Người hâm mộ môn cầu lông hơn 30 năm trước không thể nào quên tay vợt số 1 Việt Nam khi ấy, Nguyễn Bỉnh Khôi, từng 10 năm liên tiếp đoạt chức vô địch đơn nam cầu lông toàn quốc. Tuy giai đoạn đó thành tích thi đấu không nhiều, không có các giải đấu quốc tế danh tiếng nhưng Nguyễn Bỉnh Khôi vẫn được nhắc đến bằng trận thắng nhà vô địch trẻ Liên Xô cũ, thuộc đoàn thể thao sinh viên “Chim báo bão” sang thăm và thi đấu hữu nghị hàng năm tại nước ta.
Người viết còn nhớ nhà thi đấu Phan Đình Phùng khi ấy còn tọa lạc trên khu đất cũ, lợp mái tôn chứ không hoành tráng như bây giờ và sức chứa chỉ hơn 2.000 khán giả một chút. Thế nhưng, tiếng reo hò cổ vũ vang dội không ngớt trước cú đập cuối cùng ăn điểm của Bỉnh Khôi.
Từ đó đến nay đã hơn 30 năm, chưa một vận động viên cầu lông nào của Việt Nam có thể giành một trận thắng hay một ván thắng ở các giải đấu quốc tế cho đến khi Nguyễn Tiến Minh xuất hiện. Có thể nói, Nguyễn Tiến Minh là một hiện tượng, là một tài năng trăm năm mới có một, vượt hẳn lên trên các tài năng thể thao hiện nay, kể cả trong các môn bóng đá, điền kinh, bóng bàn hay võ thuật.
Anh là vận động viên duy nhất đạt đến đỉnh cao thế giới trong môn thể thao thuộc vào loại khó, nằm trong hệ thống môn Olympic, từng lọt vào tốp 5 thế giới (năm 2010) và hiện xếp vị trí thứ 7 thế giới, từng đánh bại nhà vô địch thế giới khi ấy là Lee Chong Wei giành quyền vào tứ kết giải Singapore mở rộng 2009, cũng như mới đây đoạt ngôi á quân giải Mỹ mở rộng 2011 và lọt vào đến vòng tứ kết giải vô địch cầu lông thế giới tại Anh.
Từ chiến thắng bất ngờ của Nguyễn Bỉnh Khôi trước tay vợt vô địch trẻ Liên Xô hơn 20 năm về trước đến những chiến thắng tại các giải đấu lớn của Tiến Minh là cả một bước tiến dài nhưng đều có một điểm chung, đó là sự hỗ trợ tối đa của gia đình trong việc đầu tư, sự nỗ lực vượt bậc của bản thân.
Cả hai tay vợt xuất sắc ở cả hai thời kỳ đều phải bỏ tiền túi ra thuê sân bãi tập luyện, thuê huấn luyện viên, thuê luôn cả người đấu tập chung. Sau này, trong những chuyến du đấu quốc tế liên tục của Nguyễn Tiến Minh, gia đình còn phải bỏ cả tiền máy bay, tiền ăn ở. Tiến Minh có may mắn hơn khi được thi đấu cọ xát quốc tế nhiều, phát huy khả năng khi ở độ tuổi còn trẻ, được sự hỗ trợ một phần nên duy trì thứ hạng quốc tế cao trong thời gian dài (lọt vào trong tốp 10 suốt hơn 2 năm, từ tháng 7-2009 đến tháng 8-2011).
Thế nhưng, có một câu hỏi chung ở cả hai ngôi sao cầu lông này là đằng sau họ sẽ là gì? Lớp kế thừa là ai? Ở tầm mức thấp như Nguyễn Bỉnh Khôi là một khoảng trống to lớn, mà phải đợi đến năm 2002, khi Nguyễn Tiến Minh đánh bại Nguyễn Phú Cường đoạt huy chương vàng đơn nam quốc gia, một ngôi sao mới có dịp tỏa sáng. Ở tầm mức quốc tế, sau Tiến Minh, cầu lông Việt Nam phải đợi đến bao lâu mới xuất hiện một Tiến Minh thứ hai? Người hâm mộ e rằng là còn lâu lắm, khi lớp hậu bị còn cách Minh quá xa.
MINH HÙNG
Các tin, bài viết khác
-
Đội tuyển bơi Việt Nam lần đầu giành HCV 4x200m tự do nam
-
Xem Trương Thị Kim Tuyền thăng hoa vô địch SEA Games 31
-
Tuyển vật giành 6 HCV ngay ngày khai cuộc
-
Đội tuyển nữ futsal Việt Nam đến gần với tấm HCV tại SEA Games 31
-
Nguyễn Văn Lai chốt chỉ tiêu 16 HCV cho đội điền kinh Việt Nam
-
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL tặng bằng khen cho Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Huyền trên sân Mỹ Đình
-
Thông số 400m rào nữ đã thay đổi ra sao sau 20 năm ở đấu trường SEA Games
-
Chuyên gia Simeonov khen cả Lan và Lịch
-
Sau 9 năm dự SEA Games, Quách Thị Lan đã vượt được rào giành HCV
-
Dmitry Bivol sợ không nhận được 4 triệu USD tiền thưởng thắng Canelo Alvarez vì lệnh trừng phạt tài chính nhắm vào Nga