Mừng cho Phương Trâm

Khi thời gian năm 2015 chuẩn bị khép lại, bản thân Nguyễn Diệp Phương Trâm và gia đình đã yên tâm phần nào do hợp đồng của  cô  đã được cởi nút thắt để giải phóng...

Khi thời gian năm 2015 chuẩn bị khép lại, bản thân Nguyễn Diệp Phương Trâm và gia đình đã yên tâm phần nào do hợp đồng của  cô  đã được cởi nút thắt để giải phóng...

Hòa giải được là thành công

Những thông tin về tranh cãi hợp đồng của Phương Trâm và CLB bơi Yết Kiêu (thuộc Sở VH-TT TPHCM) đã được chia sẻ đầy đủ từ trước. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói tới, sau quãng thời gian gần 8 tháng (tính theo như thời điểm gia đình Phương Trâm cho biết gởi đơn xin nghỉ tại đơn vị chủ quản cũ vào tháng 4-2015), tất cả được giải quyết. Theo tìm hiểu, mất 3 lần gặp nhau trên tòa thì đôi bên mới đi tới thống nhất về con số chung tiền đền bù hợp đồng từ Phương Trâm. Số tiền để đạt được thỏa thuận thấp hơn 961 triệu đồng như phía CLB bơi Yết Kiêu đề ra ban đầu.

Mức phí gia đình Phương Trâm hòa giải ổn thỏa để đền bù hợp đồng cho con gái là khoảng 400 triệu đồng Ảnh: Nhật Anh

Phương Trâm nói riêng hay bản thân VĐV nói chung được dứt khỏi tranh chấp hợp đồng để có hướng phát triển hơn là điều tốt cho họ. Sự vụ này có thể thấy ngành thể thao TPHCM cũng thiện chí như ban đầu mà một lãnh đạo từng khẳng định đó là nếu đúng như gia đình Phương Trâm dốc tâm huyết để con em mình đi học tập tập huấn ở nước ngoài thì không khó dễ gì hợp đồng. Bây giờ, nút thắt đầu tiên đã được cởi (hợp đồng được giải phóng) thì sự nghiệp của Phương Trâm sẽ hanh thông hơn.

Trong thể thao, trước khi môn bơi lội với trường hợp Phương Trâm được báo chí nhắc nhiều, đã có nhiều môn thể thao khác cũng xảy ra trường hợp VĐV khúc mắc hợp đồng cùng đơn vị chủ quản như ở bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh và một số môn võ. Phải đưa ra tòa giải quyết thì chỉ bơi lội và bóng chuyền nên cơ sự như vậy. May mắn trong sự vụ của Phương Trâm chính là hòa giải thành công. Bóng chuyền với trường hợp như Nguyễn Hữu Hà, Nguyễn Văn Hạnh đã bất thành nên VĐV gặp khó khăn trực tiếp trong sự nghiệp.

Sẽ về đơn vị mới?

Khi Phương Trâm được giải phóng hợp đồng, trước mắt, nữ tuyển thủ trẻ này là người tự do. Nếu là người tự do, Phương Trâm toàn quyền được tiếp xúc với những đơn vị nào muốn mời cô về thi đấu hoặc giả như sẽ đi nước ngoài du học (như khẳng định ban đầu từ gia đình VĐV này). Phương Trâm có lẽ là trường hợp đặc biệt đầu tiên của thể thao Việt Nam đấy là đang trong giai đoạn gặp khó về hợp đồng thì vẫn được ĐTQG tạo điều kiện cho thi đấu các giải quốc tế và trong nước.

Suốt thời gian hợp đồng chưa giải quyết, Phương Trâm được tập và hưởng chế độ của một tuyển thủ quốc gia tại Trung tâm HLTTQG TPHCM. Mặc nhiên với những môn như bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, điền kinh... tranh chấp chưa được giải quyết thì xem như VĐV không được thi đấu giải trong nước chứ đừng nói lên tuyển tập trung. Một HLV nhiều năm tham gia huấn luyện bơi lội ở Việt Nam đã chia sẻ, Phương Trâm là VĐV có năng lực hiệu quả đáng kể trong nhóm những VĐV cùng lứa tuổi hiện tại ở Việt Nam. Nhiều đơn vị muốn đưa cô gái này về thi đấu khó tránh khỏi và đặc biệt không phải bất thình lình mối lương duyên giữa tuyển thủ này và đơn vị cũ bị rạn nứt.

Trong một số chia sẻ ở thời điểm Phương Trâm vẫn chưa giải quyết xong hợp đồng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Vương Bích Thắng từng cho biết ngành thể thao luôn quan tâm tới VĐV có năng lực và trường hợp của Trâm thì có kế hoạch đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, Trâm phải thuộc một đơn vị cụ thể thì mới có kế hoạch đầu tư cho đi tập huấn nước ngoài phù hợp.

Đã có ý kiến cho rằng, nếu Trâm không thuộc đơn vị nào thì ngành thể thao cứ tập trung đầu tư cho ra nước ngoài tập huấn như Ánh Viên chắc chắn sẽ hiệu quả. Điều ấy đúng. Đầu tư là trực tiếp vào con người để VĐV hoàn thiện hơn. Nhưng nó lại không an toàn bởi, đầu tư thì cần phải có sự thu lại. Thế giới không ít trường hợp VĐV được cho ra nước ngoài tập luyện lại mủi lòng trước sự hấp dẫn từ lời mời của một quốc gia nào khác rồi nhập tịch xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám”. Chúng ta cũng rất cẩn trọng điều này.

 Theo lịch, ngày 21-12, các bên gồm gia đình Phương Trâm và đại diện CLB bơi Yết Kiêu sẽ làm việc lần cuối cụ thể dứt điểm vụ việc. Mức phí mà gia đình Phương Trâm hòa giải ổn thỏa để đền bù hợp đồng cho con gái là khoảng 400 triệu đồng.

Theo tìm hiểu, một đơn vị ở khu vực miền Tây theo rất sát sự vụ của Phương Trâm để muốn mời VĐV này về khoác áo. Một trong những mục tiêu mà đơn vị này tập trung vào cho Phương Trâm chính là đầu tư để giành nhiều HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc sẽ thi đấu năm 2018. Tuy vậy, VĐV chỉ được ký hợp đồng với một đơn vị mới khi hợp đồng cùng đơn vị cũ được giải quyết xong.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục