016.
Cam kết số trận thi đấu? Phía PVF từng cho biết muốn mượn cầu thủ trẻ của họ phải đảm bảo 1/3 số trận ra sân ở V-League 2016. Trước đó, GĐKT Đoàn Phùng của đội hạng Nhất Huế cho biết sẵn sàng để sao mai Võ Lý tới V-League nhưng ông sẽ đặt điều kiện số trận ra sân với đối tác để tiền đạo 22 tuổi này không bị thui chột tài năng. Cả HLV Huỳnh Đức và Như Thuần đều cho rằng yêu cầu của PVF là “căng”. |
HOÀNG HƯNG
Đi học đá bóng
Những thông tin liên quan đến chuyến xuất ngoại của Công Phượng và Tuấn Anh tại Nhật Bản luôn đi kèm các khoản tiền mà 2 cầu thủ này nhận được. Nó khiến người hâm mộ có cảm giác cầu thủ của chúng ta “được giá”. Ít người quan tâm đến mục đích ban đầu: đi học.
Hãy xem các cầu thủ U.19 vốn đang là học sinh trung học đá bóng hôm qua, để thấy họ vừa học, vừa thi đấu vẫn chuẩn mực như thế nào. Chỉ tính riêng giải đấu các trường đại học của bóng đá Hàn Quốc, mỗi mùa có đến gần 100 đội tham dự và các cầu thủ này đều có thể được đi thẳng vào các CLB chuyên nghiệp nên chứng tỏ được tài năng. Các đội Sinh viên Hàn Quốc hay sang Việt Nam thi đấu vốn chỉ là “hàng dạt”, tức là không đủ khả năng để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp được nữa, đành quay lại chuyện học.
Tầm những cầu thủ ấy, đều có thể thắng các đội bóng tại Việt Nam, kể cả đội tuyển quốc gia, nhưng họ không có chút cơ hội nào để được những CLB tại K-League 1 và 2 quan tâm. Thử nghĩ xem, tại sao Công Phượng, Tuấn Anh còn được J-League 2 mời đá mà họ lại không?!
Thế nên, một khi đã chọn xuất ngoại để đi học thì cần phải gọi cho đúng tên, thay vì tạo ra một ảo tưởng là cầu thủ Việt Nam đủ sức đá tại Nhật Bản. Bóng đá Việt Nam đã không thể phát triển nổi hệ thống thi đấu của các trường học, rồi ngay cả việc đi “du học” cũng bị gọi thành “xuất khẩu cầu thủ”, thì đến bao giờ chúng ta mới có thể học tập nghiêm túc sự tiến bộ của thế giới?

Dù là những sinh viên đá bóng nhưng đẳng cấp U.19 Hàn Quốc đã hơn hẳn cầu thủ chuyên nghiệp như U.21 HA.GL. Ảnh: Nhật Anh
VIỆT LONG
Các tin, bài viết khác
-
Những trông đợi từ quãng nghỉ vàng
-
Tiền đạo Trần Danh Trung sang Nhật Bản ‘du học’
-
Sứ mệnh bóng đá của Sài Gòn FC: Không ngại Cao Văn Triền sang Nhật, HLV Vũ Tiến Thành ra Bắc làm PVF
-
LS V-League 2021 dự kiến kết thúc ngày 19-9
-
'Cỗ máy quét' của Đà Nẵng trở lại
-
Các đội V-League nỗ lực vượt khó
-
Thêm 2 trọng tài Việt Nam lọt vào danh sách xét chọn điều hành VCK World Cup
-
Chơi 3 tiền đạo ngoại, CLB TPHCM có... đi trên dây?
-
Giải hạng Nhất 2021: Đường thăng hạng sẽ nhộn nhịp hơn?
-
Những “lão tướng” ở mùa bóng 2021