1. Bây giờ, khi sóng gió đã qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam bắt đầu ngồi lại và bàn đến việc chọn một vị thuyền trưởng mới cho con tàu đội tuyển. Thuyền trưởng Tavares sau khi chơi một “cú Titanic” chấn động ở Tiger Cup 2004, bây giờ chắc đang ngồi uống cà phê trên đất liền ở bên kia bán cầu để ngẫm nghĩ về những ngày hành nghề thê thảm vừa qua.
![]() |
Có thể chờ đợi gì ở “thuyền trưởng” Riedl? Ảnh: H.H. |
Chọn huấn luyện viên trưởng thiệt ra đâu có khó. Huấn luyện viên tài năng ở đâu chẳng có. Vấn đề là làm sao chọn cho được người phù hợp với ý đồ và mục đích của chúng ta. Muốn vậy, điều trước tiên cần xác định là con tàu bóng đá của chúng ta đang định đi đâu. Chỉ bập bềnh, luẩn quẩn trong hồ? Men theo sông rạch? Ra biển? Hay quyết vượt đại dương?
2. Khi được hỏi chuyện này, các vị lãnh đạo bóng đá nước nhà xưa nay vẫn lúng túng. Có cảm giác ngay cả họ cũng không biết họ đang muốn gì. Suốt một thời gian dài, năm nào họ cũng sợ sệt lẵng nhẵng cái điệp khúc “tốp 3 Đông Nam Á” nghe chán ngắt. Ai cũng thấy: một đội tuyển đã 4 lần dự trận chung kết SEA Games và Tiger Cup thì mục tiêu hàng đầu và duy nhất là phải thắng cái trận chung kết đó, tức là phải hạng nhất, thế mà họ cứ nói mê man về cái chỉ tiêu “tốp 3” một cách vô nghĩa, làm như mục đích cuộc đời được đứng hạng ba đã là sướng run người.
Ở Tiger Cup 2004 vừa qua, thấy bà con châm chọc dữ quá, các vị bèn gồng mình hạ quyết tâm: “Lọt vào trận chung kết!”, nhưng xui một nỗi, đúng vào lần họ tập cao giọng cũng là lần đội tuyển thất bại te tua nhất từ trước đến nay.
3. Vậy, mục tiêu hiện nay của chúng ta nên là gì? Chúng ta sẽ hướng sức mạnh của mình vào đâu khi thuê một nhà cầm quân mới? Theo tôi, có lẽ bóng đá Việt Nam không nên coi thành tích “đứng đầu Đông Nam Á” là mục tiêu tiên quyết. Từ 1995 đến nay, chúng ta đã bốn lần lọt vào trận tranh ngôi vô địch (SEA Games 1995, Tiger Cup 1998, SEA Games 1999 và SEA Games 2003), mặc dù chưa một lần đoạt cúp, nhưng xét về thực lực, thành tích ổn định ở mức cao kể trên cho thấy tuyển Việt Nam đã là một đội hàng đầu Đông Nam Á.
Tất nhiên không thể phủ nhận chúng ta thường kỵ Thái Lan và trong thập niên qua chủ yếu cũng chỉ có người Thái phá hỏng giấc mơ vô địch của chúng ta. Nhưng thắng Thái Lan không phải và không thể là mục tiêu của bóng đá Việt Nam. Nếu vậy thì buồn quá! Fan hâm mộ nước nhà có lý do chính đáng để chờ ngày đẹp trời nào đó tuyển Việt Nam sẽ thắng tuyển Thái Lan, nhưng một Liên đoàn bóng đá mà nâng yêu cầu phải thắng một đội bóng láng giềng lên thành mục tiêu quốc gia thì lại rất ngớ ngẩn.
Tóm lại, một đội hàng đầu Đông Nam Á không việc gì phải lấy mục tiêu “đứng đầu Đông Nam Á” ra để phấn đấu. Trong một, hai năm nữa, chúng ta bắt buộc phải thắng giải bóng đá SEA Games hoặc Tiger Cup - như một nghĩa vụ, một mục tiêu đương nhiên và trong tầm tay, nếu chúng ta có được một cách làm bóng đá đúng đắn.
4. Phấn đấu, có nghĩa là nỗ lực vươn tới cái mà hiện nay chúng ta chưa đủ tầm. Nói thẳng ra là nâng trình độ và chất lượng đội tuyển lên tầm châu lục, đặc biệt trong hoàn cảnh chúng ta sẽ là một trong những đội chủ nhà của Vòng chung kết giải bóng đá châu Á 2007. Trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần kiếm một HLV có khả năng nâng cấp trình độ đội tuyển vượt khỏi cái vùng trũng Đông Nam Á (cụ thể là sẽ thi đấu ra trò ở giải châu Á sắp tới) chứ hoàn toàn không cần kiếm một HLV hứa hẹn đem về cho chúng ta chức vô địch SEA Games hay Tiger Cup.
Cũng giống như một cậu học trò lớp 10, cuối năm lỡ đứng nhì thì thôi, cũng gọi là đáng khen rồi, và mục tiêu của cậu trong 3 năm tới là phải đỗ vào đại học, chứ hổng lẽ vì ấm ức cái chuyện “đứng nhì” mà quyết mời gia sư về kềm cặp trong suốt 3 năm trời chỉ để tìm cách đứng nhất cho bằng được cái lớp 10 đó? Đã mười năm sau Chiang Mai mà chúng ta vẫn cứ thèm thuồng một cái huy chương vàng Đông Nam Á và xem đó là... lẽ sống của đời mình thì thiệt tội nghiệp cho nền bóng đá nước nhà quá!
Phấn đấu đạt tới trình độ châu lục, tự nhiên cũng là hướng tới World Cup. Bây giờ mà nói Việt Nam phấn đấu lọt vào vòng chung kết World Cup thì khối kẻ ôm bụng cười lăn bò càng. Nói phấn đấu lên tầm châu lục thì người nghe còn tạm chấp nhận được. Thì chẳng phải tuyển Việt Nam đã từng chơi ngang ngửa, thậm chí từng thắng Hàn Quốc, đội số một châu Á và đương kim đệ tứ anh hào thế giới đó sao.
Về mặt tâm lý, nói “châu lục” nghe nó đỡ “sợ” hơn, còn chữ “thế giới” nghe nó bao la khiến nhiều người chóng mặt. Nhưng thực tế thì châu lục cũng có nghĩa là World Cup. Theo cách phân bảng hiện nay của FIFA, bốn đội đứng đầu châu Á sẽ vào thẳng vòng chung kết World Cup, còn đội thứ năm sẽ đấu play-off với một đội ngoài châu Á để giành vé còn lại. Điều đó có nghĩa, nếu bóng đá Việt Nam chỉ lấy trình độ châu Á làm mục tiêu phấn đấu và phấn đấu có kết quả thì một ngày đẹp trời nào đó, chúng ta sẽ đặt chân vào vòng chung kết World Cup lúc nào không hay!
5. Do tất cả những lẽ đó mà người viết bài này hy vọng các vị lãnh đạo bóng đá nước nhà cân nhắc kỹ lưỡng mục tiêu trước khi quyết định chọn người lèo lái đội tuyển Việt Nam. Còn nếu như mục tiêu của Liên đoàn cho đến lúc này vẫn chỉ là “vô địch Đông Nam Á” thì theo người viết bài này, chẳng cần nghĩ ngợi hay họp hành làm gì cho mất thì giờ.
Ông Riedl hay ông Calisto, ông nào cũng thừa sức kiếm một cái huy chương vàng SEA Games hay Tiger Cup trong vòng ba năm tới (trải qua tới ba giải đấu). Vì thực ra, nếu đừng để những bất ngờ động trời ở Tiger Cup 2004 làm mờ mắt, những người tỉnh táo đều thấy rõ so với thời Kiatisak hay Widodo, hai đối thủ đáng gờm nhất ở Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia rõ ràng đã không hề mạnh hơn trước đây.
CHU ĐÌNH NGẠN
Các tin, bài viết khác
-
“Đệ nhất quyền thủ” Canelo Alvarez: Muốn hoàn tất “Trận Trilogy” với Gennady Golovkin, muốn tái chiến Dmitry Bivol để báo thù
-
Cơ thủ Hồng Ly ngoạn mục vượt qua khung cửa hẹp vào vòng trong
-
Thành tích VĐV SEA Games 31 cũng là cuộc đua của các địa phương
-
Sau SEA Games 31, Quách Thị Lan là đại diện duy nhất dự vô địch điền kinh thế giới?
-
HLV trưởng tuyển Ukraine Oleksandr Petrakov: Zbirna không đấu giao hữu vì các đội đều từ chối, chúng tôi tự chia đá nội bộ 2 trận với nhau
-
Tổ chức Giải bóng đá Báo chí miền Trung lần thứ VIII năm 2022
-
Người hùng World Cup Nguyễn Văn Hiếu cùng dàn sao phủi Việt hội ngộ tại Huế dự Huda Cup 2022
-
Đội tuyển U23 Việt Nam đến UAE
-
HLV người Brazil dẫn dắt CLB Thái Sơn Bắc
-
Haaland không lỡ ngày vui cùng đội bóng mới