
3 năm trở lại đây, sân chơi dành cho bóng đá trẻ Việt Nam bỗng trở nên nhộn nhịp kể từ khi Học viện Arsenal JMG HAGL ra đời. Hàng loạt dự án dành cho việc phát triển bóng đá lần lượt được định hình và phát triển sau đó như Học viện Scavi Rocheteau, Quỹ Bóng đá PVF, chương trình Giấc mơ sân cỏ, Hoàng tử bóng đá… Tất cả đều nhằm mục đích tạo cơ hội phát triển cho các cầu thủ nhí, giúp cho bóng đá Việt Nam có một nguồn cầu thủ kế cận hùng hậu.

Bóng đá chân đất tại Học viện HA.GL. Phải đến năm 17 tuổi, các cầu thủ mới chơi bóng bằng giày và đá đội hình 11 người. Ảnh: QUỐC AN
Từ đột phá của Hoàng Anh Gia Lai
Học viện Arsenal JMG HAGL gây ấn tượng ngay từ đầu với cơ sở vật chất bề thế cũng như định hướng đào tạo rõ ràng. Hiện nay, họ đang ươm mầm cho một thế hệ cầu thủ mới của Việt Nam để theo đuổi con đường chuyên nghiệp. Dù ngày hái quả của học viện này còn phải đợi đến 2 năm nữa, nhưng hiện tại lứa học viên Arsenal HAGL đã gây ấn tượng cho những ai có dịp ghé thăm và quan sát những buổi học của họ bằng khả năng chơi bóng kỹ thuật và hiện đại.
Tuy nhiên, hạn chế của học viện này chính là việc họ cũng chưa có đầy đủ hành trang thiết bị để tìm hiểu và theo dõi mức tiến bộ cũng như khả năng phát triển sinh học của các cầu thủ. Hơn nữa, các cầu thủ nhí của học viện cũng thiếu đối thủ cọ xát thường xuyên ngoại trừ những buổi đấu tập kiểm tra với Học viện Arsenal của Thái Lan vào mỗi tháng hoặc những trận giao hữu với các đội bóng U18 trong nước. Dù vậy, chất lượng kỹ thuật của các cầu thủ nhí này vẫn đang được đánh giá cao và chỉ chờ cơ hội kiểm chứng thực sự tại các giải đấu chính thức trong tương lai không xa.
Ồ ạt học viện, trung tâm...
Bên cạnh đó, Học viện Scavi Rocheteau dù thời gian qua có phần chao đảo nhưng giờ đây họ cũng đã đưa 4 gương mặt sang Pháp tập huấn tại CLB Saitn Etienne. Ngoài ra, họ đã giới thiệu được cho tuyến U17 Việt Nam một gương mặt triển vọng là Nguyễn Đỏ.
Song song đó, trong thời gian qua chương trình “Giấc mơ sân cỏ” do Học viện Bóng đá Aspire (Qatar) kết hợp với CLB Barcelona triển khai tại Việt Nam cũng đang gây nhiều sự quan tâm. Lần đầu tiên bóng đá trẻ Việt Nam có cầu thủ trúng tuyển học bổng du học 3 năm tại lò đào tạo nước ngoài. Bên cạnh bóng đá, cầu thủ còn nhận được các chế độ đào tạo văn hóa và phát triển thể chất cũng như tập trung với các cầu thủ cùng lứa tuổi đến từ châu Phi, Nam Mỹ.
Việc Nguyễn Thái Sung giành suất học bổng đó đã khiến cho HLV trưởng ĐTVN, ông Calisto ngạc nhiên và thích thú. Ông khẳng định: “Đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần nhiều sân chơi hơn nữa cho công tác đào tạo trẻ cũng như tăng cường các giải đấu trẻ, phát triển bóng đá học đường cũng như xây dựng nhiều sân bóng đá công cộng…”. Trong thời gian ở tại Học viện Aspire, Thái Sung còn có cơ hội tham dự MIG Cup, một giải đấu trẻ uy tín do Barcelona tổ chức hàng năm.
Sự xuất hiện của Quỹ bóng đá PVF non trẻ cũng góp phần làm sinh động hơn bức tranh phát triển bóng đá trẻ Việt Nam. Dù là mới mẻ, nhưng sự góp mặt của nhiều danh thủ một thời của bóng đá TPHCM như Trần Minh Chiến, Lê Thanh Tùng, Hoàng Hùng… hy vọng PVF sẽ cho ra lò một lứa cầu thủ trẻ trung và đầy kỹ năng chơi bóng trong tương lai. Chương trình “Hoàng tử bóng đá” cũng đem đến khi chọn ra 5 gương mặt ở độ tuổi 18 sang Liverpool tập luyện trong mỗi năm. Dù rằng ở độ tuổi này, cầu thủ đã được định hình nhưng thời gian tập luyện tại Liverpool sẽ là một trải nghiệm cần thiết cho những gương mặt kế cận với bóng đá chuyên nghiệp.
Quốc Cường
Mọc lên như nấm sau mưa Ngoài những dự án đã ra đời kể trên, rất nhiều nơi đang tuyên bố làm bóng đá trẻ hoành tráng chẳng kém. Đội HN T&T quyết định kết hợp với phong cách Bồ Đào Nha để thành lập học viện của mình. Navibank Sài Gòn còn mới tinh ở bóng đá Việt Nam cũng lên tiếng liên kết cùng CLB lừng danh của Đức là Bayern Munich để mở học viện tại TPHCM. Ở Đà Nẵng, Ninh Bình rồi Hải Phòng, nơi nào cũng tuyên bố sẽ có học viện. Ý thức được tầm quan trọng của việc đào tạo bóng đá trẻ là tốt nhưng cho “mọc” lên như nấm sau mưa theo kiểu các cuộc thi sắc đẹp thì không ổn. Để có được một cầu thủ giỏi không phải là điều dễ dàng. Tại Học viện HA.GL Arsenal, phải đến tuổi nào thì mới được chơi bóng bằng giày, đến tuổi nào mới được đá đội hình 11 người. Khắt khe là thế mà điều kiện tuyển chọn cũng khó khăn, đến mức trong đợt tuyển sinh vừa qua, HA.GL phải nới bớt quy trình tuyển chọn để có thêm học viên dù đây là mô hình đào tạo hoàn toàn miễn phí. Cách làm có chất lượng của HA.GL như vậy còn không có đủ học viên, trong khi đó hàng chục học viện, trung tâm đang mọc lên hay có dự định sẽ hình thành liệu có đủ người theo học? Nếu không chọn lựa kỹ đầu vào thì liệu có được tài năng trong tương lai hay không. Thành ra, dù đang là “mốt” nhưng chưa biết hiệu quả đến đâu cả. T.V. |