VPF đã ra đời và ngay lập tức, nó tung ngay một cú đấm có thể khiến VFF knock-out ngay từ cú ra đòn đầu tiên. Những thay đổi bất ngờ ở Hội đồng quản trị đã cho thấy “thất bại” là điều khó tránh khỏi trong “cuộc đấu” giữa VFF và các ông bầu.
Sự có mặt của bầu Thắng quả là bất ngờ. Thông tin này được giữ kín đến tận phút cuối. Hơn nữa, ông Thắng lại đang bận túi bụi cho đại hội toàn quốc của Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam mà ông đang làm Chủ tịch. Đấy là chưa nói, đội Đồng Tâm Long An của bầu Thắng đang phải chơi ở giải hạng Nhất. Việc ông Thắng được bầu làm Chủ tịch đúng là một “cú ra đòn” hoàn hảo của các ông bầu khi mà uy tín cũng như những gì mà ông Thắng đã làm suốt 10 năm qua không khiến ai phải lăn tăn về tư cách.
![]() |
Những nhân vật chủ chốt sẽ cầm cương bóng đá Việt Nam trong thời kỳ mới. Ảnh: Quang Thắng |
Tuy nhiên, ngoạn mục nhất vẫn là sự xuất hiện của các ông bầu Đoàn Nguyên Đức, Nguyễn Đức Kiên trong Hội đồng quản trị. Dù là đại diện của VFF nhưng trên tư cách là một doanh nhân, coi như ông Lê Hùng Dũng cũng đã đứng về phía các ông bầu. Sự có mặt của bà Đinh Thu Trang như một đại diện của VFF trên thực tế chỉ liên quan đến số tiền góp vốn của tổ chức này. Như vậy, coi như VPF đã hoàn toàn thuộc về các ông bầu, chính xác hơn là thuộc về các CLB. Tiếng nói của VFF trở nên bé nhỏ dù họ vẫn nắm quyền phủ quyết trong tay. “Cuộc cách mạng bóng đá” khởi đầu đã có thể xem khá hoàn hảo.
Việc TTK Trần Quốc Tuấn không đại diện VFF đã cho thấy tổ chức này đã có nhiều sự thay đổi suốt thời gian qua cho dù họ vẫn “mũ ni che tai” trước phản ứng của dư luận. Một sức ép nào đó đã được đè lên VFF và buộc họ phải trao toàn bộ quyền quản lý cho các ông bầu. Vị trí bị “săm soi” nhiều nhất là chức danh Tổng giám đốc của ông Phạm Ngọc Viễn. Tuy nhiên, với Hội đồng quản trị như vậy, ông Viễn thuộc “phe” nào thì có lẽ cũng chẳng cần đoán.
o0o
Hoàn toàn im lặng suốt một quá trình dài và các ông bầu đã tạo nên “cuộc cách mạng” lại đồng loạt xuất hiện để tạo nên một sức mạnh mà dù muốn hay không, VFF cũng không thể “kháng cự”. Nhìn vào cách bố trí nhân sự và sự có mặt của bầu Thắng, không khó để thấy đây là một kịch bản đã được dàn dựng hết sức công phu mà các ông bầu đã chắc chắn nắm 100% quyền kiểm soát Công ty VPF trong tay. Tất nhiên, vấn đề còn lại là họ sẽ xúc tiến các công việc như thế nào?
Có một chút quan ngại khi sau một thời gian dài kể từ lúc bầu Kiên “phát pháo” hồi đầu tháng 9 đến nay nhưng một loạt ông bầu lừng danh khác lại không thấy ra mặt để “góp sức”. Các vị Chủ tịch của Hà Nội T&T, Bình Dương, Navibank Sài Gòn, Ninh Bình… đã không xuất hiện. Họ ủng hộ hay không, thật khó biết mặc dù các đại diện của SHB Đà Nẵng hay Bình Dương cũng có chân trong HĐQT.
Tuy nhiên, cần phải đánh giá cao các quyết sách của VPF thông qua bản Qui chế chuyên nghiệp năm 2012, trong đó đặc biệt qui định các yêu cầu phải có trung tâm đào tạo trẻ tại cấp CLB. Những qui định này sẽ dẹp bỏ xu hướng đầu tư bóng đá theo kiểu “ăn xổi”, tức là ngăn ngừa các dạng “ông bầu” vào làm bóng đá cốt để lấy tiếng, lấy cơ chế đất hay mua-bán đội bóng. Dám quyết liệt với các qui định đó, rõ ràng VPF đã làm được một việc mà VFF mất nhiều công sức vẫn không thể thiếp lập suốt một thời gian dài. Coi như VPF đã hội đủ các yếu tố: độc lập, nhiều tiền và rạch ròi chuyện đầu tư với “đi buôn” trong bóng đá. Khởi đầu như vậy, có thể xem là hoàn hảo.
Hồ Việt
|
|||