Đôi khi, những nền bóng đá ở đẳng cấp khác nhau lại có chung những nỗi niềm khá thú vị. Malaysia đã thành công với HLV “quê mùa” Rajagobal. Đội tuyển Anh sau nhiều năm lận đận đã mở mày mở mặt với Roy Hodgson không tên tuổi. Một khi nội lực được phát huy, khán giả sẽ cảm thấy hào hứng hơn với những chiến thắng của đội nhà. Sau 16 năm sử dụng HLV ngoại, bóng đá Việt Nam (BĐVN) cũng đang đi tìm một điều như thế. Một Roy Hodgson thực sự cho làng bóng nước nhà.
Hẳn không phải nói nhiều về HLV Roy Hodgson và các học trò của ông ở Euro 2012. Không phải “hết nạc thì vạc đến xương” hay chán nản HLV ngoại mà FA (Liên đoàn Bóng đá Anh) chọn ông làm giải pháp tình thế. Đơn giản là họ đã nhìn thấy một HLV nội có đủ tỉnh táo để phát huy sức mạnh các ngôi sao xứ sở sương mù. Điều ấy làm dấy lên trong lòng người hâm mộ Việt Nam xa xôi một hy vọng: Hà cớ gì không có một Roy Hodgson của Việt Nam?
Với BĐVN, trong gần hai thập niên học hỏi từ các HLV Âu, Mỹ, xen kẽ có những lúc “chữa cháy” bằng các HLV nội. Tuy nhiên, ngoài HLV Mai Đức Chung dẫn dắt các đội trẻ và bóng đá nữ, các HLV nội dù tên tuổi được ca ngợi đến đâu cũng chỉ thành công nhất định.
Ngày nay, học vấn của các HLV không còn là vấn đề khó giải. Thầy nội cũng đủ uy để “trị” các sao ngoại danh tiếng, dẹp được bè phái ở các câu lạc bộ. Chuyện quân anh, quân tôi cũng không còn nổi cộm vì dư luận đã nằm lòng các ngôi sao của làng bóng nước nhà. Họ biết chắc ở vị trí nào ai chơi tốt nhất, ai xếp thứ nhì. Thực ra, nguyên nhân chính của sự thất bại bắt nguồn từ chính quan điểm xây dựng bộ khung của các HLV nội. So với các thầy ngoại, HLV nội hiểu các tuyển thủ hơn nhưng lại non tay hơn đồng nghiệp ngoại ở vài điểm:
Thiếu ý tưởng
Họ chọn cầu thủ không khác nào bình chọn đội hình tiêu biểu. Trên lý thuyết điểm số là vậy nhưng khi lắp ghép, các mảnh ghép này rời rạc không gắn kết thành một chỉnh thể.
Trong khi đó, HLV ngoại chọn tuyển thủ theo một ý tưởng nhất định. Họ tìm cầu thủ vừa ý để gắn vào khoảng trống trên bản thiết kế cho dù cầu thủ ấy không mấy tên tuổi. Khi vị trí này chỉ cần người uy hiếp hàng thủ chứ không nhất thiết ghi bàn là có Việt Thắng. Cần người gan lì, bám trụ, đánh chặn kịp thời là gọi tên Minh Châu. Để chặn đứng hành lang trái thì sẵn sàng điều Quang Thanh sang án ngữ… Đó là cách mà HLV Calisto đã làm để tạo ra đội tuyển mạnh. Bởi thế, một đội bóng dù tập hợp nhiều tuyển thủ chất lượng tốt nhưng thiếu ý tưởng chiến thuật sẽ như con thuyền mất lái trong cuộc đua tốc độ.
Thiếu điểm nhấn
Nhìn 11 cầu thủ đứng xếp hàng hát quốc ca của bất kỳ đội tuyển quốc gia nào hẳn chúng ta sẽ nhận ra một điều thú vị: Các cầu thủ có chiều cao và tạng người rất khác nhau. Thậm chí, còn có cả sự chênh lệch về độ tuổi. Đúng vậy, nguyên nhân tạo ra sự khập khểnh lý thú ấy là bởi đội tuyển nào muốn thành công cũng cần những điểm nhấn.
Nhìn vào BĐVN có thể thấy rõ điều này: Các HLV ngoại đến Việt Nam thường lo tìm trung vệ cao to để chống bóng bổng. Bên cạnh các tiền đạo nhỏ nhắn khéo léo như Sỹ Hùng, Văn Quyến, Văn Quyết… phải cần một đồng đội cao to càn lướt làm tường, tạo ra khoảng trống. Khi có một Hồng Sơn cầu toàn thì cần tìm một Quang Hà đơn giản… Tất cả những điều đó sẽ bổ sung, hỗ trợ cho nhau chứ không phải giống nhau đến thừa thãi và tệ hại.
Nhìn sang các đội bóng lớn ta sẽ thấy vì sao người Ý kỷ luật, chính xác nhưng lại có Mario Balotelli chơi hoang dã, tự do đến thế. Không cần nhìn màu da, người sành bóng đá cũng có thể nhận ra một chấm xanh lạc điệu trên sân cỏ. Ấy vậy mà nhờ có anh, Ý không những không bị loại như ở các giải đấu trước mà còn tiến sâu vào giải trong sự thán phục của nhiều người. Ở xứ sở đấu bò của những tuyển thủ cao to, Messi lại trở thành người hùng vì anh là một “con dao găm” sắc lẻm hành thích các đội bóng ngạo nghễ. Trong khi về khoác áo đội tuyển quốc gia, chưa chắc anh ấn tượng bằng… Lê Công Vinh của Việt Nam.
Bóng đá cần những điểm nhấn và ý tưởng để phát huy sức mạnh tổng thể chứ không chỉ là một tổng gộp đơn giản. Việc BĐVN muốn đi tìm một HLV nội thực thụ để phát huy nội lực kiểu như Roy Hodgson của làng bóng Anh cũng không sai nhưng thực sự phải đúng thời điểm chứ không thể duy ý chí và nóng vội. Sau 3 trận đấu của tuyển quốc gia, sau hai lần thua ngược của U22, người yêu bóng đá đã ít nhiều lo lắng. Bởi lẽ, BĐVN không thiếu cầu thủ giỏi nhưng nếu chỉ là sự quy tụ, lắp ghép giản đơn thật nhiều ngôi sao như các ông chủ Real Madrid vẫn hay làm thì rất khó đạt được thành công mong muốn.
LÂM VIỆT